Hiểu đúng về vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:07, 10/03/2016

Sau một thời gian vắng bóng, bệnh viêm não mô cầu xuất hiện trở lại ở một số địa phương.


Nếu không chủ động ngăn chặn thì bệnh có thể bùng phát thành dịch. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vaccine.

1. Vaccine viêm não mô cầu AC: Tên thương mại là Meningococcal polysaccharide vaccine AC, phòng ngừa viêm màng não do Meningococcus nhóm A và C. Miễn dịch xuất hiện 2 tuần sau tiêm và có thời gian bảo vệ khoảng 3 năm. Việc chủng ngừa còn được khuyến cáo ở vùng có nội dịch cao hoặc có dịch do Meningococcus nhóm A và C.

Vaccine này giúp cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm Meningococcus A và C nhưng không có tác dụng đối với Meningococcus B (là tác nhân thường gây viêm màng não ở Pháp) cũng như đối với các vi khuẩn gây viêm màng não tụ mủ khác (Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae...). Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi đều tiêm một liều như nhau, tiêm bắp hay tiêm dưới da. Không nên tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi, nếu trẻ có tiếp xúc với người bệnh bị nhiễm Meningococcus A+ C thì có thể tiêm ngừa nếu trẻ trên 6 tháng tuổi. Trong vòng 24 giờ sau tiêm, có thể sốt nhẹ và hơi đỏ ở chỗ tiêm.

2. Vaccine Meningococcal BC được chỉ định nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh B và C. Vaccine được tiêm cho trẻ từ tháng tuổi thứ ba và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch. Cũng nên tiêm vaccine cho những người sống trong một cộng đồng như các trung tâm chăm sóc trẻ em trường nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc các cộng đồng có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu nhóm huyết thanh B và C, vì người dân ở đây có nguy cơ phơi nhiễm.

Lịch tiêm cơ bản gồm hai liều 0,5 ml, khoảng cách giữa các lần tiêm là 6 đến 8 tuần. Liều tiêm thứ hai là bắt buộc để đạt được mức bảo vệ. Lịch tiêm được áp dụng với trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Không được tiêm trong các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển, các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh. Hiếm khi có phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra khi tiêm mũi đầu tiên, nhưng nếu có thì chống chỉ định tiêm mũi thứ hai.

Không tiêm vaccine Meningococcal BC cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết và nguy cơ dịch tễ học cao. Ở tất cả các trung tâm tiêm chủng, cần có sẵn thuốc tích hợp (dung dịch adrenaline 1/100) đề phòng trường hợp xảy ra phản ứng quá mẫn. Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị suy giảm miễn dịch có thể không có đáp ứng đầy đủ với vaccine.

Cảnh báo: Không bao giờ được tiêm vaccine Meningococcal BC theo đường tĩnh mạch. Cán bộ y tế cần thực hiện đúng việc bảo quản và hút một hay nhiều liều vaccine từ lọ đóng nhiều liều để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Vì vậy khi lọ vaccine đã mở thì phải bảo quản tránh ánh sáng và ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ.

Các dấu hiệu và triệu chứng phản ứng sau tiêm tại chỗ như đau, nổi ban đỏ và cứng vùng tiêm thường nhẹ, có cường độ tần suất xuất hiện khác nhau, xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu sau tiêm và có xu hướng biến mất sau 72 giờ. Các phản ứng tại chỗ với mức độ mạnh hơn có thể xuất hiện trong một vài trường hợp đơn lẻ. Những phản ứng và các dấu hiệu này cũng tương tự phản ứng đối với các vaccine hấp thụ khác. Trong các triệu chứng toàn thân thường thấy có báo cáo về thân nhiệt 38 độ C hoặc cao hơn và ít khi kéo dài quá 2 ngày. Tuy nhiên ít khi thấy có báo cáo về trường hợp sốt 39 độ C hoặc cao hơn, triệu chứng này xảy ra nhanh. Có thể có cảm giác khó chịu, đau đầu, buồn ngủ. Các dấu hiệu và triệu chứng toàn thân cũng như tại chỗ thường giảm sau liều thứ hai. Hơn 40 triệu liều vaccine Meningococcal BC đã được sử dụng đều cho thấy tính an toàn. Vaccine không gây ra bệnh hoặc những triệu chứng, dấu hiệu chính của bệnh.

Ngoài ra còn có loại vaccine khác phối hợp các nhóm A, C, Y và W135 nhưng việc sử dụng phải do các bác sĩ chỉ định.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương