Điệu nhạc xuân ở biển
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:54, 12/03/2016
Nhà hàng của vợ chồng Nghệ ở khu cuối, gần bãi phi lao mới trồng, nhỏ nhưng lạ hơn các nhà hàng khác. Thảy đang ngổn ngang bởi bàn tay ông chủ Nghệ. Nổi nhất là nàng tiên cá cách điệu và đàn thiên nga đắp rất cao. Cổ người và chim đều in vào nền trời mặt biển. Chủ và tượng đều có nét rất “Nghệ”, rất lãng tử.
Biển chuyển dần sang mùa lạnh, Nghệ được vợ cho rảnh tay để làm tượng. Cậu em vợ chừng mười chín tuổi da ngăm đen, răng đều tăm tắp, cười rất tươi: “Anh em đúng là Nghệ. Cái tên trời đặt cho”. Cậu lại nói: “Anh em và chị em là hai mảnh đời quyện vào nhau. Anh là Nghệ. Chị ấy đảm, nấu ăn ngon và nhanh nhất cửa biển này. Chỉ có điều “tỉnh” và “thực” quá".
Nghe tiếng chuông nhà thờ âm âm từ đâu dội lại, tiếng trầm lạ như nhà thờ được dựng ngoài khơi xa. Tôi ngả lưng trên chiếc ghế đá trắng muốn uốn theo hình thức lưng con thiên nga, cả người và chim nhìn ra biển. Mặt trời lên ấm áp. Sóng dồn phào phào nhẹ nhàng. Một chốc lại nóng như sáng hè. Nhìn anh chàng Nghệ rất “nghệ”, đang cúi lom khom làm việc cật lực phía bãi biển, cái dáng công tử, mũi thẳng và đôi mắt vừa vui vừa buồn, mồ hôi bắt đầu rơi xuống cát. Cảm thấy thương: “Nghệ ơi, đội mũ vào nhé!”. Nghệ xúc động vịn cổ con thiên nga đứng dậy, cười. Bất chợt đàn chim bay qua biển.
Đôi chân Nghệ như người đóng kịch câm điệu nghệ đi nghiêng sang cánh trái một chút, cố ý đi về phía tượng “nàng tiên cá cải tiến” trắng muốt, mình trần, cái đuôi quẫy trên nước biển. Vừa bước vào thở phào một cái, buông khẽ cái mũ cói rộng vành đã cũ trên chiếc bàn đá, mặt tròn, có hai chiếc ghế đá hai bên hình trăng khuyết, như dáng bàn đá các thiền viện lớn vùng Đồng Nai, Bình Dương trong Nam, nói:
- Đời em khoái nhất là theo con chim xít và làm tượng
- Chim xít là của trời và biển cho cậu. Còn tượng là từ đâu?
- Báo cáo anh. Em ở vùng đất Chúa từ nhỏ. Học rồi làm quấy quá ấy mà. Anh đừng cười.
Tôi lại cười, cái tiếng “báo cáo anh” của chàng Nghệ. Chắc chàng từng đi làm. Cũng từng lận đận. Bỗng nhớ một chuyện…
Thực ra tôi đã về cửa biển đẹp này một lần rồi. Hồi ấy chiến tranh ác liệt. Tôi đi theo một “lãnh đạo cơ quan” trên chiếc xe com-măng-ca đít vuông. Đến nơi thì một quả bom vừa rơi xuống khu vực bãi tắm này. Còn nghe cả mùi khét. Lần đầu tiên đi phò tá lãnh đạo ở nơi xứ biển đẹp đẽ này, lại trong cảnh bom đạn, tôi ngơ ngác đủ điều. Chẳng biết ăn, chẳng biết nói. Sau chuyến công tác, lãnh đạo nhận xét tôi tốt, hăng hái, có điều ít nói, khó hiểu, thình thoảng lại cười như trẻ thơ, thiếu “nhạy cảm chính trị”. Thí dụ khi vào cửa huyện thì phải biết dùng cụm từ “báo cáo anh”. Lần đầu nghe cơ sở nói đến cụm từ “phối kết hợp”, tôi suýt bật cười to lên. Lãnh đạo phải lườm cho một cái, lạnh cả người. Khi về lãnh đạo bảo: “Cậu cố gắng học hỏi cơ sở, nghiêm khắc rèn luyện từ lời ăn tiếng nói. Phải tập làm quen với việc báo cáo và phối kết hợp. Không là gay đấy cậu ạ!”.
Lãnh đạo có ý thương. Quả là gay thật. Vị lãnh đạo về sau cũng gay, tiến chậm, bị ung thư mà chết.
Chẳng ngờ cuối đời tôi lại được về cùng cửa biển đẹp lạ lùng này và được gặp những người như chàng Nghệ.
Nghệ giục tôi uống nước và tự giới thiệu như ở bảo tàng mỹ thuật cổ:
- Tượng tiên cá cải tiến này em dựng theo trí nhớ lần xuống thăm Thuỷ Cung ở Sài Gòn…
- Đẹp lạ lắm!
- Anh khen thiệt đấy chứ? Còn ba con thiên nga này em tạo khuôn mẫu hồi lang bạt ở Đà Lạt.
- Lạ, đẹp lắm!
Nghệ cười buồn, kiểu đảo từ khen của tôi. Biết tôi không phải loại “cốt cán” gì, chàng hồ hởi:
- Đời em khổ mà sướng, cực buồn nhưng cũng cực vui anh ạ.
- Bởi cậu có tên là Nghệ!
- Ông anh tri âm đấy. Em từng là học sinh giỏi của huyện, đi bộ đội rồi đi làm. Mình ở đất Chúa, nhà lành, mà đi đến đâu cũng không được lãnh đạo ưa, chẳng hiểu vì sao hở anh? Nhưng thôi, nhìn mặt ông anh là em biết không nên nói đến chuyện lẩm cẩm ấy. Bây giờ chỉ nói chuyện vui thôi!
Bất chợt đàn chim vòng lại trước biển. Từ nhà hàng bên trong vọng lên tiếng “Píp… píp” lạ lùng. Cậu em trai gọi lên những tiếng rất tình cảm: “Anh Nghệ ơi, anh Nghệ kìa”. Thực lòng một đời người tôi chưa nghe cậu em vợ nào gọi anh rể bằng những lời trìu mến đầy tình người như thế.
Bất chợt cậu em vợ đưa ra một vật gì rất lạ, khi bóp phát tiếng kêu dài và buồn. Đó là khúc săm xe máy, có đầu tròn, cong dài chừng bốn gang tay, đầu cắm một ống nhựa đỏ. Tôi đủ tỉnh táo để biết những chuyện gì mà hai anh em sắp nói. Vật dụng cao su màu đen giống như chiếc tù và, như ống đựng rượu dài ở vùng du mục Trung Á. Chỉ lạ là nhờ tay người điều khiển nó phát ra bao nhiêu thứ tiếng động vật. Thậm chí nó còn tạo được tiếng cười, tiếng khóc như người. Hệt như có người đang nằm trong nhà.
Như có phép lạ xuất hiện một chiếc khác hệt như chiếc trước. Hai anh em nhìn nhau rồi bóp bài hoà tấu tiếng chim, rồi cười to lên với nhau như trẻ con. Cảnh này trước biển vui đến nao lòng, không ở đâu có.
Chàng Nghệ bóp một tiếng dài, trong và buồn. Cậu em biết ý ngừng tay. Phía trên trời như có cánh chim sà đánh sạt một cái, kêu lên hệt như tiếng chim nhân tạo từ chiếc săm kia. Nghệ cười:
- Biển có nhiều loại chim. Khỏe có, yếu có, vui có, buồn có. Nhưng tổng hợp nhất thì chỉ có loại chim xít. Tiếng nó vừa vui vừa buồn đến thắt ruột, sức lực dáng vóc vừa mạnh vừa yếu. Có lẽ vì thế mà em yêu chúng. Anh xem, như chú chim cuốc thì buồn thảm quá. Mà anh mòng biển thì hoạt quá, láu quá!
Người Tàu đi thuyền vào tận đây, săn tìm chim xít là thứ nhất, cuốc thứ hai, còn sứa đỏ là thứ ba. Có ông khách Tàu đến đây nằm võng suốt đêm rồi cũng lây máu nghệ sĩ mà tỏ vẻ hồ hởi: “Ngộ biết loài chim xít có một chuyện tình từ xưa. Ăn thịt nó chữa cái bệnh về tình cảm. Đắt lắm vơ. Đưa về chế biến để xuất khẩu, bọn ngộ chẳng biết mùi mẽ gì”.
Bỗng vợ Nghệ từ bếp nói ra:
- Bố Nghệ làm đi. Cứ “tiết lộ” mãi thế!
Lộ đổi sắc mặt:
- Là nói chuyện cho vui. Chứ người như anh đây thì biết chắc chẳng phải dạy chuyện tình hoặc cái xấu của người đời. Vô duyên!
Cậu em vợ hồn nhiên chém tay vào ống săm cao su, nó kêu lên những tiếng rất gấp. Cậu ta nhìn anh vợ, rồi tự lấy cái mũ cói rách chụp lên đầu anh.
Nghệ trở lại vui chuyện:
- Cái của lạ phát ra tiếng này cũng là trời cho em đấy chứ. Lần tìm vào tận Tây Nguyên kiếm sống, định ở lại đốt nương làm rẫy cho qua một đời người, em gặp một lão Ba Na ẩn sĩ trong rừng thẳm, chế ra cái dụng cụ này để gọi chim truyền lại cho em. Khi về em cải tiến mãi, mới được thứ tiếng mà loài chim nào nghe cũng nghĩ là tiếng của chính mình.
Cô vợ mắt đen láy, dáng thon như nàng tiên cá của chàng Nghệ dựng lên trước biển kia, chỉ khác nàng tiên da trắng ngần, vợ Nghệ da ngăm đen rất có duyên. Biết cách “Nghệ” ất ơ gặp nhau, không xoay chuyển được tình thế, cô đi từ bếp ra nhìn tôi cười rất tươi, qua nàng tiên cá cao gần bằng người cô như tỏ ý khoe một điều gì đó. Nàng cầm chiếc nón, gỡ cái mũ cói rách trên đầu Nghệ, đội thay vào. Bởi vì mặt trời đã lên cao. Cái tượng Nghệ đang làm đã xong cái cốt, chưa lộ ra một hình thù nào cả. Chỉ biết nó vươn lên cao ngất trước biển.
Từ trong bếp, hình như cô vợ vô ý chạm vào vật gì từa tựa như ống săm kia. Cái tiếng dài, trong và buồn, chạm vào do một sự vô ý lại càng lạ lùng hơn. Hình như có cánh chim đánh soạt sau cái chòi hóng gió lợp tranh.
Cô vợ xinh đẹp thấy cảnh tình hiện ra, cười rất tươi rồi kể:
- Nhà em cứ thấy xách súng đi săn chim xít, chim cuốc… là anh ấy ghét lắm. Đánh chim bằng cát sét cũng vậy. Anh ấy bảo là dã man. Hồi mới về đây, anh ấy mua được cái băng tận Tây Nguyên, ai cũng đến mượn để đánh bẫy chim làm giàu nhưng anh ấy không cho. Có đêm hai vợ chồng nằm ngủ quên trước biển, tỉnh dậy anh ấy mới nói mơ hồ: “Chim xít như người, như em vậy. Có khi anh cũng muốn “ăn thịt” em nhưng không thể tàn bạo được như người đời. “Ăn thịt” mà chảy nước mắt ra ấy chứ!”. Đêm ấy biển động ghê lắm.
Sau đêm biển động, sáng ra chim xít từng đôi, từng đàn bay đi chuẩn bị cho cuộc “truy hoan” buổi tối. Chim xít lạ lùng, con trống béo ngậy, con mái mảnh mai nhưng ngực nhô cao rất đẹp. Chúng yêu nhau kinh khủng, có khi còn sóng gió hơn cả người. Đêm buồn chàng Nghệ cùng em vợ dùng “nhạc cụ thần tiên ấy” tổ chức vũ điệu nhạc chim trước biển. Khi đói, them của lạ, thì lấy mảnh lưới, chăng ra vuông góc, ngồi thu lu ở góc rừng phi lao, bóp săm nhựa gọi chim. Con trống lao vào lưới, lập tức con mái cũng lao vào. Chắc đây là chuyện tình chung thủy của ông khách Tàu kia chăng?
Tôi tự dưng thấy vui buồn xao xác, ngỡ có cả đàn chim xít bay cả vào mình. Sóng dào dạt vui buồn. Tôi kéo ghế, gục xuống bên tượng nàng tiên cá tự khi nào. Nghệ hiểu ý, lay tôi dậy:
- Đã về đến đây thì buồn làm gì anh. Cứ “phối kết hợp” vui với buồn, thực với mộng mà sống anh ạ. Tối nay ra đây dạo nhạc chim xít với bọn em.
Truyện ngắn của PHAN CUNG VIỆT