Chính phủ Brazil cận kề nguy cơ tan rã trong 30 ngày tới
Tin tức - Ngày đăng : 08:00, 13/03/2016
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 12-3, Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Dilma Rousseff thông báo trong vòng 30 ngày tới sẽ đưa ra quyết định về việc có tiếp tục ở lại trong thành phần của Chính phủ hiện nay hay không.
Trong một hội nghị toàn quốc của PMDB, các thành viên của chính đảng lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ này cũng đưa ra quyết định không cho phép bất cứ ai tham gia thêm vào thành phần nội các.
Các quyết định này cho thấy có sự rạn nứt lớn trong liên minh cầm quyền và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Brazil đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Nghị sỹ Omar Terra, một trong những thủ lĩnh của PMDB, tuyên bố Tổng thống Dilma Rousseff hiện không còn kiểm soát được tình hình đất nước, bởi vậy bà không còn khả năng để tập hợp bất cứ sự ủng hộ nào cũng như tìm được lối thoát cho nền kinh tế đất nước.
Theo ông Terra, Chính phủ đã đưa ra những quyết định sai lầm và PMDB không thể chìm cùng bà Rousseff và Đảng Lao động (PT). PMDB sẽ dành cho Chính phủ thêm 30 ngày nữa để tìm hướng giải quyết cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
PMDB là chính đảng có số nghị sỹ tại cả lưỡng viện Quốc hội cũng như thống đốc bang nhiều nhất ở Brazil. Chủ tịch của đảng này đang giữ chức Phó Tổng thống, trong khi Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cùng bảy trong tổng số 31 bộ trưởng cũng là người của PMDB.
Ông Terra, một trong những người thúc đẩy việc phế truất Tổng thống, cũng cho rằng bà Rousseff có một sự lựa chọn đó là từ chức, còn không sẽ phải đối mặt với một phiên tòa xét xử chính trị tại Quốc hội nhằm bãi nhiệm bà.
Trong khi đó, tại hộ nghị, Phó Tổng thống Michel Temer, Chủ tịch PMDB, thừa nhận cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế hiện nay tại nước này là “rất trầm trọng” và kêu gọi đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm bà Rousseff nếu diễn ra phiên tòa xét xử chính trị tại Quốc hội, ông Temer sẽ là người giữ chức Tổng thống tạm quyền tới hết nhiệm kỳ của Chính phủ vào cuối năm 2018.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil trở nền trầm trọng từ năm ngoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras, khiến khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Vụ việc này cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh đảng PT cầm quyền, cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập đảng này, và uy tín của Tổng thống Rousseff.
Các thành viên của PMDB cũng có nhiều người bị tố cáo có liên quan tới vụ Petrobras, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha.
Theo TTXVN