Chăm sóc lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:56, 14/03/2016

Trong tháng 2 có nhiều đợt rét đậm, rét hại xen kẽ nên lúa chiêm xuân bén rễ, hồi xanh chậm hơn so với cùng kỳ năm trước...


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do trong tháng 2 có nhiều đợt rét đậm, rét hại xen kẽ nên lúa chiêm xuân bén rễ, hồi xanh chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến giai đoạn lúa đẻ nhánh. Những lưu ý sau đây giúp bà con chăm sóc lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, bảo đảm mật độ.

Cung cấp đủ nước

Bà con nông dân cần cung cấp đủ nước cho lúa, nhất là giai đoạn lúa bén rễ, hồi xanh. Giai đoạn lúa đẻ nhánh nên duy trì mực nước trên ruộng từ 2-3 cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi, chống chịu được với thời tiết rét đậm. Không để ruộng khô.

Bón thúc để lúa đẻ nhánh nhanh

Đối với những diện tích cấy mạ dược hoặc mạ sân, nông dân cần chủ động bón thúc đợt 1 ngay khi lúa bén rễ, hồi xanh để lúa đẻ nhánh tập trung, bảo đảm số nhánh hữu hiệu. Lưu ý, cần bón đủ lượng, nên bón NPK, nhất là loại phân NPK chuyên dùng cho lúa giai đoạn bón thúc; tăng lượng ka li cho lúa lai và lúa chất lượng để lúa phát triển cân đối, hạn chế sâu bệnh. Nông dân có thể sử dụng một số chế phẩm bón lá để lúa ra rễ và đẻ nhánh nhanh. Khi ruộng lúa có hiện tượng vàng lá sinh lý do thời tiết rét hoặc ngộ độc hữu cơ, nhổ lên thấy rễ vàng hoặc đen, ít rễ trắng nên phun các chế phẩm kích thích rễ như KH, Bồ đề 688, siêu lân, XO rong biển... theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Riêng trà xuân sớm đã bón thúc xong đợt 1 cần kiểm tra và bón bổ sung cho những diện tích bón bị lỏi, lúa chưa tốt. Đối với lúa gieo vãi nông dân cần khẩn trương san, tỉa vãi khi lúa có từ 3-4 lá.

Phòng trừ sâu bệnh và ốc bươu vàng

Lúa giai đoạn này, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời sâu bệnh, nhất là đối với bệnh đạo ôn trên các giống dễ nhiễm như Q5, BC 15, nếp... Trời ấm, ốc bươu vàng sinh sản rất nhanh, gây hại cho lúa non nhất là những ruộng nhiều nước. Khi mật độ ốc thấp dùng phương pháp thủ công như bắt bằng tay, cắm cọc, bẫy thức ăn… thu hút ốc để tiêu diệt. Nếu nhiều, phun hoặc trộn thuốc trừ ốc bươu vàng với phân bón hoặc cát để vãi. Lưu ý khi sử dụng thuốc, ruộng lúa phải có mực nước nông, tuyệt đối không để ruộng quá cạn hoặc quá nhiều nước sẽ gây hại cho lúa. Sau khi sử dụng thuốc, phải giữ mực nước đều từ 5-7 ngày để tăng hiệu lực của thuốc.

Bên cạnh đó, nông dân cần sục bùn, diệt cỏ dại bằng tay kết hợp với bón thúc lần 1. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sofit, Prefit, Fenrim... pha phun theo hướng dẫn. Nếu phun muộn, cần sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm như Sunrice, Ankilla, Ankilla40WP... Đối với lúa gieo thẳng, cần bảo đảm 100%  số diện tích lúa được phun thuốc trừ cỏ đúng theo yêu cầu kỹ thuật để lúa đẻ nhanh thuận lợi.

(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)