Bài 2: Dễ dàng "sập bẫy"

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:07, 17/03/2016

Lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của không ít người, các công ty kinh doanh đa cấp đã tung ra những mánh khóe tinh vi để lừa đảo...






Mỗi người khi tham gia vào hệ thống bán hàng của Liên Kết Việt sẽ phải đóng số tiền 8,6 triệu đồng, được cấp một mã số
kinh doanh và được quyền mua một mã hàng gồm có máy ozone, máy vật lý trị liệu và một số loại thực phẩm chức năng

Chiêu bài “hoa hồng”

Tìm hiểu hoạt động lừa đảo của Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) chi nhánh Hải Dương, điều chúng tôi nhận thấy rõ ràng nhất là chiêu bài "hoa hồng" để dụ dỗ, lôi kéo một số lượng lớn người tham gia.

Đến bây giờ ông N.D.T. (64 tuổi) ở thôn Hoành Lộc, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) mới cảm nhận được nỗi ê chề vì tham gia đa cấp. Năm 2011, qua giới thiệu của một vài người quen, ông tìm đến một chi nhánh của Liên Kết Việt đóng trên đường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương). Tại đây, đại diện phía công ty đã đưa ra những lời chào mời hấp dẫn khi tham gia vào hệ thống. Theo lời ông T., mỗi người khi tham gia vào hệ thống bán hàng của Liên Kết Việt sẽ phải đóng số tiền là 8,6 triệu đồng, được cấp một mã số kinh doanh và được quyền mua một mã hàng gồm có một máy ozone, máy vật lý trị liệu và một số loại thực phẩm chức năng. “Họ hứa với tôi nếu mua nhiều mã hoặc giới thiệu được nhiều người tham gia vào hệ thống thì sẽ nhận được tiền hoa hồng cao, được nâng bậc để thành những người quản lý trong hệ thống đó. Thấy lời giới thiệu quá hấp dẫn, tôi đã tham gia hệ thống bằng tên của nhiều người thân trong gia đình với tổng số 110 mã”, ông T. kể.

Nhiều nạn nhân của Liên Kết Việt cho biết “người của công ty” khẳng định số tiền "hoa hồng" được tính cho một cá nhân tham gia là 8%. Sau vài năm, số tiền mà mỗi người tham gia được hưởng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Trước viễn cảnh giàu nhanh, nhiều người đã bỏ tiền để tham gia vào hệ thống của Liên Kết Việt. Có người còn giấu gia đình, người thân, dùng "sổ đỏ" vay mượn số tiền lớn để tham gia.

Thời gian đầu, các công ty thanh toán tiền "hoa hồng" khá sòng phẳng khiến những người tham gia hệ thống yên âm và tin tưởng. Ngay đối với bản thân ông N.D.T., số tiền "hoa hồng" nhận được trong thời gian này đã lên tới 280 triệu đồng. Chính từ những khoản "hoa hồng" lớn đã khiến nhiều người tin tưởng vào hoạt động của công ty, tiếp tục lôi kéo người thân và bạn bè tham gia vào Liên Kết Việt.

Cùng cảnh ngộ trên, các “nạn nhân” của Công ty Sinh Phú cũng được đại diện của công ty vẽ lên một viễn cảnh tươi sáng với lời hứa hẹn sẽ có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Ông T.M.T. ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) cho biết: “Đại diện công ty hứa với chúng tôi nếu giới thiệu được 1 người sẽ nhận số tiền hoa hồng là 100.000 đồng, người thứ 2 là 500.000 đồng... Vậy mà đến nay tôi đã nhận được đồng nào đâu?”.

Phủi tay

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (Công an tỉnh), chi nhánh Công ty Liên Kết Việt tại Hải Dương đã thu hút được trên 5.000 người, trong đó có cả những người ở tỉnh ngoài.



Liên Kết Việt tổ chức nhiều chương trình, cuộc gặp gỡ với một số người được giới thiệu là nguyên lãnh đạo
cấp cao Bộ Quốc phòng khiến nhiều người lầm tưởng đây là một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng


Khi mới vào công ty, những người tham gia Liên Kết Việt đều cảm thấy một không khí ấm áp như trong một gia đình. Người của công ty luôn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến từng khách hàng. Cùng với việc mạo danh sản phẩm, Liên Kết Việt còn tổ chức nhiều chương trình, cuộc gặp gỡ với một số người được giới thiệu là nguyên lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng khiến nhiều người lầm tưởng Liên Kết Việt là một đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, khi vụ việc lừa đảo của Liên Kết Việt bị khui ra thì những người được cho là đại diện của công ty này đã “phủi tay” khiến các nạn nhân bơ vơ không biết bám vào đâu.

Theo đơn trình bày của ông N.V.H. (76 tuổi) ở phường Tân Bình (TP Hải Dương), đầu năm 2015, ông tham gia hệ thống Liên Kết Việt chi nhánh Hải Dương có địa chỉ tại km 50+60 quốc lộ 5, cụm công nghiệp Cẩm Thượng với 10 mã, tương đương 86 triệu đồng. Ngay sau khi có thông tin về việc lừa đảo của Liên Kết Việt, ông đã đến văn phòng của công ty tại TP Hải Dương nhưng công ty đã đóng cửa. Liên hệ nhiều lần bằng điện thoại với đại diện của công ty cũng không được. Ông H. cho biết: “Khi nghe được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi và nhiều người tham gia mới biết mình bị lừa. Họ phủi tay nhanh quá. Số tiền cả đời dành dụm để lo khi về già bây giờ đã không cánh mà bay”.

Giống như hoàn cảnh của ông H., hàng nghìn người dân tham gia vào Liên Kết Việt trên địa bàn tỉnh cũng đang chịu hậu quả nặng nề. Đối với họ, đây là cú sốc quá lớn. Những ngày qua, không khí trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ông N.D.T. trở nên u ám. Không muốn gặp ai vì xấu hổ, ông T. chỉ quẩn quanh ở nhà. “Tôi đã liên hệ với những người cùng tham gia Liên Kết Việt, tất cả đều không thể liên lạc với người của công ty để tìm hiểu sự việc và giải quyết hợp đồng. Số tiền đóng vào công ty là của dành dụm bao nhiêu năm lao động vất vả nơi xứ người của các con tôi. Bây giờ mất hết tôi biết nói với chúng nó thế nào?”, người đàn ông với gương mặt hốc hác nói trong vô vọng.

Bi quan, chán chường là nỗi niềm chung của hàng nghìn người dân đã tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt. Sau  khi một số lãnh đạo cấp cao của Liên Kết Việt bị bắt, chân rết của công ty này tại các địa phương trong đó có tỉnh ta đã “bặt vô âm tín”.

Người đứng đầu Liên Kết Việt ở Hải Dương là ai?

Trong những ngày tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã gặp nhiều nạn nhân tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt. Gặp ai, họ cũng khẳng định một người có tên P.V.T. (sinh năm 1975, quê ở xã Ninh Hải, Ninh Giang) là Giám đốc Liên Kết Việt chi nhánh Hải Dương. Chính người này đã tiếp nhận các hồ sơ của khách hàng, tổ chức cho những người tham gia lên trụ sở chính của Liên Kết Việt tại Hà Nội để tham gia các chương trình của công ty.

Tuy nhiên, khi kiểm tra các hồ sơ, giấy tờ có liên quan do các nạn nhân cung cấp đều không có chữ ký và chức danh của người này. Ngay cả giấy chuyển nhượng 94 mã số kinh doanh của một người dân tại huyện Cẩm Giàng cho P.V.T. vào tháng 5-2015 cũng không ghi rõ ràng (chỉ có tên người chuyển nhượng và người nhận, không có địa chỉ, chức vụ, quê quán...). Cũng theo phản ánh của người dân, ngay sau khi sự việc của Liên Kết Việt bị vỡ lở, họ đều không thể liên lạc được với những người đại diện tại TP Hải Dương, trong đó có P.V.T.

Vậy, P.V.T là ai? Người này có vị trí gì tại Liên Kết Việt chi nhánh Hải Dương? Trách nhiệm của P.V.T. và những người có liên quan trong vụ việc này như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm về hoạt động của Công ty Sinh Phú? Những câu hỏi đó đang chờ các cơ quan chức năng làm rõ.

SONG LÊ


 Ðiều 5 khoản 1 Nghị định 42/2014/NÐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã quy định những hành vi bị cấm như: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp...