Bài cuối: Quản lý lỏng lẻo

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:41, 18/03/2016

Việc các cơ quan chức năng thờ ơ trong quản lý nên các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để lừa đảo người dân...






Trụ sở Công ty CP Đông nam dược Sinh Phú ở số 87 Vũ Văn Dũng, phường Quang Trung (TP Hải Dương)

Mặc dù Nhà nước đã có những quy định cụ thể về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp nhưng trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này còn nhiều kẽ hở.

Buông lỏng quản lý

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy chính quyền nhiều địa phương có doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đăng ký trụ sở hoạt động hoặc có nạn nhân bị thiệt hại nhưng không nắm rõ được tình hình. Ông N.D.T. ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) cho biết: “Tại xã Cẩm Văn có trên 20 người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt. Số tiền tham gia lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa thấy cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương gặp tôi để tìm hiểu về việc này”. Còn khi trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Viết, Trưởng Công an xã Cẩm Văn cho biết: “Trước đây đã có một số người dân của địa phương tham gia bán hàng đa cấp. Một số trường hợp cũng bị lừa nhưng chưa có người dân nào đến trình báo sự việc hoặc đến tố cáo tại các cơ quan cấp trên nên chúng tôi không nắm được”.

Ngay cả chính quyền địa phương nơi có trụ sở của công ty kinh doanh đa cấp cũng rất khó khăn để có thể nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị này. Ông Nguyễn Đức Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết: “Trên địa bàn phường có 2 công ty đa cấp hoạt động là Công ty Sinh Phú và Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam ở số 125 Vũ Văn Dũng. Cả 2 doanh nghiệp này đều đã dừng hoạt động. Do chúng tôi không có thẩm quyền nên rất khó kiểm tra hoạt động của họ. Đến nay, chúng tôi cũng không nhận được phản ánh, đơn trình báo nào của người dân về những bất thường tại 2 công ty này".

Sáng 10-3, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Sở Công thương và được giới thiệu gặp đại diện Phòng Kinh tế đối ngoại để tìm hiểu vấn đề. Tuy nhiên, đồng chí đại diện phòng này chỉ cung cấp cho phóng viên danh sách 36 công ty đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Sở có biết hay không các hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Sinh Phú?", người này trả lời rằng không nắm được và đến thời điểm này chưa thể trả lời thêm các câu hỏi khác của phóng viên, xin hẹn sang buổi chiều 10-3. Nhưng đến cuối giờ chiều 10-3 chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Đại diện Sở Công thương cho biết theo quy định, 36 công ty đăng ký bán hàng đa cấp phải nộp hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp cho sở. Đây sẽ là cơ sở để Sở Công thương theo dõi, giám sát hoạt động, tổ chức của các doanh nghiệp này. Thực tế qua vụ việc của Liên Kết Việt cho thấy cơ quan chức năng nhiều nơi chưa quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp.

Công an vào cuộc

“Chúng tôi rất hoang mang vì không biết bấu víu vào đâu. Ai, cơ quan nào có thể giúp chúng tôi khắc phục hậu quả, lấy lại số tiền đã mất?”, ông Nguyễn Văn H. ở khu 11, phường Tân Bình (TP Hải Dương) nói. Đó cũng là câu hỏi lớn nhất mà hàng nghìn nạn nhân đã tham gia hệ thống bán hàng đa cấp muốn được trả lời.

Hiện nay, Công an tỉnh đang khẩn trương vào cuộc điều tra vụ việc. Trung tá Nguyễn Huy Vụ, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (Công an tỉnh) cho biết: “Cơ quan điều tra Công an tỉnh đang thụ lý ủy thác điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, xác minh  hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam chi nhánh Hải Dương. Chúng tôi đang tích cực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra".

Tuy chưa thể xác định được con số thiệt hại cụ thể nhưng với số tiền 8,6 triệu đồng/mã thì ít nhất trên 5.000 nạn nhân tham gia Liên Kết Việt chi nhánh Hải Dương cũng bị thiệt hại tới 43 tỷ đồng. “Hiện tại, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang thụ lý hồ sơ của tất cả những ai là nạn nhân của Liên Kết Việt, thậm chí là nạn nhân của bất cứ một đơn vị kinh doanh, bán hàng đa cấp trá hình nào khác, có dấu hiệu lừa đảo trên địa bàn tỉnh”, Trung tá Nguyễn Huy Vụ cho biết thêm.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an cũng gặp rất nhiều khó khăn như số người tham gia quá đông, ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau; nhiều người chỉ để lại tên và số chứng minh nhân dân nên mất nhiều thời gian để tổng hợp dữ liệu. Khó khăn nhất là việc xác minh ai là nạn nhân, ai là tội phạm... Do đó, người dân cần tích cực phối hợp trong việc gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an, nhất là công an và chính quyền địa phương để rà soát, tập hợp được đầy đủ những đối tượng tham gia hệ thống đa cấp nói chung, Liên Kết Việt nói riêng.

SONG LÊ


 Luật sư Trần Đại Biểu, Trưởng Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Trước khi tham gia một mạng lưới đa cấp, người dân phải hiểu được nó là cái gì? Hoạt động như thế nào? Thật khó có thể đưa ra một tiêu chí nào về dấu hiệu lừa đảo của các hệ thống đa cấp để người dân có thể nhận biết vì các quy định rõ ràng, cụ thể của pháp luật vẫn bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, người dân cần tích cực tìm hiểu pháp luật, hiểu biết về đa cấp mới có thể tránh bị thiệt thòi, tránh vi phạm pháp luật cho chính bản thân mình. Nếu cần, người dân có thể đến các văn phòng luật sư, đoàn luật sư để được tư vấn”.