Kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lê

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:49, 19/03/2016

Những năm gần đây dưa lê đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong tỉnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, nông dân nhiều địa phương ở Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành đã bắt đầu ươm giống, chuẩn bị đất trồng dưa lê vụ xuân hè. Để trồng dưa lê hiệu quả, đạt năng suất, chất lượng, nông dân cần lưu ý những điểm sau:

Chuẩn bị đất: đất trồng dưa lê cần tơi xốp, thoát nước tốt, có tầng đất mặt dày. Dưa lê thích hợp trồng trên đất cát hoặc đất cát pha có chứa nhiều chất hữu cơ, độ pH từ 6 - 6,8. Không trồng dưa lê trên ruộng đã trồng cà chua, cà pháo, bí, khoai tây, ớt, dưa và ruộng cây trồng trước đã bị héo xanh. Nông dân có thể xử lý đất trồng bằng vôi tả (30 - 40 kg/sào). Lên luống rộng từ 1,8-2 m gồm cả rãnh. Luống cao từ 25-30 cm, rãnh rộng 30-35 cm. Luống thoải dần về hai bên mép.

Ngâm ủ hạt giống nông dân cần ngâm hạt giống dưa lê trong nước sạch khoảng 4 giờ, sau đó ủ 24 giờ. Khi hạt nẩy mầm thì gieo vào bầu đất (1 hạt/bầu). Sau khi gieo từ 8 - 10 ngày, khi cây có từ 1 - 2 lá thật thì có thể đem trồng. Nếu trồng giàn thì lượng giống từ 1 - 1,2kg/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 1,5m. Trồng hàng đôi thì mật độ cây 25.000 cây/ha. Còn trồng bò trên mặt đất, lượng giống từ 400 - 500 gam/ha. Cây cách cây 0,5 cm, hàng cách hàng 4 m. Trồng hàng đôi, mật độ cây từ 9.000 - 10.000 cây/ha. Nên gieo ươm cây trong bầu đất.

Bón phân: dưa lê thích hợp bón phân chuồng, tro trấu hoai mục, đất xốp nhẹ đã xử lý sạch mầm bệnh, trộn đều nhau theo tỷ lệ 30% + 10% + 60%. Bón lót từ 200 - 300 kg phân chuồng, 30 - 40 kg NPK. Bón thúc lần 1 khoảng 18 - 20 ngày sau khi trồng: 40 - 50 kg NPK. Bón thúc lần 2 khoảng 7 - 10 ngày sau khi đậu quả bón từ 2-3 kg đạm và ka li/sào.

Để dưa lê quả to, năng suất cao, cần bấm ngọn, tỉa nhánh, chọn trái. Nếu để một dây chính thì cây không cần bấm ngọn mà định hướng dây bò theo hướng vuông góc với mặt luống. Dưa lê có đặc tính quả nằm trên dây nhánh, muốn trái to, mỗi dây để một quả, cần cắt bỏ nhánh trên dây chính từ lá thứ 10 trở vào gốc trước khi để quả. Vị trí để quả tốt nhất là lá thứ 10 đến lá thứ 15. Trên nhánh chọn quả để 2 lá (kể cả lá để quả), rồi bấm ngọn. Còn nếu để 2 dây nhánh thì khi cây được từ 4 - 5 lá thật tiến hành bấm ngọn chính, sau khi bấm ngọn được 7 - 10 ngày, chọn 2 nhánh tốt nhất, định hướng dây bò theo hướng vuông góc với mặt luống. Vị trí để quả tốt nhất từ lá thứ 7 - 10. Trên nhánh chọn quả để 2 lá (kể cả lá để quả), rồi bấm ngọn.

Sau khi đậu quả từ 28 - 35 ngày, vỏ quả chuyển sang màu vàng là thời kỳ thích hợp để thu hoạch.

(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)