Gắn bó với cây khoai lang

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:05, 20/03/2016

Trong khi nông dân ở nhiều địa phương khác đã thay đổi cây trồng thì nhiều người dân ở xã Văn Hội (Ninh Giang) vẫn gắn bó với cây khoai lang.



Nông dân thôn Văn Hội thu hoạch khoai lang vụ xuân


Hiện nay, xã Văn Hội có diện tích trồng loại cây này lớn nhất huyện.

Gia đình ông Vũ Đình Duyệt, Trưởng thôn Văn Hội trồng nhiều khoai lang nhất thôn với hơn 1 ha. Theo ông Duyệt, trước đây gia đình ông chỉ trồng từ 3-4 sào nhưng nhận thấy cây này cho hiệu qủa kinh tế khá nên đến cuối năm 2014 vợ chồng ông mở rộng diện tích, ngoài giống khoai truyền thống, ông đã trồng thêm giống KLC3. Giống khoai mới rất dễ trồng, tốn ít chi phí lại có thể tận dụng dây khoai từ vụ này để ươm giống và trồng tiếp cho vụ sau. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc cũng ở thôn Văn Hội, năm 2015, nhận thấy các địa phương khác trồng khoai lang tím và khoai lang Hoàng Long cho năng suất cao nên nhiều hộ trong thôn trồng thử. Tuy nhiên, do trồng tự phát mà không theo quy trình kỹ thuật nào nên ngay vụ đầu tiên khoai cho sản lượng thấp. "Đúng lúc này, ông Duyệt khuyến cáo bà con không nên trồng tự phát, đồng thời ông phân tích cho người dân về chất đất của địa phương cũng như thế mạnh của giống khoai KLC3 để mọi người trồng theo. Trước đó, ông Duyệt đã trồng thử nghiệm giống khoai này tại chân ruộng của gia đình và thấy đây là loại cây có nhiều ưu điểm như phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, củ to, đều, đẹp mã, bở, thơm, năng suất và chất lượng cao", ông Ngọc cho biết. Không những đi đầu trong việc đưa giống khoai chất lượng cao vào trồng, ông Duyệt còn cung ứng giống cũng như tìm thị trường tiêu thụ cho bà con. Bà Vũ Thị Sâm, một hộ trồng khoai lang ở thôn Văn Hội cũng cho biết: "Giống khoai KLC3 có thời gian thu hoạch ngắn, củ sai, mẫu mã đẹp. Khoai có ruột trắng, bở và thơm nên rất dễ tiêu thụ. Vụ xuân năm nay, gia đình tôi tiếp tục trồng giống khoai này trên diện tích gần 1 mẫu. Rút kinh nghiệm từ các vụ trước, vụ này khi khoai mới bén rễ, tôi tích cực bón thúc thêm lân, đạm để cây có thể sinh trưởng tốt và tỷ lệ xuống củ đạt cao".

Ngoài hộ ông Duyệt, bà Sâm, các hộ khác như ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn Tuy Lai), ông Bùi Đức Chác, Bùi Đức Hạnh (thôn Văn Hội) cũng có diện tích trồng khoai lang lớn, từ 3-4 mẫu. Ông Bùi Đức Hạnh cho biết: Giống khoai KLC3 có thể sinh trưởng trên mọi loại đất nhưng chỉ cho củ cao, đều nhau, còn củ đẹp mã, bở, thơm và bùi chỉ khi trồng trên đất phù sa cổ và đất cát. Sau khi thu hoạch xong, thương lái trực tiếp tới ruộng thu mua nên nông dân vừa tiết kiệm thời gian lại đỡ tốn công sức vận chuyển về nhà. Với 1 mẫu ruộng, mỗi năm gia đình ông có thể trồng được 2 vụ, năng suất bình quân đạt gần 7 tạ/sào. Với giá bán tại ruộng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi sào gia đình ông thu lãi gần 5 triệu đồng. So với cấy lúa, trồng khoai lang mang lại thu nhập cao hơn.

Hiện nay, xã Văn Hội có gần 8 ha chuyên trồng khoai lang. Trên một số xứ đồng trồng lúa năng suất thấp như cánh đồng Vận, cánh đồng sau Chùa (thôn Văn Hội), hầu hết người dân đã chuyển sang trồng khoai lang. Các thôn khác như Tuy Lai, Đào Lạng cũng bắt đầu mở rộng diện tích trồng khoai trên đất lúa. Không những mang lại hiệu quả kinh tế khá từ bán củ, tất cả các bộ phận khác của cây khoai lang đều được người dân tận dụng làm phân xanh hoặc thức ăn chăn nuôi.

"Xác định trồng khoai lang là thế mạnh của địa phương nên nhiều năm qua nông dân trong xã không ngừng mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, việc này rất dễ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu nên thương lái có thể ép giá. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tính toán để đưa ra các khuyến cáo phù hợp cho người dân khi phát triển loại cây trồng này", ông Vũ Văn Chức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Hội cho biết.

ÁI LIÊN