Doanh nghiệp "đầu độc" môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 13:53, 21/03/2016
Nhiều doanh nghiệp thường nghĩ "trăm phương ngàn kế" để xả trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường nhằm tiết kiệm chi phí.
Khu công nghiệp Lai Cách xả nước thải chưa xử lý ra kênh dẫn chảy vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Ảnh: AT
Lén lút
Nhiều người dân xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) cho biết cứ khoảng 1 tuần, Công ty TNHH RichWay đóng trên địa bàn xã lại thải nước ra môi trường từ 1 đến 2 lần. Nước thải màu đen kịt chảy thẳng vào hệ thống thủy nông của địa phương làm cá chết nổi lên hàng loạt. Mặt khác, do nhà xưởng của công ty chỉ cách khu dân cư khoảng 40 m nên mỗi lần công ty xả nước thải, cả làng phải đóng cửa để tránh mùi hôi khó chịu. Từ những tài liệu thu thập được, Phòng Cảnh sát môi trường (Phòng PC49 - Công an tỉnh) đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định kiểm tra đối với Công ty TNHH RichWay, người đại diện pháp luật là bà Wu Ping Chen, quốc tịch Đài Loan. Qua kiểm tra phát hiện nước thải công ty xả ra vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5-10 lần với lưu lượng từ 40-60m3/ngày đêm. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Công ty TNHH RichWay buộc phải thừa nhận vi phạm của mình. Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính công ty này với tổng mức phạt 24 triệu đồng.
Hành vi xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của nhiều doanh nghiệp, làng nghề truyền thống đã từng ngày "giết chết" các dòng sông. Hệ thống sông Bắc Hưng Hải là một trong số những "nạn nhân" đó. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hệ thống sông Bắc Hưng Hải chảy vào địa phận tỉnh Hải Dương đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy tất cả các chỉ số nước đều vượt quy chuẩn cho phép. Bằng mắt thường mọi người cũng đều nhìn thấy hệ thống sông này đang bị "bức tử".
|
Theo kết quả nắm bắt tình hình của PC 49, dọc hai bên hệ thống sông Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh có nhiều cụm, khu công nghiệp và các làng nghề truyền thống, nhưng chỉ có 3 khu công nghiệp Phúc Điền, Tân Trường và Đại An có hệ thống xử lý nước thải, rác thải công nghiệp. Ngay từ khi dòng sông này chảy vào địa phận tỉnh ta, nguồn nước đã bị ô nhiễm. Cùng với đó, nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề dọc theo hai bên sông xả thẳng vào khiến dòng sông càng ô nhiễm nghiêm trọng. Phòng PC49 đã tiến hành điều tra, nghiên cứu hơn 1.000 lượt doanh nghiệp để thu thập các thông tin liên quan tới hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Qua đó, đơn vị đã ban hành 1.200 công văn kiến nghị, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị khắc phục những hạn chế trong việc vận hành, sử dụng hệ thống xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc điều tra, nghiên cứu này cũng chỉ mới dừng lại ở việc nắm tình hình, chưa xác định được nguyên nhân cũng như nơi bắt nguồn ô nhiễm của hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Nhiều doanh nghiệp lén lút xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải nhưng chưa bị phát hiện và xử lý.
Cần xử lý nghiêm
Năm 2015, Phòng PC49 phát hiện 73 vụ việc vi phạm về môi trường, trong đó lập hồ sơ xử lý 59 vụ gồm 37 tổ chức và 22 cá nhân vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm 1,47 tỷ đồng. Thời gian gần đây, vi phạm trong xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở kinh doanh có xu hướng ngày càng tăng và diễn ra trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Hầu hết các cơ sở đều chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó với cơ quan chức năng như lắp hệ thống xả thải ngầm, xả trộm nước thải khi trời mưa to, xả trộm ngoài giờ hành chính... Hiện nay, chế tài xử lý tội phạm môi trường còn thấp, chưa đủ sức răn đe; các trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác điều tra, xử lý còn hạn chế; lực lượng cảnh sát môi trường còn mỏng nên gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình hình cũng như chưa kịp thời phát hiện những vi phạm về môi trường.
Để khắc phục được tình trạng này, quan trọng nhất chính là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn. Khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân cần sớm cung cấp thông tin chính xác cho lực lượng chức năng để kịp thời nắm bắt, xác minh và xử lý. Các cơ quan chức năng cần xem xét việc đưa lực lượng cảnh sát môi trường tham gia hội đồng đánh giá tác động môi trường trong mỗi dự án trước khi triển khai trên địa bàn tỉnh để lực lượng này nắm bắt được ngay từ đầu hệ thống xử lý nước thải, rác thải của các dự án. Khi xảy ra vấn đề, cảnh sát môi trường không phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, kiểm tra, xác minh những thông tin ban đầu. Các vụ vi phạm nghiêm trọng về môi trường cần được đưa ra khởi tố nhằm răn đe, giáo dục đối với các doanh nghiệp, cá nhân. Ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong các lực lượng bảo vệ pháp luật về môi trường. Các cơ quan chức năng sớm đề nghị sửa đổi luật theo hướng tăng chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về môi trường...
TÂM PHÚC