Khi ý Đảng hợp lòng dân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:47, 23/03/2016
Chính những khó khăn của xã đang gặp phải là động lực giúp Tân Quang (Ninh Giang) nỗ lực không ngừng để xây dựng nông thôn mới (NTM).
Toàn bộ đường giao thông nông thôn ở Tân Quang đã được kiên cố hóa
Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, diện mạo nông thôn ở xã Tân Quang đã thay da, đổi thịt. Những con đường đất bụi bặm vào ngày nắng, lầy lội khi trời mưa giờ đây được trải bê tông rộng rãi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đồng ruộng được quy hoạch lại vuông vức. Nhớ lại những ngày tháng toàn xã đồng lòng, khắc phục gian khó để đạt các tiêu chí NTM, đồng chí Vũ Tiến Đĩnh, Bí thư Đảng ủy xã tự hào cho biết: Đến hết năm 2012, xã đạt được 10 tiêu chí, so với mặt bằng chung của huyện thì không phải thấp nhưng đều là tiêu chí mềm. Những tiêu chí khó, cần nguồn vốn huy động lớn đối với xã dường như không có lời giải vì xuất phát điểm của Tân Quang là nông nghiệp nên ngân sách hạn hẹp. Nông dân chủ yếu sống dựa vào cây lúa, củ khoai, không dư dả để đóng góp. Khó khăn là vậy, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ không có động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Chính vì vậy, Đảng ủy, chính quyền xã quyết tâm từng bước tháo gỡ những trở ngại để có thể cán đích NTM.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Đảng ủy xã đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, 2 đề án, 8 kế hoạch về vấn đề này. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là phải có sự ủng hộ, đồng tình của người dân. Vì thế, Đảng ủy và chính quyền xã xác định tư tưởng xuyên suốt trong công cuộc xây dựng NTM là phải để người dân thấy được lợi ích từ phong trào, từ đó tin tưởng và đồng thuận. Xây dựng NTM phải gắn với việc giải quyết những kiến nghị của nhân dân, tạo mọi điều kiện để họ có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Trước kia, tình trạng vứt rác sinh hoạt bừa bãi dẫn đến ô nhiễm môi trường là vấn đề nan giải của xã, khiến nhiều hộ bức xúc. Vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã thực hiện từ tiêu chí này với các chủ trương hợp lòng dân để mọi người ủng hộ. Nếu như các địa phương khác khi quy hoạch bãi rác tập trung phải tiến hành đền bù đất cho dân thì ở Tân Quang người dân sẵn sàng hiến đất 03 hoặc đổi sang đất công điền. Ông Vũ Đình Tuấn ở thôn Đoàn Xá cho biết: "Bao đời nay, chúng tôi gắn bó với nông nghiệp nên đất đai là vốn quý, việc hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở vật chất là điều không dễ dàng. Nhưng nếu ai cũng giữ suy nghĩ đó, vì lợi ích riêng mà quên đi lợi ích chung thì sẽ không thể tiến bộ được. Mới đầu nhiều hộ còn ái ngại, tính toán thiệt hơn nhưng sau khi được vận động, tuyên truyền, nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng NTM nên ai cũng hưởng ứng nhiệt tình". Mặc dù không phải là đảng viên nhưng ông Tuấn luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, đặc biệt ông tình nguyện hiến 100 m2 đất 03 để làm đường giao thông. Noi gương ông Tuấn, mọi người đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền xã thay đổi diện mạo quê hương. Trong 5 năm xã đã huy động được hơn 15 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cơ sở vật chất trường học, y tế ngày một khang trang. 2 thôn Đoàn Xá, Hội Xá đều được công nhận danh hiệu làng văn hóa, an ninh trật tự trong xã được giữ vững.
Xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống của người dân và sức dân chính là cơ sở để NTM bền vững, đi vào thực chất. Nhận thức được điều này, Đảng bộ, chính quyền xã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng thu nhập cho người dân. Đồng chí Vũ Đình Lẩy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Lợi thế của địa phương là nông nghiệp nên ngay từ đầu xã chú trọng dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch sản xuất, đưa máy móc vào đồng ruộng. Năm 2014, xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Bà con từ chỗ chỉ chuyên canh trồng lúa chuyển sang trồng nhiều loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Những diện tích cấy lúa bấp bênh được tận dụng đào ao thả cá, lập trang trại chăn nuôi. Từ đó, thu nhập của người dân ngày càng tăng cao, chất lượng sống được nâng lên. Bên cạnh đó, xã cũng quan tâm tới công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo cơ sở chuyển dịch lao động từ sản xuất nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo gần 9%, đến nay đã giảm xuống còn dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/người/năm.
Với những kết quả đó, cuối năm 2015 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền xã không chỉ giúp Tân Quang hoàn thành xây dựng NTM mà còn tăng cường khối đại đoàn kết nhân dân. Đây chính là bước khởi đầu để xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và bứt phá trong phát triển kinh tế về sau.
NGUYỄN MƠ