Cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần gắn với hậu kiểm
Tin tức - Ngày đăng : 19:06, 25/03/2016
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản
Đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án trong dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và nhấn mạnh đây chính là sự thể hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ quan điểm cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị trên toàn quốc, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh hồ sơ bổ sung cập nhật kiến thức là rất cần thiết đối với dược sĩ cũng như những người được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được yêu cầu khi làm giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc có giá trị 3 năm, đồng thời phải tăng cường hậu kiểm, thanh tra để phát hiện xử lý nghiêm vi phạm.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) phân tích: "Học đại học xong 5 năm mới nhận được danh hiệu dược sĩ, 6 năm mới nhận được danh hiệu bác sĩ, sau đó phải có thời gian hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên thì mới nhận được chứng chỉ hành nghề, như vậy trải qua giai đoạn từ 7-8 năm để tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm nên việc quy định cấp chứng chỉ 5 năm là không phù hợp". Theo đại biểu Phương, hiện nay Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cho các ngành đào tạo, các trường đại học đa ngành hay trường đại học ngoài công lập đua nhau đào tạo y dược, Bộ Y tế không kiểm soát được hết chất lượng trong quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra. Đại biểu đề xuất cần thi chứng chỉ hành nghề không chỉ riêng ngành dược mà rất cần thiết cho ngành y.
Nhấn mạnh việc đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng việc quy định thời gian 5 năm cấp lại chứng chỉ hành nghề mới là không phù hợp, sẽ tạo ra thủ tục rườm rà, tiêu cực, gây khó khăn cho người xin cấp lại chứng chỉ hành nghề dược nên chỉ cần quy định cấp một lần.
Dân cứ tốn tiền mua thuốc mà không hết bệnh
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, quy định trong dự thảo luật nhà thuốc bán từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau theo phân công của Giám đốc Sở Y tế là không hợp lý, "phân công như thế nào, người dân khi cần làm sao biết quầy thuốc nhà thuốc nào được phân công?". Theo đại biểu Cảnh, luật chỉ nên đưa ra chính sách khuyến khích để người kinh doanh tự quyết định phục vụ 24 giờ hay không và chỉ thu thêm 1 khoản phí nhỏ đủ để chi phí cho dược sĩ phục vụ ban đêm. Với vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, luật quy định tối thiểu bố trí nhà thuốc phục vụ 24 giờ thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ, do Bộ Y tế quy định.
Cũng như nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề đấu thầu thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết một sự thật nhức nhối: “Thực tế đang xảy ra tình trạng giữa hai địa phương gần nhau, đấu thầu cùng một loại thuốc nhưng giá chênh nhau. Lý thì rất đúng mà tình rất gian”. Phân tích điều vô lý này, đại biểu Tiên nói luật đấu thầu hiện nay quy định khi có kết quả đấu thầu thì phải chấp nhận, bất kể sai hay đúng, giá cao hay giá thấp. Đại biểu đề nghị: Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) phải quy định khi giá thuốc tối đa được công bố bởi Bộ Y tế, nếu đấu thầu thuốc giá cao hơn mức tối đa, chênh lệch bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ để Chính phủ xử lý điều chỉnh cho phù hợp.
Đề cập đến vấn đề dược liệu, đại biểu Tiên cho biết đa số dược liệu của Việt Nam nhập từ nước ngoài. Pháp luật trong nước đã quy định các tiêu chuẩn về chất lượng, nhưng trớ trêu là lại không đủ khả năng về chuyên môn, kỹ thuật để kiểm soát được chất lượng dược liệu nhập khẩu.
“Vậy chúng ta làm thế nào? Chịu thua à? Ngành dược liệu của Việt Nam dần dần sẽ triệt tiêu, nông dân trồng dược liệu bán không ai mua. Trong khi người dân uống thuốc nhập ngoại mãi mà không hết bệnh”, đại biểu Tiên nói. Đại biểu Tiên cũng đề nghị giải pháp chỉ định thầu với việc cung ứng dược liệu trong nước. Như vậy sẽ mở ra cơ chế bảo đảm cho doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng dược liệu để tăng tính cạnh tranh.
Cân nhắc kỹ việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại
Đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp theo tỷ lệ phần trăm, trị giá tính thuế, thời hạn nộp thuế, việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại… là những nội dung trong dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được các đại biểu QH góp ý tại buổi làm việc chiều 25-3.
Về đối tượng chịu thuế, một số ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc không áp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), xét về bản chất, hàng hóa này được sản xuất và tiêu dùng ngay tại Việt Nam, được quản lý, giám sát chặt chẽ theo các quy trình thủ tục hải quan tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan. Nếu áp thuế nhập khẩu, vô hình trung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài, đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay tại sân nhà.
Một nội dung nữa của dự thảo luật được các đại biểu quan tâm thảo luận, đó là việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại. Đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng sản xuất trong nước là cần thiết, để bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng, là biện pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), trên thực tế ở nước ta hiện nay, nếu áp dụng thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà không có sự cân nhắc kỹ càng sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Khi đưa ra thuế phòng vệ phải quan tâm đến thị trường nhiều hơn và phải tận dụng tối đa lợi thế của hội nhập trong kinh tế vĩ mô. Đại biểu dẫn chứng gần đây nhất là việc áp dụng thuế phòng vệ đối với mặt hàng phôi thép. Chỉ một tuần trước khi quy định này có hiệu lực, thị trường thép trong nước đã có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá. Người tiêu dùng bị thiệt hại, giá thành xây dựng tăng lên và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, khi giá thế giới đang giảm, không nên xây dựng hàng rào phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước...
TTXVN-TT