Con người có thể định cư trên Mặt Trăng vào năm 2022
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 10:05, 27/03/2016
Con người có thể định cư trên Mặt Trăng vào năm 2022. Ảnh: NASA. |
Theo Science Alert, trong số tạp chí đặc biệt New Space xuất bản tháng 3/2016, một nhóm chuyên gia không gian, bao gồm các nhà khoa học hàng đầu thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), mô tả chi tiết cách thức con người thiết lập thuộc địa trên Mặt Trăng trong 7 năm tới với giá 10 tỷ USD.
Những bài học kinh nghiệm và công nghệ con người dùng để xây dựng căn cứ bên ngoài Trái Đất, chẳng hạn như trên Mặt Trăng, là chìa khóa để thuộc địa hóa sao Hỏa và hành tinh khác, theo các nhà khoa học.
"Mối quan tâm của tôi không phải là Mặt Trăng. Đối với tôi, Mặt Trăng giống một quả bóng bê tông tẻ nhạt. Nhưng chúng tôi sẽ không có nền tảng để nghiên cứu việc định cư trên sao Hỏa nếu chưa biết cách làm điều này trên Mặt Trăng", Chris McKay, nhà sinh vật học vũ trụ đồng thời là biên tập viên tạp chí New Space, nói.
Chương trình Apollo lần đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng năm 1972 có chi phí 150 tỷ USD tính theo thời giá hiện nay. Con người không quay trở lại Mặt Trăng kể từ đó vì chi phí quá cao.
"Mỹ có thể dẫn đầu việc đưa con người quay trở lại Mặt Trăng trong 5-7 năm tới, với tổng chi phí ước tính khoảng 10 tỷ USD", Alexandra Hall, nhà khoa học thuộc NASA, kết luận trong bài báo đăng trên tạp chí New Space.
McKay cho biết, công nghệ mới như xe ôtô tự lái và nhà vệ sinh tái chế chất thải rất hữu ích trong không gian. Chúng làm giảm chi phí quá trình thuộc địa hóa Mặt Trăng.
Theo các tài liệu nghiên cứu, căn cứ Mặt Trăng sẽ là nơi cư trú của 10 người trong một năm đầu tiên, và dần tăng lên 100 người sau một thập kỷ. Công nghệ in 3D được sử dụng để tạo ra những thiết bị và đồ dùng cá nhân cần thiết.
Khu nhà ở nhiều khả năng được xây dựng ở vành ngoài của một trong hai cực Mặt Trăng, nơi nhận được nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn so với phần còn lại. Điều này giúp cho các thiết bị chạy bằng năng lượng Mặt Trời hoạt động.
Các nhà du hành vũ trụ có thể sống trong môi trường tương tự như nhà ở bơm hơi của công ty Bigelow Aerospace, Mỹ. Đây là thiết kế có khả năng chống bức xạ, cho phép nhiều hoạt động sống diễn ra, cũng như dễ dàng lưu trữ và vận chuyển. Cây trồng được bón phân nhờ toilet tái chế chất thải người thành năng lượng, nước sạch và chất dinh dưỡng, giống như chiếc bồn cầu xanh do Quỹ Gates tài trợ.
Nhiều người lo ngại số tiền 10 tỷ USD quá lớn so với ngân sách hàng năm khoảng 3-4 tỷ USD của NASA dành cho những chuyến thám hiểm không gian. Nhưng theo các chuyên gia, chi phí này là hợp lý nếu có sự hợp tác giữa NASA với nhiều cơ quan không gian khác và nhà cung cấp nhiên liệu tên lửa đẩy.