Kỳ công chăm sóc vải xuất khẩu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:06, 28/03/2016
Vụ vải năm nay, diện tích vải của huyện Thanh Hà xuất khẩu tới các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Australia… mở rộng tới hơn 90 ha.
Điều này mang lại nhiều kỳ vọng cho nông dân mặc dù việc chăm sóc vải xuất khẩu khá phức tạp và kỳ công.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho vùng vải xuất khẩu phải tuân thủ theo công thức nghiêm ngặt
Lật từng chùm hoa đang bung nở đợt đầu tiên, ông Hoàng Quang Tĩnh, trưởng nhóm vùng vải sớm xuất khẩu ở xã Thanh Bính nói: "Giống vải sớm rất mẫn cảm, năm nay thời tiết bất lợi nhưng cây nào cây nấy ra hoa đồng loạt hứa hẹn vụ vải sắp tới sẽ suôn sẻ, bội thu. Đây là năm đầu tiên sản xuất vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu nên gần 200 hộ tham gia vừa mừng, vừa lo bởi quy trình chăm sóc rất khắt khe". Theo ông Tĩnh, so với vải thiều, chăm sóc vải sớm vất vả hơn bởi là đợt thu hoạch đầu tiên nên sâu bệnh tập trung nhiều. Hơn nữa từ trước đến nay, người dân thường chăm sóc theo thói quen, kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn khi phải áp dụng theo một khuôn mẫu nhất định. Bây giờ mỗi đợt bón phân, tưới dưỡng hay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), người dân đều phải ghi vào sổ nhật ký chi tiết, cụ thể tên cũng như nguồn gốc xuất xứ từng loại phân bón, thuốc đã sử dụng. Mới đầu, nhiều hộ còn lóng ngóng, nhầm lẫn giữa các loại thuốc trừ sâu, quên cả thời gian chăm bón. Nhưng với sự hướng dẫn nhiệt tình của cơ quan chuyên môn, nông dân ngày một quen dần với quy trình sản xuất mới.
Mặc dù đã chăm sóc vải theo tiêu chuẩn VietGAP được 3 năm, nhưng ông Đặng Văn Triệu ở thôn An Lão (xã Thanh Khê) không khỏi hồi hộp khi năm nay gia đình ông có gần 8 sào vải nằm trong vùng xuất khẩu. Càng tới gần mùa vải thì nỗi lo càng nhiều thêm. Nhất là khi thời tiết ngày càng không ủng hộ người trồng. Mỗi một giai đoạn phát triển của cây, người dân phải nắm rõ cặn kẽ, tỉ mỉ từng công đoạn chăm sóc, bởi chỉ cần sai một bước nhỏ cũng coi như "xôi hỏng bỏng không". Trước đây gia đình ông mới chỉ đáp ứng được yêu cầu đối với sản xuất vải sạch, còn vải xuất khẩu thì đòi hỏi khắt khe hơn nhiều vì mỗi nước lại có quy định riêng về chất lượng sản phẩm. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất vải xuất khẩu và đúc kết lại những kiến thức đã tích lũy trước đó, ông Triệu nhận ra tập quán canh tác cũ có nhiều sai sót. "Trước kia, khi phát hiện ra sâu bệnh, chúng tôi lập tức phun thuốc phòng trừ nhưng lại không quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của bệnh hại để chọn thuốc phù hợp, khiến lượng thuốc tồn dư trên cây lớn. Người dân cũng không chú trọng việc dọn vệ sinh vườn vì nghĩ rằng theo thời gian, lá cây rụng sẽ mục ra, tốt cho cây mà không biết đó lại là nguyên nhân phát sinh mầm bệnh", ông Triệu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn Lại Xá (xã Thanh Thủy) đã thuộc nằm lòng quy trình chăm sóc vải xuất khẩu bởi ông là người phụ trách vùng vải xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy không an tâm khi nhớ lại năm trước có hộ chỉ vì phun thuốc BVTV sát ngày thu hoạch, không bảo đảm thời gian cách ly nên phía công ty ký hợp đồng thu mua trả về. Rút kinh nghiệm, năm nay ngoài các buổi tập huấn của cơ quan chuyên môn, ông tổ chức các cuộc họp riêng để mọi người trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm cũng như tháo gỡ khó khăn khi áp dụng phương thức sản xuất mới. Ông cũng yêu cầu các hộ phải ký vào bản cam kết tuyệt đối tuân thủ theo quy định chăm sóc, không vì nóng vội mà làm sai. Quả vải đang đứng trước cơ hội lớn nhưng ông Nhân, người gắn bó và tâm huyết với cây vải cả đời vẫn có những trăn trở riêng: "Từng có thời kỳ, cây vải bị "ghẻ lạnh", nhiều nơi đã phá bỏ chuyển sang trồng quất, trồng ổi. Giờ quả vải đã có hướng đi, cái khó là ở chỗ người dân có chịu thay đổi tư duy, cách thức chăm sóc để vực dậy loại quả đặc sản của quê hương hay không".
Vừa dẫn tôi đi thăm vùng sản xuất vải, ông Nhân vừa đọc vanh vách quy trình sản xuất vải xuất khẩu. Gần 30 loại thuốc BVTV chứa chất cấm mà người dân hiện nay vẫn đang dùng phổ biến và hơn 40 đầu thuốc được khuyến cáo sử dụng ông đều nhớ tên từng loại. Thời điểm vải ra hoa cái là thời kỳ nhạy cảm nhất, cả vụ vải "ăn hay thua" phụ thuộc vào giai đoạn này. Bởi nếu gặp thời tiết bất lợi, vải sẽ không đậu quả. Khi quả vải bắt đầu đẫy cùi cũng chính là lúc sâu bệnh gây hại nhiều nhưng việc sử dụng thuốc BVTV lại khắt khe hơn vì nếu dùng không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Nâng cao giá trị quả vải
Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, năm nay diện tích vải xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm ngoái, đều hướng tới những thị trường khó tính nên "hàng rào" kỹ thuật rất khắt khe. Ngoài 6 chất cấm tuyệt đối không được sử dụng, mỗi nước lại có một đòi hỏi riêng. Nếu như Mỹ quan tâm tới dịch hại và các loại thuốc phòng trừ dịch thì EU đặc biệt chú trọng tới dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm, kể cả những chất không bị cấm nhưng dư lượng vượt ngưỡng cho phép cũng bị loại bỏ. "Chính vì vậy, bắt buộc chúng ta phải dung hòa giữa yêu cầu của các nước, chọn ra bộ thuốc phòng sâu bệnh đặc chủng để quả vải xuất khẩu có thể đáp ứng yêu cầu của bất cứ thị trường nào. Bước đầu việc thực hiện sẽ rất khó khăn nhưng nó tạo cơ sở để người dân hướng tới sản xuất sạch, nâng cao chất lượng và giá trị quả vải", ông Hạnh nói.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quả vải của Hải Dương, nhất là vải Thanh Hà, hoàn toàn có khả năng tiếp cận những thị trường mới với quy mô lớn nếu như giải quyết tốt vấn đề kiểm dịch. Để bảo đảm những yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác, nhân viên chuyên môn luôn bám sát, theo dõi chặt chẽ quy trình sản xuất của người dân. Ngoài việc thu hẹp phạm vi các hoạt chất sử dụng, năm nay cách thức thu hái cũng có nhiều điểm mới. Nếu như năm ngoái, công ty thu mua rồi mới phân loại thì năm nay sẽ tiến hành phân loại tại chỗ để giảm những tác động ngoại lực lên quả vải. Như vậy, quả vải sẽ tươi ngon hơn. Công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ cũng đang được gấp rút lên kế hoạch thực hiện. Bên cạnh các buổi tọa đàm lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, sở cũng cử nhân viên chuyên trách khảo sát những thị trường tiềm năng.
Thời điểm này, người trồng vải Thanh Hà đang bước vào đợt chăm sóc quan trọng khi vải bắt đầu nở hoa với nhiều hy vọng về một mùa vải tiêu thụ thuận lợi. Hằng ngày, hằng giờ nhà nông vẫn cần mẫn, kiên trì bên từng gốc vải với mong ước công sức của mình sẽ được đền đáp xứng đáng.
NGUYỄN MƠ