Tình người ở lại

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:35, 28/03/2016



Minh họa:VĂN HÀ


Cung nhận được cú điện thoại của Hiền, không phải là lời nhớ lời thương mà là những lời vòng vo để cuối cùng chốt lại: "Em không về được đâu, đất nhà không bán được, em phải đi Sài Gòn đây". Mặt Cung thừ ra rồi đanh lại: Kết cục chóng vánh như thế ư? Cung định nói đôi điều nhưng tay đã rời máy, phía bên kia không bấm lại. Thế là xong. 

Nhưng là xong làm sao được, gian nhà trống trải, lạnh lẽo như ngày chưa có Hiền về. Áo quần em còn đây, cái áo thanh thanh dù đã giặt sạch sẽ nhưng mấy hôm Hiền đi vắng Cung vẫn thoảng thấy mùi hành, mùi dấm từ người cô bán hàng ăn sáng, yêu mùi dấm biết bao, thương mùi Hiền biết bao. Vấp vào thùng bát đĩa, dụng cụ bán hàng của Hiền đang xếp chình ình cạnh lối đi, Cung muốn co chân đạp sang một bên cho bõ tức người nỡ bỏ mình, nhưng lại ngồi thụp xuống, tay rờ từng cái một. Mình không có quyền như thế, đã thỏa thuận là sống thử cơ mà. Có cần phải biết được nguyên do?

Hơn hai năm trước, có một ngày, Cung đưa vợ vào bệnh viện để điều trị ung thư. Loay hoay chưa biết ngồi đâu vì giường nào cũng có một hai bệnh nhân đang truyền, chợt thấy người vẫy vào ngồi tạm, mai rồi tính. Cung cảm ơn rồi dìu vợ  ghé vào chỗ chị ấy vừa nhường. Hôm sau giường bên cạnh có người chuyển đi, Xuân thế vào, họ trở thành hàng xóm.

Anh hàng xóm vào đây đã mấy tháng, biết là bệnh không giảm vẫn nói cười vui vẻ. Anh bảo mếu cũng thế thôi, phiền cho mọi người, cười cho thoải mái. Vợ anh, chị Hiền có chút đăm chiêu. Hình như cái sự đăm chiêu một phần do đau đớn cùng chồng, phần khác còn nặng nề hơn. Mua thêm thuốc, phải nhờ cậy đặt chị vào  sự quẫn bách khổ đau, nhiều lần chị giấu mặt khóc tức tưởi một mình. Cùng cảnh ngộ, Cung thông cảm được ngay: Chị chẳng còn tiền.

Cung nửa đêm rạng sáng chăm vợ, dịu dàng tỉ mỉ, ai cũng khen. Những bệnh nhân cùng phòng khi cần nâng giấc, nắn bóp, dìu đi vệ sinh, Cung nhanh tay nhẹ miệng, không ai còn ái ngại, ai cũng tin. Lần ấy Hiền ngỏ ý nhờ anh trông hộ chồng mình mấy hôm để chị về quê tìm tiền, anh đồng ý. Khi lên gặp Cung ở cổng viện, biết chồng không sao chị ôm lấy vai Cung khóc ngặt, nước mắt biết ơn, nước mắt sẻ chia thấm đẫm vai anh. Nghe Hiền than vãn:

- Bán vườn bán ao lúc này bị ép không chịu được, vườn đất là công sức cả đời của vợ chồng em. Nhưng người là quý phải không anh!...

- Thôi đừng khóc, đúng rồi, người là quý. Ta sẽ bàn nhau sau... - Cung dỗ dành Hiền như nựng nịu em bé, rồi lựa tay nâng mặt cô lên. Ôi gương mặt đầy những dấu chân chim, nhợt nhòa những chấm tàn nhang, ẩn xa tuyệt vọng và thân gần vẻ cam chịu đành lòng - Nín đi, nhà tôi còn tiền mà, nhà anh còn. Khóc mãi người ta nhìn thấy đấy.

Câu nói của Cung thức Hiền trở về thực tại. Ở cái cổng viện này thiếu gì người khóc, họ khóc vì cơn đau vặn xoắn tấm thân, họ khóc vì mất con mất vợ, họ khóc vì không còn gì để chữa. Nhưng nhỡ ra có người vào nói với Khởi rằng vợ anh đang ôm vai thằng cha Cung kia kìa. Vợ Cung nữa, người đàn bà hay xét nét có chịu được không. Nhớ cái hôm mua cơm về ăn chung, Hiền gắp trước vào bát Cung miếng thịt, thấy mắt Xuân lừ, Hiền phải vội đùa đây là trả công cho người đi chợ. Một lần giữa trưa nóng bức, để yên cho hai bệnh nhân mỗi người một giường Hiền và Cung rải chiếu dưới gầm nghỉ ngơi, bỗng nghe tiếng Xuân gọi gắt, Hiền choàng tỉnh, chết chưa, chân Hiền còn chạm chân Cung. Ngượng quá. Từ hôm ấy Xuân ăn uống thất thường. Khởi phải pha trò giảng giải mãi Xuân mới nghe ra.

Tảo và Tần, con trai, con gái của Khởi vào thăm. Sau khi mời quà cả hai bác, Tảo thưa chuyện:

- Nhà cháu trên Lào Cai không còn gì để bán, vợ chồng cháu nấu bếp thuê cho bà dì bán hàng ăn, em Tần cháu dạy học còn phải nuôi con, dành dụm được đồng nào là dồn cho bố cháu. Nói ra điều này bố sẽ đau lòng nhưng bố cũng hiểu cho mẹ con rồi đó…

Khởi xua tay cười cười:

-  Không sao, bố hiểu. Cho bố về đi, điều trị như thế đủ rồi…

- Giờ con định thưa chuyện này với bố, với bác: Mẹ con sẽ đi làm thêm, trông bố ban ngày sẽ nhờ bác Cung. Bác Xuân có đồng ý không?

Từ hôm ấy Hiền đi rửa bát thuê. Rửa bát thuê có tiền mua thuốc, đêm về có thức ăn thừa mua rẻ. Chồng Hiền lặng lẽ, vợ Cung lặng lẽ, Cung ngày ngày có ý sốt ruột mong Hiền.

Hiền đưa chồng về trước, tháng sau vợ Cung cũng được viện cho về. Nhà cửa trống không. Biết vợ sống không được mấy nữa anh chạy vạy, dồn sự ưu ái hơn cho Xuân. Mặt khác còn phải lo cho thằng con sắp thi tốt nghiệp cao đẳng, nó cũng cần ăn đủ và tiền tiêu. Bấn rộn ngập đầu, Cung chẳng còn biết phố xá, bạn hữu, chẳng còn để ý đến ai.

Thế mà một hôm Cung nhận được điện của Khởi.

- Còn nhớ nhau không?

- Anh Khởi à, quên sao được. Khỏe chứ?

- Mình khỏe. Anh Cung lên Lào Cai một chuyến chơi đi, có việc cần nhờ.

Khởi nói mình vẫn khỏe nhưng nghe giọng biết anh ấy nguy đến nơi rồi. Chuyện này không thể nói với Xuân, cô ấy sẽ hoang mang, vả lại gợi ý thăm Khởi đã chắc gì Xuân đồng ý. Sau khi nhờ được bà chị họ chăm vợ, Cung nói dối cần đến nhà ông anh ngay giúp giải quyết việc gia đình. Tàu Hà Nội đi ngược Lào Cai.

Theo chỉ dẫn của điện thoại và sau vài lần dừng hỏi Cung đã đến trước ngôi nhà “đầy gió”.

- Ơ… ơ anh Cung. Anh lên thăm nhà em à? Sao anh biết đường? Sao không điện cho em?

- Như thế là Hiền không biết mình lên, cô ấy có mong mình không nhỉ? Rõ vớ vẩn. Kìa hình như má Hiền có chút hồng lên, có phần lúng túng.

Cung ngồi ké mép giường, động nhẹ vào vai Khởi. Mở mắt thấy Cung, Khởi nắm lấy tay Cung: "Tốt quá, tốt quá...". Cố nâng người lên không được lại lả trong tay Cung. Một lúc sau Khởi bật dậy, ra vẻ khoan khoái lắm. Khởi ra hiệu cho Cung ngồi gần bên cạnh, giọng đứt nối nhưng rõ và đanh:

- Anh ạ, nhà tôi mấy héc ta vườn đồi trồng keo trồng xoan đẹp lắm, bán gần hết. Ao trước thả cá, nhiều cá ngon, hôm nay bác lên không còn. Vì tôi cả…

- Kìa mình - vợ Khởi khóc.

- Vợ tôi vẫn còn đất còn nhà để sống, vẫn còn, nhưng tứ cố vô thân, dân kinh tế mới quý nhau nhưng không ruột thịt, nhờ mãi làm sao được. Vợ chồng thằng Tảo chỉ đảo về thăm bố lại đi. Vợ chồng con Tần giáo viên, còn trường, còn lớp… Nhưng tôi đã bàn với chúng rồi, chúng hiểu…Khởi kéo vợ vào gần mình rồi một tay cầm tay vợ, tay kia cầm tay Cung ấp lên tay Hiền…

- Không! Anh Cung về đi!... Hiền rút vội tay, chạy ra, dựa vào gốc cây bên nhà thút thít.

Trong giường Cung ôm chặt Khởi, nước mắt chạy quanh.

Khởi mất, Hiền về Hà Nội ở với các con. Khi Xuân mất, mẹ con Hiền về viếng. Vào những ngày đau thương không ai đả động đến câu chuyện riêng tư, nhưng trên điện thoại lâu lâu họ lại thăm hỏi nhau, lần sau kể dài hơn lần trước. Chỉ có Sinh, người con trai duy nhất của Cung mải học, mải thi, mải lo xin việc đi làm là ngỡ ngàng khi bố nói chuyện:

- Bố sẽ phải lấy vợ con ạ, gia đình cần phải có một người phụ nữ, con biết đấy…

- Bố định lấy ai?

- Có thể là cô Hiền ngày trước nuôi bác trai ốm cùng phòng với mẹ đấy, con đã gặp mấy lần.

Thừ người, Sinh nhớ có lần mẹ cũng khen bà ta hiền lành chịu khó, nhờ bà ấy có lần mẹ cũng được miếng ngon. Mẹ không ngờ, mình cũng không ngờ bà ta lại có thể trở thành mẹ kế của mình. Đảo lộn cả. Chẳng ra sao. Chắc mẹ đau lòng lắm. Nhưng ông này đã quyết thì không thay đổi được đâu. Lúc lâu sau Sinh ấp úng:

- Phải sống thử bố ạ, bố cứ bảo cô ấy về đây mấy tháng, chịu được thì ở, không thôi.

- Ừ... để bố xem.

Số Cung chẳng ra gì, trước Xuân, Cung đã từng có một lần vợ, đã từng có một đứa con gái với nhau. Vì nghèo, vì nhà mẹ vợ chỉ có một con, Cung ở rể. Người thiếu phụ một con như múi mít mọng tự hào làm bao gã đàn ông rỏ dãi. Sau nhiều việc qua mặt chồng, nhiều cuộc cãi cọ, cô ta đuổi người chồng công nhân đi rồi vời về tay trưởng phòng cung ứng. Cung đành để lại con, bỏ cái cơ ngơi của mẹ vợ mà anh đã cố công vun đắp. Trường hợp này đúng với ý cần sống thử của Sinh. Với mẹ Sinh thì lại khác, hai người hài lòng nhau, tận tụy vì nhau.

Một tối, tình cờ Cung nghe được Xuân nói với con: “Thế nào bố mày cũng sẽ lấy vợ... Khổ thân con tôi rồi biết ăn đâu ở đâu!”. Cung biết người ốm hay nghĩ lẩn thẩn, hay nói lung tung, chấp chi cho tội nghiệp và rồi thấy thằng Sinh không phản ứng gì, anh yên tâm. Câu chuyện đó cũng làm anh buồn mất mấy ngày.

Một hồi hàng xóm kháo nhau: Nhà ông Cung có một ô tô đổ của xuống, sướng thật. Thì là người đàn bà theo ông ấy từ hồi đi viện đấy, vừa giàu vừa đẹp. Đúng là song hỷ.

Người ấy được! Biết mở quán bán canh ăn sáng. Đông khách. Thì ngon mắt thế cơ mà.

Ông Cung được hậu vận. Yên ổn. Vui tươi.

Quả thật gia đình này đã có được hai tháng yên ổn vui tươi và phần nào đó thêm sự mặn nồng. Những lời đàm tiếu vừa dàn dàn thì Hiền dẹp quán, quay ngược Lào Cai. Lên đấy thu xếp bán nhà. Ừ, bán nhà xong rồi sớm về với nhau!...

Thế mà bây giờ đã hơn một tháng, nhà vườn không bán được lại còn đi Sài Gòn với chị. Hiền có tính thiệt hơn không. Trước khi đi, mình đã bảo cô ấy: Phải giá thì bán, có tiền cho thằng Tảo con Tần mỗi đứa một phần, còn lại em gửi đâu thì gửi. Hay bán được rồi vào Nam gửi chị? Hay là có tay nào trên ấy, thế mà bảo tứ cố vô thân… Mình quý cô nàng vì cái nết thương chồng, thương con. Quý ở bàn tay giỏi giang tưới tắm cho một vườn đồi đẹp như khu sinh thái, giỏi giang thu dọn bếp nhà vừa mát mẻ, vừa gọn gàng tiện lợi. Chứ có phải... Thôi thôi... Người ta chỉ sống thử như bọn trẻ bầy đặt. Và hình như còn tại số mình là cái số giời đày!

Không thể chịu mãi cái cảnh nhập nhằng chờ mong, Cung quyết định đi Hà Nội. Vào chỗ thằng Sinh xem nó làm ăn ra sao. Rồi phải ghé chỗ Tảo tìm hiểu ngọn ngành. Thằng Sinh làm cho một công ty tư nhân, chỗ ấy cũng được, Cung đã gặp giám đốc đôi lần. Cung còn dặn Tảo thỉnh thoảng sang kiểm tra em. Tảo điện về luôn: "Bố cứ yên tâm".

Bây giờ thế này đây: Hỏi bọn thanh niên cùng trọ với Sinh, chúng bảo không biết. Gặp giám đốc, thì ông ta phàn nàn: "Con anh hư quá, công ty tôi gặp khó khăn một thời gian, chậm lương, nó cãi nhau với bạn rồi bỏ đi đâu không biết".

- Trời ơi!

Đến chỗ Tảo, chưa kịp vào nhà, đã thấy nó reo to: "Ông lên!"

- Em Sinh đâu? Mẹ anh đâu?

- Bố uống nước đã. Mẹ con đang ở Lào Cai hay ở Sài Gòn con không rõ. Bố là chồng bố phải biết chứ.

- Tôi chắc gì còn là chồng của mẹ anh, cái mà tôi quan tâm bây giờ là thằng Sinh, ai cũng không biết, tôi tìm nó ở đâu?

- Con đây, con xin lỗi bố...

- Thằng Sinh!... Cung trố mắt nhìn con, không cất được lời, nước mắt ậc ra.

- Bố ạ, Tảo dè dặt, con xin được trình bày, nhà đất ở trên ấy rẻ lắm không bán được, người mua họ bắt bí mình mà. Nhưng còn một lý do nữa mẹ con cứ phân vân là nếu không ở được với bố thì sao, chúng con đang đi trọ, rồi mẹ chồng, con dâu, bán hết nhà vườn, khi có chuyện về đâu.

-  Mẹ anh sao kỳ quặc thế?

- Một phần là lỗi của con - Sinh xen vào câu chuyện, lúc quay sang anh Tảo khi quay sang với bố - Công ty hết việc, con hết tiền phải ăn nhờ chúng bạn. Thấy không thể trả được nợ con bỏ trốn đi. Bọn nó tìm được, đánh con, còn cướp cả cái hòm. Vướng cái hòm con không thể đi nhanh, cố giữ hòm nên bị chúng hành hạ. May chị Tảo bắt gặp đưa về... Anh Tảo hay hỏi hết tiền sao không bảo với anh, sao không quăng cái hòm mà chạy. Em xin thú thật thế này: Cái hòm mẹ em mua cho từ hồi còn học cao đẳng, trong cái hòm ấy lại có một chỉ vàng, trước khi mất mẹ đặt vào tay em bắt em nắm tay thật chặt.

Trong nhà nghèn nghẹn một không khí bùi ngùi.

Cung nói trong nước mắt:

 - Con dại lắm, hết việc phải về với bố chứ. Không có chị Tảo thì còn mất cả người.

- Con xin lỗi... Lúc đó con chỉ nghĩ nhà ấy không còn là nhà của con, bà ấy tốt nhưng không phải là mẹ, bố thì bận bao nhiêu việc chắc gì muốn nghe những chuyện lôi thôi, về với anh Tảo thì vô lý lắm, nhà bà bác ngoài phố cũng chỉ là nơi thỉnh thoảng đến thăm.

- Khổ thân con tôi!... Thở ra câu ấy Cung giật mình nhớ tới lời Xuân từng than thở với con trai. Thật có lỗi với Xuân, có lỗi với con.

- Bố ạ...

Cung ngơ ngác khi nghe lời Tảo gọi, từ nẫy giờ Tảo vẫn lắng nghe.    

- Mẹ con vỡ nhẽ về suy nghĩ của Sinh. Ở Lào Cai về đây nấu cho Sinh bữa cơm rồi đi. Bà buồn lắm: Sao lại như thế nhỉ? Ông ấy có thật tình muốn hai người ở với nhau đến trọn đời không? Thằng bé buồn thì mình có vui được không?... Mẹ dặn cứ để em ở đây, đừng vội cho bố biết. Và mẹ còn bảo cố chuộc lại cái hòm cho em Sinh, hình như mẹ cũng cảm thấy cái hòm gắn bó thiết thân với Sinh bố ạ.

- Thế ư! Trước khi xây dựng với mẹ Hiền lẽ ra bố phải chuẩn bị kỹ cho Sinh. Thôi bố xin. Giờ bố và Sinh  đi tìm mẹ Hiền chứ?

- Vâng!

 Truyện ngắn của PHẠM RÀM