Giếng tiên làng Mộ Trạch

Di tích - Ngày đăng : 14:49, 30/03/2016

Đằng sau vẻ cổ kính của khu di tích lịch sử đình, miếu làng Mộ Trạch ở xã Tân Hồng (Bình Giang) là nét hoang sơ, huyền bí của giếng tiên nằm trong quần thể chùa Diên Phúc.



Vào mùa lễ hội, đông đảo người dân trong làng và du khách thập phương về giếng tiên
để xin lộc, xin nước, cầu mong bình an


Truyền miệng qua bao đời, người dân làng Mộ Trạch vẫn gọi giếng làng là "giếng tiên" (giếng cổ).

Linh thiêng và kỳ bí

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, giếng tiên có từ thời Hậu Lê, là một trong những giếng cổ ở làng Mộ Trạch. Nguồn nước này đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân nơi đây. 

Trước đây, khi chưa được tôn tạo, giếng tiên chỉ là giếng đất, hai bờ xung quanh lở đất quanh năm. Giếng được chia làm hai phần, phần đáy giếng có hình như lòng chảo, phần gần đáy có thể đi lại được. Năm 2003, ông Võ Văn Hồng quê ở Thanh Chương (Nghệ An) công đức 50 triệu đồng tôn tạo giếng. Thành giếng được xây tròn, đường kính 36 m, phía dưới còn lưu giữ dấu tích của "miệng rồng" (chỗ mạch nước ngầm chảy). Tuy mực nước giếng chỉ sâu hơn 1 m nhưng cứ múc đến đâu, nước đầy đến đó, không bao giờ cạn.    

Khi nhắc tới giếng tiên, chỉ có các cụ cao niên trong làng hiểu rõ về nguồn gốc, sự tích đi kèm. Tương truyền, giếng tiên gắn liền với sự tích quả bưởi, theo dòng nước từ sông Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) trôi dạt về làng. Khi phu nhân của ngài thủy tổ Vũ Hồn cho người đào giếng nhiều ngày để lấy nước uống nhưng mãi vẫn không thấy giếng cạn mà chỉ phát hiện vỏ ngoài quả bưởi có in dòng chữ "Trang Khả Mộ". Cái tên này về sau được nhân dân gọi chệch đi thành làng Khả Mộ. Mọi người chưa hết ngạc nhiên thì ở khu vực cạnh quả bưởi xuất hiện mạch nước ngầm. Nếu chạm tay vào mạch, nước sẽ không ngừng tuôn chảy, miệng loang rộng ra như miệng cống. Lạ thay, chính giữa miệng nước chảy ấy lại xuất hiện một con cá chép vàng nặng hơn 10 kg. Người dân nghĩ đó là loài cá bình thường nên chia nhau xẻ thịt về làm mắm cho lợn ăn nhưng khi lợn vừa ăn đã lăn ra chết. Hốt hoảng hằng đêm vì mộng thấy điềm dữ kết hợp với chuyện lợn chết do ăn cá, người dân mới ngộ rằng đó là con cá thần, ngự trị ở giếng tiên. Miếu làng thờ Thành hoàng làng được người dân lập ra cũng bởi lý do đó.

Nói về nguồn gốc xuất xứ của giếng tiên, theo ông Vũ Đăng Hướng, một bậc cao niên trong làng, giếng này còn gắn liền với sự tích linh thiêng và kỳ bí. Chuyện kể rằng: Ngày xưa có một người phụ nữ trong làng đi gặt lúa từ sáng sớm tinh mơ tới chính ngọ thì bị ngất do say nắng, miệng khát khô. Cố bò lên bờ thì chị nhìn thấy một vũng nước khá to, chị dùng hết sức lực của mình để lấy nón múc nước uống. Lạ thay, sau khi uống nước xong chị tỉnh hẳn, đầu óc khoan khoái, dễ chịu hơn rất nhiều. Từ đó, mỗi lần khát nước hay đi qua giếng tiên, mọi người đều khấn vái Thành hoàng làng rồi xin nước về uống để cầu mong bình an cả năm. Cái tên giếng tiên chính thức bắt nguồn từ câu chuyện này.

Xin nước để lấy lộc

Sau khi giếng được tôn tạo lại, nước từ các mạch ngầm chảy ra nhiều và trong xanh hơn. Thấy vậy, người dân múc về dùng thử thì thấy độ ngọt, mát của nước không kém gì nước suối. Ông Vũ Đăng Hướng kể lại: "Trước đây, có năm đại hạn, khi giếng ở các làng khác đã cạn nước thì nước giếng tiên ở làng tôi vẫn dồi dào. Đặc biệt, vào mỗi kỳ thi hay mùa lễ hội người dân đều mang lễ tới thắp hương Thành hoàng làng, xin lộc, xin nước để cầu mong con em mình đỗ đạt thành tài". Từ đó trở đi, nhân dân ở đây tin rằng con em làng Mộ Trạch thông minh, học giỏi là nhờ uống nước giếng chảy từ long mạch tốt, hội tụ khí thiêng, tinh hoa trời đất.

Bà Nguyễn Thị Loan, người chắp tác chùa Diên Phúc cho biết: "Hơn 10 năm trông coi cửa chùa, chưa khi nào tôi thấy nước giếng ở đây chuyển màu hay vẩn đục. Vì thế, du khách thập phương về làng không chỉ dự hội, phát tâm công đức mà còn cầu mong sức khỏe, trí tuệ tinh thông qua việc xin nước giếng đầu năm từ Thần long tỉnh".

Ngoài ra, vào dịp lễ hội, mọi người trẩy hội, vãn cảnh đình, chùa đều không quên bước chân xuống 9 bậc đá xanh để xin lộc, xin nước, xin trí tuệ thông minh.

ÁI LIÊN