Tuyến huyện không có vaccine
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:19, 02/04/2016
Không có vaccine phòng quai bị ở tuyến huyện nên từ đầu năm tới nay, rất nhiều người đã mắc bệnh này.
Tư vấn tiêm vaccine phòng quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Từ đầu năm tới nay, Gia Lộc là huyện có số người mắc quai bị nhiều nhất trong tỉnh với 283 ca (tháng 1 có 113 ca; tháng 2 có 63 ca; tháng 3 có 107 ca), tăng 281 ca so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 5 lần số người mắc trong năm 2015. Trong đó, có 85 ca đã điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lộc. Đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào bị biến chứng. Ông Hồ Văn Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Gia Lộc cho biết: “Bệnh phát tán khắp các xã, thị trấn, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi học sinh vì các cháu thường xuyên tiếp xúc ở môi trường nhiều người, dễ lây lan. Tuy nhiên, cũng có người lớn tuổi mắc quai bị”. Trường hợp cao tuổi nhất mắc bệnh này là ông Nguyễn Hữu Nhuận, 75 tuổi, ở xã Hoàng Diệu. Ông Nhuận điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lộc và đã xuất viện.
Chiều 29-3, chúng tôi đến thăm cháu Trần Thị Thúy Nga, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học thị trấn Tứ Kỳ khi chứng sưng tấy tuyến mang tai của cháu đã giảm. Cháu Nga cho biết: “Cách đây 3 ngày, cháu thấy khó chịu, sốt và đau ở mang tai phải, sau đó sưng má phải. Ngày hôm sau, má trái của cháu cũng sưng to”. Sau khi phát hiện con có các triệu chứng trên, chị Nguyễn Thị Hồng (mẹ cháu Nga) đã đưa con tới Trạm Y tế thị trấn để khám và lấy thuốc điều trị. Đây là một trong số rất nhiều trường hợp mắc quai bị ở huyện Tứ Kỳ. Ông Nguyễn Văn Thúy, Phó Giám đốc TTYT huyện cho biết: “Nhiều năm gần đây, chưa năm nào có nhiều người mắc bệnh quai bị như năm nay. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, huyện Tứ Kỳ đã ghi nhận 37 trường hợp mắc quai bị, tăng 31 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây có thể chưa phải là con số chính xác vì thực tế còn nhiều bệnh nhân khác tự điều trị tại nhà hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để điều trị. Do đó, các trạm y tế xã không nắm được hết số liệu để báo cáo với TTYT huyện”. Tại Trường THPT Tứ Kỳ, từ đầu năm tới nay đã có 56 học sinh và 6 giáo viên có các biểu hiện nghi mắc quai bị được nhà trường cho nghỉ học, nghỉ dạy để cách ly, điều trị.
Nam Sách cũng là huyện có số người mắc quai bị tăng cao. Theo thống kê, từ đầu năm tới nay đã ghi nhận 46 người mắc quai bị (ba tháng đầu năm 2015 chỉ ghi nhận 2 người mắc). Trong ba tháng đầu năm, toàn tỉnh có 458 người mắc bệnh quai bị, tăng 421 người so với năm ngoái. Theo ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh, nguyên nhân dẫn tới số người mắc quai bị tăng đột biến là do thời tiết thuận lợi cho loại virus paramyxovirus gây bệnh phát triển và lây lan. Trong khi đó, vaccine quai bị khan hiếm (nhất là ở tuyến huyện) không đủ phục vụ nhu cầu phòng chống dịch. TTYT dự phòng tỉnh đã chỉ đạo TTYT các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền cách phòng bệnh cho người dân như: tăng cường đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang và hạn chế tập trung đông người...; chủ động tổ chức tiêm khi có vaccine. Những trường hợp mắc quai bị khi phát hiện cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.
Nên chủ động tiêm vaccine tam liên
Quai bị là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây truyền qua đường hô hấp do các chất tiết của đường này khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tụy và gây vô sinh ở nam giới. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm phòng vaccine là cách chủ động phòng bệnh ban đầu tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay các TTYT tuyến huyện không nhập được vaccine phòng quai bị, dẫn tới không có vaccine đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân. “Trước đây, chúng tôi vẫn liên kết với Công ty CP Y tế Đức Minh để nhập vaccine đơn liều (phòng bệnh quai bị) phục vụ người dân. Đây là công ty độc quyền nhập khẩu loại vaccine trên. Không biết vì lý do gì, từ 2-3 năm trở lại đây, công ty này không nhập được loại vaccine này nữa. Thay vào đó, chỉ có vaccine tam liên (phòng bệnh sởi, quai bị, rubella) nhưng số lượng có hạn, chúng tôi rất khó nhập. Nhiều người dân đến hỏi tiêm nhưng không có”, ông Hồ Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT Gia Lộc nói. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các TTYT tuyến huyện. Không có vaccine phòng bệnh, các TTYT tuyến huyện, Trạm Y tế cơ sở cố gắng giám sát, kiểm soát dịch bằng cách: tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh, phối hợp với các đơn vị, nhất là trường học theo dõi sát sao các trường hợp có dấu hiệu bị bệnh để cách ly và điều trị kịp thời...
Tiêm vaccine MR (tam liên) phòng bệnh quai bị, sởi và rubella cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
Ảnh: Đức Thành
Về phía người dân, do không có vaccine tiêm phòng nên đành chấp nhận “sống chung” và cách duy nhất để bảo vệ mình là làm theo hướng dẫn của các cơ sở y tế. Vì nếu có nhu cầu, người dân ở các địa phương phải tới TTYT dự phòng tỉnh để tiêm (ở đây cũng chỉ có vaccine tam liên). Do giá của vaccine tam liên cao hơn vaccine đơn liều, hơn nữa, mũi vaccine phòng sởi, rubella lại nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều người đã được tiêm nên thường bỏ qua, không tiêm bổ sung vaccine tam liên. Theo ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh, số người ở các huyện đến trung tâm tiêm không tăng, trung bình mỗi ngày chỉ có từ 8-10 người. Ông Thực cho biết thêm: Tiêm vaccine tam liên không có hại đối với người đã tiêm mũi sởi, rubella. Tuy nhiên, theo chỉ định trong tiền sử đã tiêm sởi; rubella; sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella thì phải tiêm mũi sau cách mũi trước ít nhất một tháng. Phụ nữ có ý định mang thai phải tiêm trước khi có thai 3 tháng. Ngoài việc tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân... người dân cần chủ động tiêm phòng vaccine tam liên để phòng bệnh ngay từ đầu.
LÊ HƯƠNG