Bài cuối: Kiểm tra, xử lý thế nào?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:03, 02/04/2016

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, việc quản lý, kiểm soát, xử lý còn nhiều bất cập, chồng chéo, hiệu quả chưa cao.








Việc phát hiện Công ty TNHH Thiên Tôn và một số doanh nghiệp khác sản xuất thức ăn
chăn nuôi có chất cấm không phải do các cơ quan chức năng trong tỉnh

Đông nhưng chưa mạnh

Cũng như nhiều địa phương khác, Hải Dương có đủ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, chất kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi. Đó là một số đơn vị trong lực lượng Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, Thanh tra một số sở, ngành... Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này bị buông lỏng. Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi: phải chăng chỉ một lĩnh vực nhưng có rất nhiều đơn vị chức năng cùng kiểm soát đã dẫn tới tình trạng "cha chung không ai khóc"? Dẫn chứng về vấn đề này là khi các công ty: TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú, TNHH Thiên Tôn và Đại An Tín trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi. Mặc dù các doanh nghiệp này đóng trên địa bàn tỉnh nhưng đơn vị phát hiện lại là Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an).

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, nhóm phóng viên Báo Hải Dương đã liên hệ với nhiều đầu mối cung cấp và mua được các chất kích thích tăng trưởng khá dễ dàng. Từ đây đã đặt ra vấn đề là những chất nói trên khi vào tay người trồng trọt, chăn nuôi thiếu hiểu biết hoặc thiếu lương tâm thì chỉ một thời gian rất ngắn sau đó chắc chắn hàng loạt thực phẩm bẩn sẽ xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, kết quả thanh tra, kiểm tra, phân tích của một số cơ quan chức năng chưa phản ánh được tình trạng trên. Năm 2015, trong đợt cao điểm hành động hưởng ứng Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y lấy 12 mẫu thịt lợn để phân tích chỉ tiêu vi sinh vật, dư lượng kháng sinh và hoóc môn cấm nhưng không phát hiện được điều gì bất thường. 35 mẫu rau củ quả được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phân tích cũng đều cho kết quả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong giới hạn cho phép. Tương tự như vậy, 4 mẫu rau, 2 mẫu thịt lợn được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh phân tích đều không phát hiện dư lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật. Sở NN-PTNT cũng thừa nhận trong báo cáo tổng kết đợt cao điểm trên là lượng mẫu đã lấy để kiểm tra, phân tích chưa nhiều, chưa đánh giá được chính xác chất lượng, ATVSTP và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trang thiết bị để kiểm tra nhanh còn thiếu nên việc phát hiện tại chỗ các mối nguy về an toàn thực phẩm còn ít. Hằng năm, Chi cục ATVSTP thường chỉ tổ chức 1 đợt lấy mẫu rau củ quả và thức ăn chăn nuôi để kiểm nghiệm nên không thể kiểm soát được hết nguy cơ. Cơ quan bảo vệ thực vật cũng chỉ kiểm tra được điểm bán thuốc để phát hiện thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục chứ không thể đến từng ruộng của nông dân xem họ dùng thuốc gì, có cách ly trước khi thu hoạch đúng thời gian quy định hay không. Cấp huyện cũng không có đơn vị chức năng nào đảm nhận vai trò kiểm soát thị trường nông sản.

Xây dựng chuỗi liên kết an toàn

Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: "Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm, chất kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có những chỉ đạo cụ thể. Tỉnh chỉ đạo và cơ quan thường trực là Sở NN - PTNT đã có kế hoạch để tiến hành kiểm tra, xử lý, nhất là sau khi một số vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phát hiện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc này chưa thể xử lý dứt điểm trong một sớm, một chiều. Công việc này cần sự cố gắng rất lớn của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng".

Vài năm gần đây, Hải Dương đã khuyến khích các địa phương thực hiện những mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn, áp dụng hình thức "quản lý thực phẩm ngay từ trang trại đến bàn ăn". Các doanh nghiệp như Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang bắt tay với nông dân sản xuất sạch để cung cấp cho thị trường. Siêu thị Big C, Vinmart Hải Dương ký hợp đồng trồng và thu mua rau sạch cho một số nông dân ở Thanh Hà, Gia Lộc… Nông dân cũng đã được tham gia nhiều chuyến học tập kinh nghiệm trồng rau sạch công nghệ cao tại Hàn Quốc, học tập mô hình trồng rau sạch tại Nam Định, Ninh Bình... Từ đó có thể nhân rộng, từng bước thay đổi thói quen canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích gây mất an toàn của nông dân ở các địa phương.

Để có một thị trường nông sản sạch phải bắt đầu từ ý thức của người sản xuất. Do đó, các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm sạch theo quy trình từ trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu mua, sơ chế đến tiêu thụ để vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Tỉnh cần nghiên cứu rút gọn chức năng của các cơ quan làm nhiệm vụ kiểm soát, xử lý chất cấm, chất kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi, thực phẩm không rõ nguồn gốc... để tránh chồng chéo. Cơ quan chức năng cùng các địa phương cần quyết liệt vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tập trung làm rõ các điểm, các đầu mối mua bán chất kích thích, chất cấm, thực phẩm bẩn. "Xây dựng thị trường nông sản sạch, an toàn từ trồng đến sử dụng thì công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mặt trái của chất cấm, chất kích thích là đặc biệt quan trọng. Cần huy động toàn thể các cấp, các ngành, đoàn thể cùng nhân dân giám sát, phát hiện, tố cáo những trường hợp sản xuất, sử dụng chất cấm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải nâng cao trách nhiệm trong điều tra, giám sát; áp dụng chặt chẽ chế tài xử lý nghiêm vi phạm nhằm triệt nguồn cung chất cấm, chất kích thích để từng bước làm trong sạch thị trường nông sản", đồng chí Nguyễn Anh Cương cho biết thêm.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ