Ông giáo quyết ly hôn vì muốn 'giải thoát' tuổi già

Đời sống - Ngày đăng : 16:11, 03/04/2016

Ông bà năm nay đều đã ngoài 65 tuổi và cùng là giáo viên. Đến dự tòa, ông xách theo chiếc cặp đựng máy tính đi lại vẻ nhanh nhẹn.

"Tôi đã muốn ly hôn từ lâu rồi, nhưng vì các con và thể diện của gia đình, nay chúng đã thành đạt, đứa nào cũng có học vị tiến sĩ, xin tòa cho tôi được ly hôn để giải thoát tuổi già", ông giáo tha thiết.

Ông bà năm nay đều đã ngoài 65 tuổi và cùng là giáo viên. Đến dự tòa, ông xách theo chiếc cặp đựng máy tính đi lại vẻ nhanh nhẹn. Còn bà ăn mặc chỉn chu, trông khá đẹp lão mang theo chiếc nón vải lặng lẽ ngồi trên hàng ghế. 40 năm trước ông bà về chung sống với nhau nhưng gần hai mươi năm sau mới chính thức làm giấy kết hôn.

Trải qua bao nhiêu khó khăn từ thời còn vừa thay nhau trông con vừa đi dạy, nay các con đều thành đạt, đã có học vị tiến sĩ và gia đình riêng thì ông lại quyết ly hôn vì cho rằng, đã phải "chịu đựng" nhiều bức xúc, dồn nén trong những năm chung sống với vợ. Ông bảo bà xem thường, mắng chửi mình, không biết vun vén cho gia đình... Ông muốn ly hôn từ lâu nhưng vì các con, vì thể diện của gia đình nên nay mới quyết tâm nộp đơn để được giải thoát khi về già.

Tại phiên tòa sơ thẩm, yêu cầu của ông không được chấp nhận. HĐXX cho rằng, mâu thuẫn của ông bà chưa đến mức trầm trọng. Vợ chồng nào cũng có những giận hờn, cãi vã, hay cằn nhằn qua lại, có khi chì chiết nhau nhưng quan trọng sau đó hai người đều yêu thương, nhường nhịn nhau. Nay ông cũng có tuổi, con cái đuề huề nên bỏ qua cho nhau để an nhiên hưởng thụ tuổi già bên bà. Ông nhất định không chịu nên làm đơn kháng cáo, quyết ly hôn bằng được.

TAND TP HCM vừa mở phiên phúc thẩm xem xét yêu cầu của ông. Phiên tòa bắt đầu chưa được lâu ông hùng hồn khẳng định, lần này, nếu tòa không cho ly hôn, ông sẽ đi thuê phòng trọ ở, chờ năm sau lại nộp đơn tiếp để được toại nguyện.

Trình bày về lý do ly hôn, ông bảo, ông bà bắt đầu phát sinh mâu thuẫn từ những năm 1998. Bà không tôn trọng ông, tính tình nóng nảy hay chửi, đánh ông, không biết tiết kiệm tiền, không vun vén chi tiêu... Ông nói, đi chợ mua gì, chi gì trong nhà thì bà phải ghi ra sổ, để cuối tháng nhìn vào đó biết khoản nào không cần mua thì rút lại.

"Vậy mà bà ấy cứ quên, làm tôi phải cặm cụi tự đi chợ rồi tự ghi ra sổ", ông nói và cho biết, từ trước đến nay, từ chi tiêu nhỏ đến chuyện mua nhà, con cái ăn học một tay ông phải lo. Tháng nào ông cũng đưa tiền cho bà, nhưng mới nửa tháng hỏi tiền bà bảo hết. Bà cứ "khư khư" giữ lấy tiền của mình.

Ông tiếp tục phân trần, anh rể là người đã nuôi ông ăn học, giờ gia đình khó khăn, ông muốn giúp đỡ nhưng rất khổ tâm. Ví dụ, như chuyện người anh rể bị hư cái kính, phải mua mất 50 USD. Ông kêu bà đưa tiền để cho anh rể vay, bà không đưa lại còn cằn nhằn. "Tôi bảo bà đừng nói nữa nhưng bà vẫn không ngừng làm tôi phải hét lên. Bà đánh vào tay tôi, mắng chửi tôi thậm tệ, rồi thấy cái gì cũng cầm ném", ông kể lể.

Cả hai ông bà cùng làm việc ở một trung tâm ngoại ngữ. Ông quản lý sổ sách, bảng điểm, bà giảng dạy cho các học viên. Một lần, bà đánh rớt nữ học viên trẻ vì không đủ tiêu chuẩn. Ông xem lại hồ sơ cho rằng bà làm việc không đúng nên tự ý chỉnh điểm. Hôm sau bà thấy nữ học viên lên lớp bình thường nên mắng chửi ông từ trung tâm về đến nhà. ''Tôi rất xấu hổ và nhục nhã. Những điều đó, tôi mãi khắc ghi, không thể quên được", ông nói.

Đến đây, chủ tọa ngắt lời: ''Ông bà đều có học vị, con cái đã thành đạt, đã từng tha thứ, bỏ qua cho nhau bao năm nay thì giờ hãy cứ quên mọi chuyện đi cùng bà ấy hưởng thụ tuổi già''. Nghe chủ tọa phân tích, ông gắt lên: ''Chủ tọa quan niệm như thế nào về hạnh phúc gia đình. Níu kéo, nhẫn nhịn sẽ không hạnh phúc đâu chủ tọa ơi. Bây giờ tôi chỉ thích làm việc, thích cống hiến chứ không muốn hưởng thụ. Tòa thương tôi thì hãy tuyên ly hôn đi'', ông nói vẻ tha thiết.

Về phần bà, bà xin tòa hãy bác đơn của ông. Để cho bà có thêm một năm tìm giải pháp hàn gắn và ông cũng có thêm thời gian nhìn ra cái sai của mình. Theo bà, ông đòi ly hôn là do nóng giận, tức thời. ''Tính ông ấy lúc nóng giận là cứ làm ầm lên. Tôi im lặng, ông ấy sẽ nhìn ra cái sai của mình rồi tự khắc phục", bà nói và cho biết, hơn bốn mươi năm tình nghĩa vợ chồng, đã bao lần ông bà cãi nhau, nhưng rồi lại cùng nhau vượt qua bao khó khăn.

Bà bảo, quá trình chung sống với ông, bà cũng nhiều lần cằn nhằn nhưng đó là bản tính của người vợ khi thấy chuyện không vừa lòng. Chuyện là, hàng chục năm trước, khi lương nghề giáo không được mấy đồng, ông nói muốn bỏ nghề, nhưng bỏ nghề rồi thì không có việc gì làm. "Lúc đó, tôi nói không đi dạy thì ông đi đạp xích lô cũng có tiền. Thế là ông ấy giận, để bụng câu nói đó cho đến hôm nay. Cứ cho là tôi miệt thị chê bai ông ấy. Mỗi lần hai người có chuyện, ông đều nhắc đi nhắc lại", bà phân bua.

Chuyện không đưa tiền mua mắt kính cho anh rể, bà bảo xảy ra đã lâu. Hồi đó, ông bà mới chuyển công tác từ Vĩnh Long lên Sài Gòn, cuộc sống nghề giáo khó khăn, lại mới mua nhà. Mẹ bà cho ít tiền, bà nghĩ để dành trả nợ. Ông nói đưa tiền để mua mắt kính cho anh rể mà đến 50 USD nên bà thắc mắc. Bà bị cận, cũng muốn mua cái mắt kính đẹp, hàng hiệu nhưng giá hồi đó cũng chỉ vài ba trăm nghìn mà không dám mua. Thấy cái kính giá quá cao so với điều kiện của gia đình, là phụ nữ bà thắc mắc, chứ anh rể nuôi ông thế nào bà không quên ơn.

"Ngày xưa vì tình yêu tôi với ông mới đến được với nhau, mới hy sinh cho nhau, cùng nhau vượt qua gian khó, nuôi các con trưởng thành. Những cãi vã, cái xấu, không vừa lòng nhau, chúng ta đều bỏ qua hết. Bây giờ, chúng ta chẳng phải lo về kinh tế, xin ông hãy bớt giận để chúng ta lại đoàn tụ. Ông thấy đó, mỗi khi con cháu đến nhà chơi, chúng bi bô gọi ông bà, sà vào lòng mình thủ thỉ, hạnh phúc lắm. Mong ông hãy vì gia đình, vì con cháu mà quên đi cái tôi của mình'', bà nhỏ nhẹ.

Sau nhiều ngày nghị án, HĐXX giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, bác yêu cầu của ông vì cho rằng, mâu thuẫn của ông bà "chưa đến mức trầm trọng".

Chủ tọa vừa dứt lời, ông tỏ ra bức xúc chạy lên hỏi: "Vậy một năm sau nữa tôi lại nộp đơn xin ly hôn tại đây thưa chủ tọa. Đây, chiếc máy tính của tôi mà bà ấy đập vỡ nhưng sao HĐXX không xem xét", ông vừa nói vừa đưa chiếc cặp lên. Phía dưới bà lặng lẽ ra về.

HẢI DUYÊN (VnExprees)