Thách cưới có vi phạm pháp luật không?

Phản hồi - Ngày đăng : 04:59, 05/04/2016

Hỏi: Anh trai tôi chuẩn bị lấy vợ, khi hai gia đình gặp mặt, nhà gái thách cưới rất cao. Gia đình đã trao đổi vì điều kiện kinh tế không thể đáp ứng đủ nhưng nhà gái nói “tục lệ ở đây như vậy”. Xin hỏi việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được pháp luật quy định như thế nào? Việc thách cưới có vi phạm pháp luật không?


VŨ THỊ LAN(Tứ Kỳ)


Trả lời: Khoản 1 điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại điều 2 và không vi phạm điều cấm của luật này được áp dụng. Điều 2 Nghị định 126 quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán như sau: Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại khoản 4 điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng.

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, hành vi “yêu sách của cải trong kết hôn” là một trong các hành vi bị cấm. Yêu sách của cải trong kết hôn được hiểu là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ (khoản 12 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Căn cứ các quy định vừa trích dẫn ở trên có thể thấy việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ hoặc việc "thách cưới” mang tính chất gả bán là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.