Nhận biết thịt lợn ăn chất tăng trọng, tạo nạc

Đời sống - Ngày đăng : 10:19, 14/04/2016

Hiện nay, một số nơi đã nhập giống lợn siêu nạc, người tiêu dùng không nên đánh đồng giữa thịt lợn giống siêu nạc sạch và thịt lợn siêu nạc do hóa chất.


Để phân biệt 2 loại thịt này có thể dựa vào cảm quan và cảm nhận khi chế biến:

- Mùi vị: Khi còn sống, thịt lợn siêu nạc do hóa chất sẽ có mùi tanh hơn thịt lợn siêu nạc sạch.

- Kiểm tra lớp mỡ: Lợn ăn chất tạo nạc thường có lớp mỡ mỏng dưới 1 cm và lỏng lẻo, phần nạc bám sát vào da. Còn với thịt lợn sạch (TLS), mỡ thường dày 1,5 - 2 cm có màu trắng trong, ăn giòn và không ngấy như thịt mỡ lợn nuôi bằng cám tăng trọng hoặc có chất tạo nạc. Do đó, khi thấy miếng thịt nhiều nạc, phần nạc và mỡ tách rời thì không nên mua.

- Màu sắc: TLS có màu hồng tươi trong khi thịt lợn có chất tạo nạc thường có màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng, mặt da có thể xuất hiện những đốm đỏ.

- Kiểm tra khối thịt: Với TLS, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Thịt chứa tồn dư chất cấm thường khô hơn, cứng hơn và ít đàn hồi. Lợn ăn chất tạo nạc sẽ có cảm giác như ứ nước bên trong, cục nạc nổi thành u, khi thái có thể có dịch vàng chảy ra. Một cách thử đơn giản khác là khi thái thịt thành miếng dày 3-4 cm, nếu không đứng thẳng được thì đó là thịt đã được nuôi bằng chất tăng trọng.

- Khi chế biến:
TLS khi luộc thì nước luộc trong, không xuất hiện váng bẩn. Khi rang, miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường có nhiều váng, nước có mùi hôi, khi rang ra nhiều nước, ăn khô. Nếu lợn được người chăn nuôi cho ăn kháng sinh, khi nấu thịt sẽ có mùi kháng sinh dễ nhận biết.

PV(tổng hợp)