Giải pháp xử lý rác thải ở Hưng Yên
Môi trường - Ngày đăng : 15:48, 14/04/2016
Từ việc làm thí điểm tại một xã của huyện Phù Cừ năm 2012, đến nay Hưng Yên đã triển khai diện rộng trên toàn tỉnh.
Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên là cơ quan chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp, trong đó Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Cựu chiến binh là 2 tổ chức chính vận động hội viên, nhân dân tham gia chương trình. Nguồn vốn thực hiện chương trình được ngân sách tỉnh hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm.
Việc làm này đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người dân, của cộng đồng tham gia xử lý rác thải. Người dân phân loại rác và tự xử lý phần rác thải hữu cơ ngay tại gia đình, làm giảm lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý tập trung, góp phần giảm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; tạo thêm một lượng phân bón hữu cơ cho cây trồng trong mỗi gia đình; giảm ô nhiễm môi trường phát thải ra từ những bãi chôn lấp rác, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phân loại rác tại gia đình cũng tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội. Tại thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng (Kim Động), 1 gia đình (6 người) trong một ngày đêm thải trung bình 3 kg rác hữu cơ (0,5 kg/người), một năm là 1.095 kg. Chi phí để xử lý khối lượng trác trên gồm: chi cho công tác thu gom 120.000 đồng/năm; tiền vận chuyển và xử lý 520.000 đồng/năm, như vậy tổng số là 640.000 đồng/năm/hộ. Nếu người dân tự xử lý rác tại gia định thì không phải mất khoản chi phí này, đồng thời tạo ra khoảng 250 kg phân bón hữu cơ.
Mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình dựa trên sự tự giác của các hộ dân, trong đó người phụ nữ trong mỗi gia đình có tính chất quyết định, bởi họ hầu hết là người nội trợ từ khi đi mua thực phẩm, đến khi chế biến và đến lúc dọn bàn ăn, đổ rác... Các chị nhận thức được lợi ích và chủ động, tự giác tham gia chương trình thì mới có kết quả bền vững. Chính vì thế việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình là việc làm quan trọng đầu tiên và chỉ có MTTQ và các tổ chức thành viên có thể thực hiện hiệu quả.
Khi người dân đã tự giác tham gia thì cần có sự hỗ trợ của chính quyền. Như ở Hưng Yên, ngân sách các cấp hỗ trợ cho các hộ một số khoản như thùng nhựa chứa rác, tiền làm nắp đậy (hố chứa rác), tiền mua chế phẩm vi sinh để ủ rác…
Có 3 mô hình xử lý rác có thể áp dụng.Mô hình thứ nhất là hố xử lý rác có nắp đậy, áp dụng đối với gia đình có sân, vườn rộng đào hố sâu để chôn rác. Bà con có thể lựa chọn vị trí thích hợp trong vườn đào một hố vuông có kích thước rộng 70 cm, dài 70 cm, sâu 100 cm; có gờ đất cao xung quanh miệng hố để tránh nước mưa tràn vào hố; thành hố được lèn kỹ tránh sạt lở. Nắp đậy hố bằng tôn kích thước rộng hơn miệng hố để không cho nước mưa rơi xuống, nắp tôn nhẹ dễ mở để đổ rác xuống. Rác hữu cơ (đã được phân loại) có thể hằng ngày hoặc 1-2 ngày một lần được đổ xuống hố; lượng rác cao khoảng 30-40 cm thì tưới chế phẩm vi sinh một lần. Đến khi hố đầy rác thì lấp đất lại để tự phân hủy tiếp thành phân và có thể trồng cây trực tiếp lên hố khi rác đã phân hủy hết (sau khoảng 45 ngày rác sẽ phân hủy hết) và đào tiếp hố khác; hoặc lấy phân lên bón cây khác và tiếp tục sử dụng hố để xử lý rác cho chu kỳ tiếp theo. Lượng chế phẩm vi sinh sử dụng cho một hộ hết khoảng 1 kg/năm.
Mô hình thứ 2 là hố xử lý rác được che phủ bằng bạt nilon, áp dụng đối với gia đình ở vùng bãi, ngoài đê hoặc vùng chuyển đổi, gia trại, trang trại có nhiều rác hữu cơ, có sân, vườn rộng. Đào hố và cách thức xử lý rác tương tự mô hình 1.
Mô hình 3 là thùng chứa và ủ rác, áp dụng đối với những gia đình có sân hẹp, khoảng vườn nhỏ trồng cây. Sử dụng thùng nhựa HDPE 200 lít, có nắp đậy và mở để đổ rác, xung quanh thùng khoan nhiều lỗ tròn nhỏ (đường kính 1-1,5 cm) để lấy không khí vào, bên dưới sát đáy thùng có một ô cửa nhỏ có cánh đóng mở được để lấy rác đã phân hủy ra ngoài. Rác hữu cơ (đã được phân loại) có thể hằng ngày hoặc 1-2 ngày một lần được đổ vào thùng; lượng rác cao khoảng 30-40 cm thì tưới chế phẩm vi sinh một lần; sau 30-45 ngày rác đã phân hủy sẽ lấy ra để chôn vào gốc cây trồng, hoặc ủ tiếp ở góc vườn cho mục hoàn toàn thành phân (có vải nilon che đậy). Lượng chế phẩm vi sinh sử dụng cho một hộ hết khoảng 1 kg/năm. Như vậy, thùng chứa rác sử dụng liên tục phía trên vẫn đổ rác vào, phía dưới vẫn lấy rác đã phân hủy ra.
Hiện nay, ở tỉnh ta giải pháp xử lý rác thải ở nông thôn mới chỉ mang tính chất tạm thời là thu gom, vận chuyển và chôn rác ở từng thôn hoặc xã, nhưng phần lớn bãi chôn lấp rác không bảo đảm tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Nếu chỉ sử dụng phương thức chôn lấp rác hiện nay thì chỉ sau 3-4 năm các bãi rác sẽ đầy và lại phải làm bãi rác mới gây lãng phí đất đai. Do đó, trên cơ sở kết quả đạt được và kinh nghiệm của Hưng Yên, Hải Dương có thể lựa chọn biện pháp xử lý rác thải ở nông thôn phù hợp.
LƯƠNG ANH TẾ