Nguy hiểm rình rập
Tin tức - Ngày đăng : 08:08, 15/04/2016
Chỉ vì muốn "tiết kiệm" một chút thời gian mà nhiều phụ huynh, học sinh bất chấp nguy hiểm, trèo qua hàng rào dải phân cách giữa quốc lộ 5 đến trường.
Phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Kim Xuyên trèo qua dải phân cách quốc lộ 5 về nhà
Từ nhiều năm nay, hàng trăm học sinh thôn Phương Duệ, xã Kim Xuyên (Kim Thành) đều đến trường bằng cách trèo qua hàng tôn phân cách giữa quốc lộ 5. Có mặt tại đây vào giờ tan học, chúng tôi chứng kiến hàng chục phụ huynh dựng xe ở cổng làng rồi "vượt rào" sang đường đón con, em mình. Mỗi phụ huynh dẫn kèm 2-3 học sinh, xếp thành hàng ngang rồi chạy ào qua đường. Những em không có người lớn đón cũng đi theo từng tốp, lách qua những lượt xe chạy rầm rầm trên quốc lộ để sang đường. Do đây là lối đi tự phát nên người sang đường phải chủ động tránh xe và trèo qua 2 hàng rào tôn lượn sóng. Cũng vì không có biển báo, vạch kẻ đường, các lái xe đều chạy với tốc độ cao tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Khi được hỏi vì sao không đi lối cầu vượt, cách điểm mở tự phát khoảng 200m, các phụ huynh đều có chung một lý do. Bà Trần Thị Thời ở thôn Phương Duệ cho biết: "Tôi có 4 cháu đang học tiểu học nên ngày nào cũng phải đưa đón các cháu đi học. Nếu đi lối cầu vượt về nhà thì xa hơn gần 1 cây số. Đi xe đạp thì không chở hết mà đi bộ thì mất nhiều thời gian". Cũng cùng lý do trên, ông Nguyễn Văn Hải giải thích: "Tôi đưa đón các cháu đi học lối này cả chục năm nay rồi. Nhà trường không có cổng phía gần cầu vượt nên đi lối đó rất bất tiện. Biết là trèo qua đường nguy hiểm nên ngày nào tôi cũng phải bố trí công việc để đón cháu". Ngoài các phụ huynh, một số học sinh cho biết do bố mẹ không đón được nên phải đi lối này về nhà cho nhanh.
Tại ngã ba Tiền Trung (TP Hải Dương), từ khi cơ quan chức năng đóng điểm sang đường đã xuất hiện tình trạng học sinh trèo qua dải phân cách đi học. Tại đây chỉ có một lối mở dành cho người đi bộ nên học sinh đi xe đạp phải nhấc xe qua dải phân cách mềm để sang đường. Ông Vũ Đình Yên, làm nghề lái xe ôm tại ngã ba Tiền Trung cho biết: "Tôi thường xuyên đứng ở đây nên chứng kiến nhiều tình huống rất nguy hiểm. Các cháu còn nhỏ, có khi không nhấc được xe lên, bàn đạp mắc vào dải phân cách loay hoay mãi mới gỡ ra được". Gần đây nhất, hồi 15 giờ ngày 31-3, em Nguyễn Đình Trung, học sinh lớp 8, Trường THCS Ái Quốc nhấc xe đạp qua dải phân cách đã bị xe container cán chết tại chỗ.
Cần chấn chỉnh ngay
Ngoài những vị trí trên, có rất nhiều điểm khác người dân cố tình không đi lối cầu vượt gần đó mà vô tư chui, trèo qua rào để sang đường bất chấp nguy hiểm. Điển hình như tại khu vực cầu vượt Phú Lương (TP Hải Dương), cầu vượt Lai Cách (Cẩm Giàng)...
Việc học sinh, người đi đường tự mở lối sang, vượt dải phân cách quốc lộ 5 không chỉ khiến chính những người vi phạm gặp nguy hiểm mà còn làm các lái xe lưu thông trên quốc lộ gặp rủi ro hơn. Anh Vũ Đình Tùng, lái xe container thường xuyên đi tuyến Hải Phòng - Hải Dương nói: “Mỗi lần qua đoạn xã Kim Xuyên, tôi đều phải chủ động đi thật chậm. Người lớn, trẻ con đi qua rào đều tràn ra giữa đường. Nếu xảy ra sự cố đáng tiếc nào thì khổ cả hai bên”.
Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông
tại những trường học hai bên quốc lộ 5
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại những trường học hai bên quốc lộ. Tuy nhiên, hằng năm vẫn xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến học sinh khi các em sang đường. “Các lối đi tự phát nằm rải rác dọc quốc lộ nên lực lượng cảnh sát giao thông không thể đủ người để kiểm tra thường xuyên. Việc xử lý học sinh vi phạm cũng không khả thi. Để chấn chỉnh tình trạng trên, các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, có hình thức nhắc nhở học sinh, tổ chức ký cam kết để phụ huynh không vi phạm”, thiếu tá Khánh kiến nghị.
Học sinh vượt rào đến trường đã diễn ra từ nhiều năm nay. Điều đáng nói là tại những điểm vi phạm đều có cầu vượt nhưng không được sử dụng. Việc vi phạm không chỉ khiến các em hằng ngày phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông mà còn hình thành thói quen tùy tiện khi tham gia giao thông. Có thể thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các địa phương, nhà trường chưa thực sự quan tâm chấn chỉnh. Để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc xảy ra, Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp kiểm tra, xử lý, chấm dứt tình trạng trên.
HOÀNG BIÊN