Nữ ca sĩ bí ẩn và tình yêu dành cho nhạc Trịnh

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 14:03, 23/04/2016

Cô gái quê gốc Hải Dương Giang Trang (sinh năm 1981) có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, 13 tuổi đã ước ao được thi vào Nhạc viện Hà Nội.



Không phải là người nổi tiếng, cũng chẳng nhận mình là nghệ sĩ, càng không nhận mình là một người hát nhạc Trịnh Công Sơn xuất sắc, Giang Trang bảo chỉ hát theo sự mách bảo và hát vì những người yêu nhạc Trịnh đã đứng bên cạnh cô.

Cô gái quê gốc Hải Dương Giang Trang (sinh năm 1981) có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, 13 tuổi đã ước ao được thi vào Nhạc viện Hà Nội. Năm đó gia đình cô khánh kiệt, bố Giang Trang trích một khoản tiền đưa cho một người thầy mua chiếc đàn guitar để tặng con gái coi như một lời động viên. Nhưng rồi chơi được chưa lâu, vì một vài lý do Giang Trang đành treo đàn.

Rồi cô thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, thi thoảng cũng tham gia ca hát tại trường. Cô từng đoạt giải nhất khi hát nhạc Văn Cao khi ngồi ghế giảng đường đại học. Đúng vào kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong một chương trình được bạn bè cổ vũ cô ngẫu hứng cầm đàn và hát tự do, phóng khoáng... Sau chương trình ấy, tối tối Giang Trang đến quán Tranh hát cho vui. Hoạt động một thời gian đến khi ra trường, Giang Trang đi làm ở một ngân hàng nước ngoài, lấy chồng và sinh con. Khi bị rơi vào trạng thái trầm cảm, quá buồn, cô "ca sĩ" ngày nào lại về quán nhạc Tranh thì nơi đây đã đóng cửa, nhìn xung quanh thấy chỉ còn Trung tâm Văn hóa Pháp. Cô gửi đến trung tâm một số bản demo chỉ có phần hát và guitar không có phần mix.

Giang Trang là ca sĩ Việt hát nhạc cover đầu tiên được Trung tâm Văn hóa Pháp mời biểu diễn, nhưng cô chưa từng nhận mình là “ca sĩ” hay có ý định bước chân vào showbiz ồn ào. Thế nhưng, đêm diễn nào của cô cũng cháy vé, không chỉ giới trí thức trẻ, giới văn nghệ sĩ mê giọng hát của cô, người ta thấy cả các vị đại sứ Pháp, Đức, Mỹ… cũng thường xuyên có mặt trong các buổi biểu diễn. Giang Trang đã khá thành công khi khai thác những triết lý, tư tưởng, lòng bác ái vô lượng trong nhạc Trịnh.

Cuộc đời có nhiều hạnh ngộ kỳ lạ. Với Giang Trang cũng không là ngoại lệ. Cô bảo sự gặp gỡ với nghệ sĩ violin Anh Tú hay nghệ sĩ guitar Anh Hoàng giống như một định mệnh không đoán trước để rồi cả ba cùng nhau ra các cuộc chơi, ra các album thử nghiệm “Lênh đênh nhớ phố” (2012) và “Hạ huyền”(2012).

Với Hạ Huyền 2 (2015), Giang Trang cũng có duyên may gặp gỡ và hợp tác với nghệ sĩ guitar Thanh Phương. Ở đó từng tác phẩm được ghép lại thành một tổng thể hòa âm đậm màu sắc acoustic với 4 nhạc cụ: guitar, piano, flute và đàn tranh được thực hiện bởi 4 nghệ sĩ solo tài năng.

Giang Trang tiết lộ nhiều tác phẩm âm nhạc đã quen thuộc với người yêu nhạc Trịnh được khoác chiếc áo mới mà trong đó cô - người thể hiện các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn mộc mạc an nhiên nhất có thể.

Hiện tại, Giang Trang đảm nhận vai trò là bà chủ quán bar kiêm ca sĩ, vừa ổn định tài chính và “có cần” nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc. Gặp thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân, tuy nhiên Giang Trang vẫn luôn nhìn cuộc đời bằng gam màu tươi sáng nhất. Giờ đây, khi đã nếm trải nhiều cay đắng của cuộc đời, Giang Trang dần tĩnh tâm và quên đi mọi ưu phiền. Cô sống vô tư, hay nói hay cười và tập trung hết mọi thứ cho chuyến phiêu lưu âm nhạc sắp tới. Sau miền đất nhạc Trịnh, Giang Trang sẽ tìm kiếm về âm nhạc của Văn Cao. Nghĩa là cô sẽ bắt đầu một cuộc chơi mới. Và cũng giống như đến với nhạc Trịnh, sẽ không “nhất bên trọng, nhất bên khinh” mà đến với âm nhạc như là một cuộc chơi nhiệt thành không tính toán.

TRÀ MY(tổng hợp)