Toàn cảnh lộ trình gây tranh cãi về bản quyền Ngoại hạng Anh
Quốc tế - Ngày đăng : 15:04, 25/04/2016
Giải bóng đá Ngoại hạng Anh luôn được người hâm mộ Việt Nam quan tâm. (Nguồn: Getty)
Đặc biệt, vào ngày 10-12-2015, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản chính thức gửi tới Công ty MP&Silva - đơn vị được quyền phân phối bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa giải từ 2016-2019 tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Văn bản nêu rõ tổ chức này đã họp và ra nghị quyết về việc thành lập Ban đàm phán mua bản quyền giải đấu này dưới sự chủ trì của VNPayTV. Ban đàm phán gồm 10 đơn vị, trong đó có VSTV (Công ty Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam), đã thỏa thuận quan điểm đàm phán thông qua VNPayTV.
Ngoài ra, các đơn vị cũng thống nhất sẽ không mua bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa giải 2016-2019 bằng mọi giá.
Tới tháng 1, VNPayTV lại tiếp tục có công văn gửi Ban tổ chức Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, mong muốn nhận được sự ủng hộ của đơn vị này để có tiếng nói với MP&Silva.
Tuy nhiên, tại lễ công bố gói dịch vụ chất lượng cao Premium+ và ứng dụng truyền hình MyK+ ngày 1-3, ông Lê Chí Công, Tổng Giám đốc K+ cho biết đang rất sốt ruột về tình hình bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh và đã có công văn gửi VNPayTV hỏi về vấn đề này.
Lãnh đạo của K+ cho báo chí biết bản quyền phát sóng giải bóng đá này là vấn đề sống còn của K+.
Vị này cũng bày tỏ doanh nghiệp đang bị đặt trong tình huống khó khăn và không thể chờ đợi, phó mặc số phận vào kế hoạch không rõ ràng của ban đàm phán và có bất kỳ bảo đảm nào từ VNPayTV. K+ cũng đề nghị VNPayTV nên để các đơn vị tự đàm phán với điều kiện dù mua độc quyền hay không độc quyền vẫn phải tuân thủ tối đa chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc các đơn vị đoàn kết không mua bằng mọi giá.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)
Tới giữa tháng tư, MP&Silva gửi thông tin tới báo chí cho biết Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh quy định nghiêm ngặt trong công tác đàm phán đấu thầu bản quyền truyền hình, nghiêm cấm hình thức liên doanh, các tổ chức với nhiều thành viên cùng tham gia. Bên cạnh đó, bản quyền cần được phân phối trên nguyên tắc tự do thương mại.
Ngày 19-4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra băn bản về sự việc này. Công văn nêu rõ đề nghị các cơ quan liên quan phải tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng và sự phát triển bền vững của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam.
Bộ này cũng đề nghị VNPayTV sớm có các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng cam kết mà VNPayTV và các thành viên đã thống nhất. Trong trường hợp không thực hiện được cam kết đó, VNPayTV và các thành viên cần thống nhất và sớm có phương án mới trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người xem truyền hình.
Với việc tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với MP&Silva về việc mua bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh trong ba mùa giải 2016 -2019 vào 25-4, K+ chắc chắn phải đối mặt với không ít sức ép.
Tổng số tiền mà K+ phải chi trả cũng như chi tiết đàm phán trong thương vụ này chưa được tiết lộ.
Được thành lập năm 2009, tới nay K+ đã có hơn 800.000 thuê bao. Mới đây, đơn vị này đã quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh từ 2 gói cước 230.000 đồng và 95.000 đồng hợp nhất thành một gói 125.000 đồng và từ chiến lược kinh doanh thuê bao thuần túy sang thuê bao cộng với thu quảng cáo và các nguồn khác.
Theo Vietnam+