Sử dụng kháng sinh cho vật nuôi đúng cách
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:39, 25/04/2016
Sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho vật nuôi không đúng cách không những ảnh hưởng đến kết quả điều trị mà còn khiến vi khuẩn nhờn thuốc và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, gây hại đến sức khoẻ con người. Để hạn chế tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn và nâng cao hiệu quả của thuốc trong quá trình điều trị, xin khuyến cáo một số vấn đề sau:
- Dùng kháng sinh sớm ngay khi có dấu hiệu của bệnh, ngày đầu dùng thuốc nên dùng liều tấn công theo nguyên tắc từ cao đến thấp (có thể tăng liều gấp 1,5 - 2 lần), các ngày tiếp theo dùng đúng theo liều chỉ định.
- Sử dụng kháng sinh đủ liệu trình, không nên tự ý thay thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa sử dụng hết một liệu trình. Thông thường 1 liệu trình điều trị các bệnh từ 3 - 5 ngày, nếu bệnh chưa khỏi có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày hoặc xong 1 liệu trình nên nghỉ một thời gian từ 5 - 7 ngày, sau đó dùng tiếp thêm 1 liệu trình thứ 2.
- Dùng đúng loại kháng sinh cho từng loại bệnh thì hiệu quả điều trị sẽ cao. Trong mỗi loại kháng sinh tổng hợp tuy nhà sản xuất hướng dẫn phòng trị được từ 3- 5 bệnh khác nhau nhưng thực ra chỉ trị hiệu quả 1 - 2 bệnh, các bệnh còn lại chỉ có tính chất phòng, bao vây hạn chế là chính. Do vậy, người chăn nuôi nên căn cứ vào triệu chứng của bệnh mà chọn kháng sinh cho phù hợp. Nếu vật nuôi có triệu chứng chủ yếu ở đường hô hấp nên chọn các loại kháng sinh có chứa thành phần như Tylosin, Lincomycin, Florfenicol, Doxycycline… Nếu vật nuôi có triệu chứng chủ yếu đường tiêu hóa nên chọn các loại kháng sinh có chứa thành phần như Enrofloxacin, Norcoli, Ampicillin, Colistin, hoặc có thể căn cứ vào tên bệnh ghi đầu tiên trên nhãn mác thuốc của nhà sản xuất.
- Sau khi không có dấu hiệu của bệnh nên dùng thêm ít nhất 1 ngày kháng sinh nữa để vật nuôi khỏi hoàn toàn, không tái phát bệnh và tránh vi khuẩn nhờn thuốc.
- Không nên tự ý phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ thú y. Và giữa các loại kháng sinh khác nhau có thể gây tác dụng cản trở, từ đó làm giảm tác dụng điều trị, thậm chí là phản tác dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con vật.
- Nên dùng kháng sinh kết hợp với thuốc trợ sức, trợ lực (B.complex, vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa...), chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để con vật nhanh khỏi.
- Không sử dụng các loại thuốc cấm, hoóc môn tăng trọng trong chăn nuôi, đặc biệt đối với vật nuôi giết thịt.
- Không nên dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi một cách tràn lan, tuỳ tiện.
- Ngừng sử dụng thuốc trước khi giết mổ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh gây hiện tượng tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi.
Lưu ý: Khi dùng kháng sinh điều trị bệnh cho vật nuôi nên cho uống hoặc tiêm 2 lần/ngày (sáng, chiều) cách nhau 10 - 12 giờ. Đối với thuốc uống nên cho uống hết lượng thuốc pha trong vòng 2 giờ là tốt nhất để thuốc đạt hiệu quả cao.
Bác sĩ thú y HOÀNG THỊ NGUYỆT
(Trạm Thú y Nam Sách)