Cung vượt cầu
Công nghiệp - Ngày đăng : 06:42, 27/04/2016
Hầu hết các cơ sở sản xuất hương xuất khẩu ở huyện Tứ Kỳ đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng sản xuất, thậm chí có cơ sở đã giải thể vì làm ăn thua lỗ...
Nhiều cơ sở sản xuất hương xuất khẩu ở Tứ Kỳ hiện chỉ đang hoạt động cầm chừng
Chị Phạm Thị Thu cùng 4 anh em ruột của mình có 5 xưởng sản xuất hương ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo. Trước đây, 5 xưởng này chuyên làm hương thủ công, bán trong nước. Năm 2011, sau khi nghiên cứu thị trường, chị Thu và các anh em trong nhà quyết định đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua 150 máy làm hương và chuyển hướng sản xuất hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Chị Thu cho biết khoảng 2 năm đầu tiên, hương làm ra bao nhiêu đều được đối tác thu mua hết. Bình quân mỗi tháng, 5 xưởng xuất bán khoảng 100 tấn hương, thu lãi từ 1.500 - 1.800 đồng/kg. Năm 2014, nhận thấy việc làm hương xuất khẩu đơn giản, lợi nhuận lại khá nên một số gia đình trong xã và các địa phương lân cận cũng đầu tư sản xuất. Giai đoạn này, phong trào làm hương xuất khẩu cũng phát triển ở Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam nên việc tiêu thụ sản phẩm bắt đầu khó khăn. "Có quá nhiều hộ sản xuất hương xuất khẩu cùng một lúc đã khiến cho nguyên liệu đầu vào tăng lên nhiều lần, trong khi đối tác nước ngoài cũng bắt đầu khắt khe và khó tính hơn khi thu mua sản phẩm. Hai năm đầu, họ rất dễ tính, nếu một bó hương (1 kg) có 3-5 que hương bị lỗi cũng không sao. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây thì hễ phát hiện bó hương có 1-2 que bị lỗi là họ loại, ép giá. Hiện nay, mỗi kg hương bán tại xưởng chỉ còn được 16.000 - 16.500 đồng, giảm 3.000-4.000 đồng/kg so với trước, sau khi trừ các khoản chi phí gần như không có lãi, thậm chí là lỗ vốn. Năm 2014, gia đình tôi xuất bán một chuyến hàng 28 tấn hương sang Ấn Độ. Do hương bị lỗi khá nhiều, đối tác ép giá, cùng với nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... nên bị lỗ mất 43 triệu đồng. Từ đó đến nay, tôi tạm thời đóng cửa xưởng sản xuất, chỉ còn 4 xưởng của anh em trong nhà vẫn hoạt động cầm chừng", chị Thu chia sẻ.
Năm 2012, thấy nhiều nơi làm hương xuất khẩu, anh Phạm Hồng Thái ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo cũng vay vốn ngân hàng, thuê đất xây dựng nhà xưởng, mua 20 máy làm hương. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, lại gặp đúng lúc "cung đang vượt cầu" nên việc sản xuất của gia đình anh nhanh chóng rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ. Anh Thái buồn rầu nói: "Lợi nhuận thu được từ các chuyến hàng gần như không đủ bù cho chi phí thuê đất, nhập nguyên liệu, tiền vận chuyển, trả lương người lao động... nên đến đầu 2015, cơ sở sản xuất của gia đình tôi buộc phải đóng cửa, tổng cộng bị lỗ trên 1 tỷ đồng".
Một vài cơ sở sản xuất hương xuất khẩu ở Tứ Kỳ vừa mới hình thành do gặp phải những khó khăn giống như 2 trường hợp trên cũng chỉ dám hoạt động cầm chừng, chờ cơ hội. Cơ sở sản xuất hương xuất khẩu Tâm Việt ở thôn Mậu Công, xã Quang Trung thành lập năm 2015, có 150 máy nhưng hiện chỉ khai thác 65 máy. Chủ cơ sở này cho biết, lợi nhuận thu được từ các chuyến hàng đang ở mức rất thấp, thậm chí có chuyến bị lỗ vốn. Cơ sở hiện chỉ có thể trả lương cho lao động bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Do đó, những lao động trẻ tuổi không mặn mà gắn bó với xưởng, 70 lao động hiện tại hầu như là lao động nông nhàn.
Trước đây, các cơ sở sản xuất hương xuất khẩu ở huyện Tứ Kỳ chưa nhiều và chủ yếu tập trung ở xã Hưng Đạo. Nhưng 2-3 năm gần đây có thêm khá nhiều cơ sở sản xuất mới ở các xã khác như Tái Sơn, Ngọc Kỳ, Minh Đức, Hà Kỳ, Quang Trung... Việc các cơ sở sản xuất hương phát triển cho thấy sự mạnh dạn trong đầu tư phát triển kinh tế của người dân, góp phần đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, đầu tư làm ăn ồ ạt theo kiểu phong trào, thiếu kinh nghiệm thực tế, bị động trong tìm đầu ra đã khiến nhiều cơ sở sản xuất bị rơi vào vòng xoáy "cung vượt cầu", kéo theo đó là những khó khăn luôn thường trực, khó có thể tránh khỏi cảnh thua lỗ, trắng tay...
Sản xuất hương xuất khẩu hay bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào thì cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ các điều kiện, bảo đảm giá cả và thị trường đầu ra phải luôn ổn định, không vì thấy lợi nhuận trước mắt mà đầu tư ồ ạt theo kiểu phong trào.
BÌNH MINH