Phải lượng sức dân
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 08:10, 27/04/2016
Thời gian qua, dư luận rất quan tâm trước tình trạng có rất nhiều ô tô tải trọng lớn chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội ùn ùn đi vào tỉnh lộ 391 thay vì đi quốc lộ 5 hoặc đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vụ việc nóng đến mức tỉnh Hải Dương phải ra lệnh cấm các xe tải từ 4 trục bánh trở lên không được đi vào đường 391 trong thời gian từ 6 - 8 giờ và 16 - 20 giờ hằng ngày kể từ ngày 15-4 vì thời điểm này có rất nhiều người đi làm, học sinh đi học trong khi đường lại nhỏ hẹp, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Trong những ngày đầu thực hiện lệnh cấm, hầu hết lái xe đều chấp hành, tỉnh lộ 391 đã thông thoáng hơn vào giờ cao điểm nhưng số lượng xe tải chạy trên tuyến đường này lại giảm không đáng kể. Các xe tải thường đỗ ở hai đầu đường chờ qua giờ cao điểm để chạy vào. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các xe tải không đi đường rộng, đường đẹp mà lại đi đường tỉnh nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông?
Từ ngày 1-4-2016, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (theo hình thức BOT) tăng phí đi trên con đường này. Theo đó, phí toàn tuyến Hà Nội - Hải Phòng thấp nhất 210.000 đồng/lượt, cao nhất 840.000 đồng/lượt. VIDIFI cũng được thu phí trên quốc lộ 5 thông qua 2 trạm tại Hải Phòng và Hưng Yên với mức tăng gần 50% để hoàn vốn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là tăng theo lộ trình trong phương án tài chính xây dựng đường đã được Nhà nước phê duyệt.
Theo cơ cấu giá cước vận tải thì xăng dầu chiếm tỷ lệ cao nhất từ 25-30% nhưng ở thời điểm này lại xảy ra nghịch lý phí đường bộ đang chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành vận tải. Trong khi đó phần lớn doanh nghiệp bám dọc quốc lộ 5 nên rất ít xe chạy đường cao tốc vì vừa xa, phí lại cao. Các xe thường đi từ Hải Phòng theo quốc lộ 10 rồi vào tỉnh lộ 391 để ra quốc lộ 5 để tránh trạm thu phí Hải Phòng với mức từ 45.000 - 200.000 đồng/lượt, trong khi chi phí xăng dầu cho quãng đường dài thêm chỉ hết vài chục nghìn đồng.
Phải thừa nhận rằng nếu không có các dự án đường BOT, trong mấy năm qua, Việt Nam sẽ không có hệ thống đường sá tốt như hiện nay nhưng phí đường bộ đang chiếm phần lớn trong cơ cấu giá thành vận tải thì các cơ quan chức năng phải cân nhắc. Việc tăng phí đường bộ dù nói là trong khung cho phép nhưng vẫn phải tính toán đến khả năng chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Nhà nước cần đánh giá tổng thể, trong đó lưu ý tới sự đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp BOT. Nhà nước cũng nên tính toán thêm giải pháp khác để nhà đầu tư hoàn vốn thay vì tăng mức phí dự án BOT; cần sớm triển khai phổ biến hệ thống thu phí tự động không dừng thay vì thu bằng tiền mặt để minh bạch tài chính. Cơ quan quản lý sẽ giám sát chính xác số tiền thu được để điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn phù hợp so với mức phí thu được. Nếu thấy cần thiết, Nhà nước chỉ đạo cơ quan kiểm toán độc lập vào kiểm toán xem doanh nghiệp đầu tư có hợp lý không. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân làm người dân bức xúc là do những thông tin liên quan đến dự án thu phí BOT chưa được công khai, minh bạch. Người dân và doanh nghiệp không hiểu vì sao khi đi quốc lộ 5 được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước lại phải trả tiền cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan yêu cầu nhà đầu tư tính toán lại phương án thu hồi vốn đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tránh để con đường tỷ đô không phát huy hiệu quả, trong khi tỉnh lộ 391 lại phải gồng mình "cõng" lưu lượng xe gấp 3 lần thiết kế.
PHƯƠNG LINH (Tứ Kỳ)