Bảo đảm công bằng trong vận động bầu cử
Tin tức - Ngày đăng : 08:09, 28/04/2016
Pháp luật quy định việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử...
- Đề nghị đồng chí cho biết tại cuộc bầu cử lần này có điểm mới nào quy định về việc vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp so với kỳ trước?
- Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 đã quy định cụ thể việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử; thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Cụ thể, điều 67 nêu rõ: Người ứng cử ĐBQH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia; người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử (nếu có). Luật bổ sung nguyên tắc người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thực hiện quyền vận động bầu cử ở đơn vị bầu cử đó (điều 63) và bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử (điều 68).
- Theo đồng chí, ứng cử viên cần chuẩn bị những gì cho việc vận động bầu cử?
- Theo quy định của pháp luật bầu cử, thời gian vận động bầu cử của các ứng cử viên được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Như vậy, thời gian dành công việc này không nhiều nên các ứng cử viên cần sắp xếp thời gian để thực hiện các công việc chủ yếu. Đó là xây dựng dự kiến chương trình hành động của cá nhân nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Dự kiến lịch đăng ký gặp gỡ lãnh đạo địa phương nơi mình ứng cử, để tìm hiểu thông tin về địa phương ứng cử như các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức của địa phương… Những nội dung này rất cần thiết cho việc xây dựng chương trình hành động và sử dụng khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Chuẩn bị và tham gia thật tốt các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; khi được mời lên trình bày chương trình hành động, cần bình tĩnh, tự tin, trình bày rõ ràng, mạch lạc, nêu khả năng của bản thân đóng góp với hoạt động của Quốc hội, HĐND; hứa với cử tri những việc có thể làm trong khả năng của mình nếu được bầu là ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương nơi mình ứng cử. Ngoài việc tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, nếu được cơ quan thông tin đại chúng mời phỏng vấn, cần chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt những cuộc phỏng vấn này theo quy định.
- Hiện nay, báo chí, internet đang phát triển rất mạnh, ứng cử viên có được sử dụng các kênh thông tin này để vận động bầu cử không? Những ứng cử viên vi phạm trong vận động bầu cử sẽ bị xử lý thế nào?
- Theo quy định, về hình thức vận động bầu cử, người ứng cử được quyền tham gia vào các hội nghị tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức và vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin, báo chí tại địa phương ứng cử và các kênh thông tin khác nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử, tuân thủ các quy định về vận động bầu cử. Hội đồng Bầu cử, Ủy ban Bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử. UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 cũng đã quy định cụ thể những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Nếu người ứng cử vi phạm những điều cấm thì sẽ bị xử lý. Hình thức xử lý cao nhất là xóa tên khỏi danh sách người ứng cử và ngoài ra có các hình thức xử phạt hành chính khác. Ở các cấp đều có tổ chức phụ trách việc bầu cử, các tổ chức này có thẩm quyền tiếp nhận thông tin và xử lý các tình huống xảy ra.
- Xin đồng chí cho biết về kế hoạch của Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc tổ chức cho ứng cử viên vận động bầu cử?
- Ngay sau khi tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đối với người ứng cử ĐBQH khóa XIV và ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI, đồng thời hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu HĐND của cấp mình thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định. Theo kế hoạch, thời gian tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử tại các đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo đơn vị bầu cử và kết thúc trước 7 giờ ngày 21-5-2016. Đối với ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh bố trí lịch tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử từ ngày 5 đến hết ngày 15-5, trong đó mỗi huyện, thị xã, thành phố bố trí 2 điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử ĐBQH, 2 điểm cho người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh vận động bầu cử. Riêng TP Hải Dương bố trí 4 điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh vận động bầu cử. Đối với cấp huyện, cấp xã do từng địa phương bố trí lịch thực hiện cho phù hợp. Ngoài hình thức trên, người ứng cử có thể chủ động thực hiện vận động bầu cử như trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác, làm việc...
Xin cảm ơn ông!
TRUNG THU (thực hiện)