Bài 3: Tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với báo chí
Tin tức - Ngày đăng : 11:03, 28/04/2016
Tiếp xúc với cử tri, với nhân dân là hoạt động thường xuyên của mỗi đại biểu dân cử; tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử cũng là quyền của các ứng cử viên trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Ngoài ra, ứng cử viên cũng có quyền vận động bầu cử qua việc trả lời phỏng vấn của báo chí.
Làm gì để cử tri ủng hộ mình?
Ứng cử viên cần biết quy định về tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử, điều 66 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HÐND quy định như sau: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HÐND cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương…”.
Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri quy định: “Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HÐND. Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm”.
Ðể đạt hiệu quả vận động bầu cử, mỗi ứng cử viên cần biết rõ thành phần, đối tượng tiếp xúc. Tùy theo sự phân bổ ứng cử viên về các đơn vị bầu cử và kế hoạch tiếp xúc cử tri của Ủy ban MTTQ các cấp để biết đối tượng của mỗi buổi tiếp xúc (trong đợt vận động bầu cử sẽ có nhiều buổi tiếp xúc cử tri). Biết đối tượng của buổi tiếp xúc cử tri giúp bạn điều chỉnh phù hợp từ trang phục, nội dung trình bày, cách diễn đạt, cách gặp gỡ,…
Tùy theo hình thức, không gian nơi tiếp xúc để có những phương pháp trình bày thích hợp. Thông thường là tổ chức thành hội nghị, cử tri ngồi phía dưới, ứng cử viên ngồi hàng ghế phía trên đối diện với cử tri. Cần chú ý lắng nghe cử tri phát biểu, ghi chép những đề xuất kiến nghị để chuẩn bị trao đổi, giải trình với cử tri.
Trình bày chương trình hành động: Xây dựng chương trình hành động của mỗi ứng cử viên là việc bắt buộc để báo cáo trước cử tri về việc mình sẽ làm khi được bầu làm ĐBQH hay đại biểu HÐND. Mặt khác, chương trình hành động còn để lưu trong hồ sơ ứng cử để cử tri và các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện chức trách của đại biểu trong suốt nhiệm kỳ.
Ðể trình bày chương trình hành động thật súc tích, cử tri đánh giá được năng lực, sở trường của ứng cử viên, bạn cần chuẩn bị nội dung và tập dượt để bảo đảm thời gian quy định của hội nghị. Không nên đọc nguyên văn chương trình chuẩn bị sẵn mà cần báo cáo ngắn gọn, súc tích, tập trung vào nội dung chính cử tri cần nghe, đó là việc bạn sẽ làm gì (với vị trí công tác của bạn) nếu được bầu làm đại biểu?
Dự kiến cử tri có thể sẽ hỏi hoặc kiến nghị những vấn đề gì và chuẩn bị nội dung để đối thoại, trao đổi. Ðây là việc khó, nhất là đối với những ứng cử viên lần đầu tham gia. Nhưng nếu không có dự kiến trước thì khi cử tri hỏi hoặc kiến nghị, bạn sẽ không thể trao đổi, giải trình hiệu quả. Cử tri đánh giá cao năng lực của bạn ở chỗ này.
Những căn cứ để dự kiến cử tri sẽ hỏi: Căn cứ các nhóm đối tượng cử tri trong cuộc tiếp xúc (nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ hưu trí, thanh niên…). Những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn ở địa phương, đơn vị nơi tiếp xúc. Căn cứ vị trí công tác, chức vụ bạn đang đảm nhiệm.
Ví dụ về một câu hỏi của cử tri: Hiện nay công nhân trong các khu công nghiệp chưa được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, hầu hết phải ở trọ trong những khu nhà không bảo đảm cho sinh hoạt. Nếu được bầu làm đại biểu HÐND tỉnh thì ông (bà) sẽ làm gì để giúp công nhân cải thiện vấn đề trên?
Sau khi dự kiến được những câu hỏi có thể xảy ra thì bạn sẽ chuẩn bị được phương án trả lời tốt nhất.
Những việc nên: đến địa điểm tiếp xúc trước giờ tổ chức nhưng không quá sớm. Bắt tay chào hỏi cử tri với hành động thân mật và trân trọng. Nán lại một chút, bắt tay tạm biệt cử tri, không nên về trước cử tri. Lắng nghe sự bình luận của cử tri. Thu thập thông tin nhận xét của cử tri về các ứng viên trong đó có mình. Chuẩn bị tốt hành trang cá nhân cho buổi tiếp xúc (trang phục, đầu tóc, giày dép, bản chương trình hành động và bản đề cương trình bày). Tập trung lắng nghe khi cử tri trình bày tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị (cần ghi chép cẩn thận ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuẩn bị trao đổi, đối thoại với cử tri).
Những việc nên tránh: Tránh ăn mặc luộm thuộm hoặc quá sang trọng, không phù hợp với đối tượng cử tri; đến chậm để mọi người phải chờ đợi; làm việc riêng hoặc không tập trung khi cử tri phát biểu. Khi trình bày chương trình hành động phải chuẩn bị kỹ đề cương và trình bày theo đề cương, không sa đà, lạc đề. Không nên đọc toàn văn chương trình hành động.
Kinh nghiệm tiếp xúc với báo chí
Trong vận động bầu cử, ứng cử viên không chỉ tiếp xúc trực tiếp với cử tri để trình bày chương trình hành động mà còn làm việc với các phóng viên báo, đài phát thanh và truyền hình. Các bạn đừng ngần ngại, hãy tận dụng cơ hội này để làm cho nhiều cử tri biết về mình và tranh thủ sự ủng hộ của họ.
Hãy tự tin: Trả lời phỏng vấn trên báo chí là quyền của một ứng cử viên do pháp luật quy định. Nếu không được, hãy chủ động nhắc nhở ủy ban bầu cử địa phương và các cơ quan báo chí bố trí tiếp xúc với báo chí. Tỏ ra sẵn sàng trả lời phỏng vấn và đúng hẹn. Bình tĩnh, tự tin trong khi trả lời phỏng vấn. Chuẩn bị một tâm thế, tinh thần thoải mái, vui vẻ cho buổi phỏng vấn.
Cần chuẩn bị và tập dượt trước: Chuẩn bị trước bài trả lời với các ý tứ rõ ràng, đầy đủ; chuẩn bị trước một số câu nói ngắn nhưng nói được đúng ý mà cử tri muốn nghe, có thể sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ, điển tích của địa phương mà bạn ứng cử. Nhận biết những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân bạn khi tiếp xúc với báo chí. Tập dượt trước để tránh mắc phải những điểm yếu.
Trao đổi trung thực: Không giấu giếm báo chí và cử tri điều gì, nhưng không nói quá những vấn đề bạn biết. Hãy thể hiện cho cử tri thấy bạn có thể mắc phải một số điểm yếu, nhưng điểm mạnh chiếm ưu thế hơn nhiều lần, đủ để bạn trở thành đại biểu của dân.
Phương thức trả lời báo chí: Sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu, nhưng có thể kết hợp dùng tiếng địa phương hoặc tiếng dân tộc nếu cần thiết. Trả lời rõ ràng, đủ ý từng câu hỏi. Không trả lời theo định hướng của phóng viên; dù câu hỏi về nội dung gì thì cũng nên trả lời những ý mà cử tri muốn nghe. Trường hợp gặp câu hỏi khó, không nên trả lời “tôi không biết” hoặc “tôi không có ý kiến gì”, mà nên nói “Xin lỗi, tôi chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi này”.
Kinh nghiệm xuất hiện trên truyền hình: Lưu ý rằng khi bạn xuất hiện trước truyền hình, cử tri không chỉ nghe những điều bạn nói mà còn chú ý quan sát bạn từ tư thế ngồi, nét mặt, cử chỉ, đầu tóc, quần áo… Qua đó, cử tri có thể có ấn tượng tốt hoặc không tốt về bạn, ảnh hưởng đến phiếu bầu. Vì vậy, bạn cần ngồi thẳng, tư thế thoải mái trong suốt cuộc phỏng vấn; giữ nét mặt bình tĩnh, tự tin; sử dụng cử chỉ tay tự nhiên, không đưa tay quá màn hình máy quay hoặc che màn hình máy quay; tóc chải gọn gàng, quần áo đơn giản, lịch sự. Ðối với phụ nữ, hãy trang điểm nhẹ nhàng, đậm hơn thường ngày để lên hình không bị nhợt nhạt, nhưng không quá đậm; tránh đeo những đồ trang sức to nặng có thể gây tiếng động vào micro. Âm lượng giọng nói, tốc độ nói, ngữ điệu, cách dùng từ… phù hợp với chủ đề cuộc phỏng vấn.
LƯƠNG ANH TẾ
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương