Thị trường hải sản đông lạnh "đóng băng"
Thị trường - Ngày đăng : 12:49, 29/04/2016
Thông tin hải sản ở một số tỉnh miền Trung bị chết do nhiễm độc khiến hải sản đông lạnh ế ẩm...
Sức mua các mặt hàng hải sản đông lạnh tại cửa hàng Ngoan hải sản giảm 95% từ khi có thông tin
cá biển chết do nhiễm độc ở miền Trung
Từ khi có thông tin hải sản ở một số tỉnh miền Trung bị chết do nhiễm độc, người tiêu dùng trong tỉnh bắt đầu dè chừng với hải sản đông lạnh dù đây là thực phẩm được yêu thích vào mùa nắng nóng. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cũng đứng ngồi không yên vì sản phẩm mua về không bán được.
Không dùng vì nguồn gốc không rõ ràng
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) vốn rất thích các món ăn chế biến từ hải sản. Tuy nhiên gần 1 tuần nay, nghe thông tin cá biển ở một số tỉnh miền Trung chết bất thường nên chị cũng e ngại khi lựa chọn các loại thực phẩm này. "Tôi thường mua thực phẩm ở các chợ nên chất lượng như thế nào tôi cũng chỉ nắm thông tin qua tiểu thương. Nếu tiểu thương vì lợi nhuận mà trà trộn cá biển bị nhiễm độc vào bán sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe. Tôi rất sợ mua nhầm cá biển nhiễm độc vì hàng đông lạnh rất khó phân biệt nên dù là cửa hàng quen, tôi cũng không dám mua. Hiện tại, tôi chỉ sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Khi muốn đổi món, tôi dùng thêm cá, tôm nước ngọt", chị Hồng cho biết.
Vì mù mờ thông tin về hải sản đông lạnh (HSĐL) nên chị Bùi Thị Chinh ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng tạm thời dừng mua các mặt hàng này. Theo chị Chinh, dù chị thường xuyên mua và sử dụng HSĐL để chế biến món ăn hằng ngày nhưng cũng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm bảo đảm chất lượng. Khi hỏi các chủ cửa hàng về nguồn gốc HSĐL thì họ cũng chỉ đưa ra thông tin chung chung và lý giải là do thu mua tận gốc từ ngư dân để giảm tối đa giá thành nên không có chứng từ chứng minh xuất xứ. "Không biết rõ nguồn gốc sản phẩm thì tốt nhất là không nên mua để bảo đảm sức khỏe cho gia đình", chị Chinh khẳng định.
Tiểu thương lao đao
Người tiêu dùng bất an với HSĐL đã ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh của các tiểu thương. Chị Trần Thị Ngoan, chủ cửa hàng Ngoan hải sản trên đường Bùi Thị Cúc (TP Hải Dương) cho biết: "Hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa năm nào tôi thấy HSĐL bán chậm như hiện nay. Mấy ngày nay, số lượng người mua các loại tôm, cá biển đông lạnh giảm tới 95%. Đa số các tiểu thương đều nhập hàng từ Hải Phòng, Quảng Ninh, vì đây là những địa điểm gần, có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển. Gần đây, người tiêu dùng hoang mang vì thông tin cá biển chết nhiều do nhiễm độc ở Hà Tĩnh nên lo ngại sản phẩm của chúng tôi không bảo đảm. Mặt khác, nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc hiện khan hiếm do tiểu thương Trung Quốc thu mua ồ ạt nên giá mua vào tăng thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với tình cảnh này. Hàng không bán được, giá lại tăng cao nhưng vì giữ mối quen, tôi vẫn phải nhập về một ít để bán cầm chừng".
Gần một tuần nay, cửa hàng hải sản Hạnh Luyến ở chợ đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) cũng trong tình trạng ế ẩm, vắng bóng người mua. Theo chị Luyến, chủ cửa hàng nếu như mọi năm đây là thời điểm các cửa hàng hải sản ăn nên làm ra thì hiện tại khách ghé mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Nếu có mua hải sản, khách hàng cũng chỉ mua các loại tươi sống, còn mặt hàng đông lạnh thì gần như không ai hỏi. Bây giờ, tôi cũng chỉ bán được mực, còn các loại cá đông lạnh như cá nục, cá ngừ, cá thu... vốn là sản phẩm thế mạnh của cửa hàng nay tôi phải ngừng nhập vì sợ thua lỗ. Để có vốn duy trì cho việc buôn bán, tôi phải chuyển sang nhập cua, cáy về bán nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Luyến nói.
Hiện nay, có thông tin về cá chết ở một số tỉnh miền Trung được cấp đông đưa ra tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, tại các chợ người tiêu dùng tẩy chay HSĐL khiến các tiểu thương lâm vào tình cảnh thua lỗ. Để tránh gây xáo trộn thị trường, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, thông tin về những cửa hàng thực phẩm an toàn, tránh việc tiểu thương bán hàng miền Bắc bị vạ lây vì cá ở miền Trung chết. Người tiêu dùng không chọn các loại hải sản không còn hình hài nguyên vẹn, cơ thể xây xước nhiều. Đối với cá biển nhiễm độc, miệng cá sẽ mở to, bụng phình, mềm, mắt đục lõm vào trong, thịt cá không còn độ đàn hồi. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên mua những sản phẩm được đóng gói, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
PV