Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Công nghiệp - Ngày đăng : 17:20, 29/04/2016
Sáng 29 - 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Hải Dương
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 42% hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, còn lại là hòa vốn hoặc thua lỗ. Đây là tín hiệu không khả quan đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu nhiều rủi ro về chi phí, thủ tục hành chính còn rườm rà, mất nhiều thời gian so với các nước trong khu vực. Đây là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp không hài lòng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp lớn đều khẳng định thời gian tới, nước ta bước vào hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp sẽ chịu tác động sâu sắc và bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nghị định, thông tư không phù hợp; công tác quản lý chồng chéo gây cản trở lớn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay. Đó là các bộ, ngành còn chậm ban hành văn bản, chính sách hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng tinh thần của Hiến pháp; chưa có cơ chế phù hợp tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; nhiều quy định còn thiếu rõ ràng, không tương thích dẫn đến hiện tượng một vấn đề nhưng nhiều cách hiểu khác nhau; khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, tình trạng phí chồng phí còn phổ biến gây khó khăn cho doanh nghiệp... Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bị hụt hơi, dẫn tới năng suất lao động thấp so với mặt bằng chung của khu vực. Để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành phải xây dựng các quy định, chính sách rõ ràng, thống nhất, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; giảm dần, tiến tới xóa bỏ các loại giấy phép con, phụ phí bất hợp lý; rà soát lại các quy định về sản xuất, kinh doanh hướng tới bãi bỏ những nội dung không phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các chính sách về thuế, phí phải bảo đảm ổn định; phải giảm 1% lãi suất cho vay trung và dài hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý khoa học, công nghệ là khâu đột phá nên phải chú trọng tới các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển. Các địa phương xây dựng đường dây nóng, điểm tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp; quán triệt đến từng cán bộ, công chức tinh thần phục vụ doanh nghiệp; cần đẩy mạnh kết nối trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
PV