Giữ đảo Bạch Long Vĩ
Tin tức - Ngày đăng : 21:21, 29/04/2016
Trong thời kỳ giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, nơi đây đã trở thành chiến địa ghi dấu những trận đánh oanh liệt giữ đảo của Tiểu đoàn 152...
Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ. Với vị trí quân sự chiến lược, trong thời kỳ giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, nơi đây đã trở thành chiến địa ghi dấu những trận đánh oanh liệt giữ đảo của Tiểu đoàn 152 thuộc Quân khu Đông Bắc.
Thượng tá Phạm Khắc Hưởng bên những kỷ vật trao tặng cho Bảo tàng tỉnh
Thắng địch ngay từ trận đầu
Để “sống lại” với những trận đánh giữ đảo Bạch Long Vĩ oanh liệt, chúng tôi đến thăm thượng tá Phạm Khắc Hưởng, cựu chiến binh của Tiểu đoàn 152. Người lính già lần giở hành trang lấy cho chúng tôi xem từng kỷ vật, từng tấm huy chương, và cứ thế những ký ức một thời chiến đấu trên đảo Bạch Long Vĩ ào ạt hiện về.
Sinh năm 1940 ở Thanh Miện, theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1961, ông Hưởng lên đường nhập ngũ. Do đã học xong phổ thông, ông được điều đi học sư phạm ở Quân khu Tả Ngạn để làm giáo viên dạy văn hóa cho bộ đội. Nghe tên đảo Bạch Long Vĩ thơ mộng, lại ôm lý tưởng phục vụ Tổ quốc, học xong, ông xung phong ra đảo nhận nhiệm vụ.
Bạch Long Vĩ còn có tên gọi Phù Thủy Châu (hòn ngọc nổi trên mặt nước) nằm giữa vịnh Bắc Bộ, diện tích phần nổi 2,5 km2. Dẫu nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ là vị trí quân sự chiến lược. Lần đầu bước chân lên đảo, ông Hưởng không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của nơi tiền tiêu. Trên đảo chỉ có Tiểu đoàn 152 của ông chốt giữ. Ông Hưởng được giao nhiệm vụ dạy văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
7 năm đóng quân trên đảo, ông Hưởng có biết bao kỷ niệm gắn bó. Nhưng ông nhớ nhất là những trận giáp chiến khốc liệt với máy bay địch để giữ đảo. Ngày 5-8-1964, Mỹ dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ leo thang tấn công miền Bắc. Sau khi cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi như sông Gianh (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An)... đầu năm 1965, Mỹ ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân. Mục tiêu tấn công của Mỹ không chỉ là các căn cứ quân sự mà còn bao gồm cả những mục tiêu dân sự. Mỹ đã huy động hàng nghìn máy bay tối tân, vũ khí hiện đại đánh phá liên tục với cường độ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, miền Bắc phải hứng chịu khoảng 1.600 tấn bom đạn trút xuống.
Ông Hưởng kể: Nằm giữa vịnh Bắc Bộ, lại ở vị trí tiền tiêu, Bạch Long Vĩ là nơi mà không quân Mỹ tuyên bố sẽ dùng vũ lực để xóa sổ. 12 giờ trưa 26-3-1965, một tốp máy bay tiêm kích Mỹ từ hạm đội ngoài khơi bay tới ném bom, mở màn cuộc tấn công đảo Bạch Long Vĩ. Loạt bom đầu của địch đã đánh văng cánh cụm ra-đa trên đảo. Tuy nhiên do chủ động, súng 12,7 ly của ta đã kịp thời nhả đạn khiến một chiếc máy bay bị thương xì khói. Mọi người chưa kịp vui thì ngoài khơi, một tốp máy bay tiêm kích khác đã nhào tới phóng liền mấy quả tên lửa. Với phương châm đánh vỗ mặt, khi tốp máy bay địch sà xuống, hai trận địa pháo của ta đồng loạt khai hỏa. Một chiếc máy bay địch bốc cháy ngùn ngụt đâm xuống biển cùng cả đống tên lửa chưa kịp bắn. “Chúng tôi ôm lấy nhau reo hò sung sướng vì ngay lần đầu tấn công đã làm địch bị tổn thất nặng nề. Sau trận đó, đơn vị chúng tôi được Bác Hồ trao tặng Huân chương Chiến công hạng nhì”, ông Hưởng bồi hồi nhớ lại.
Nhưng từ đó, Bạch Long Vĩ trở thành vùng địa chiến lược thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tấn công tàn khốc bằng không quân của giặc Mỹ. Mỗi lần ném bom đánh phá đất liền, trước khi hạ cánh xuống tàu sân bay, bom đạn thừa địch cũng trút cả xuống đảo không kể đêm ngày. Song với ý chí chiến đấu sắt đá, tất cả các cuộc tấn công của địch đều bị quân ta đánh lui. Thêm nhiều máy bay Mỹ bốc cháy trên bầu trời, thêm nhiều phi công giặc bỏ xác dưới biển sâu. Từ một người lính, được tôi luyện qua trận mạc, ông Hưởng được giao chỉ huy trận địa súng 12,7 ly. Những năm bám trụ trên đảo, ông đã cùng đồng đội tham gia đánh hàng trăm trận. Tính từ năm 1965 đến khi đế quốc Mỹ kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất vào cuối năm 1968, các chiến sĩ Tiểu đoàn 152 đã đánh lui 130 trận tấn công của giặc Mỹ, bắn cháy 20 máy bay các loại.
Kỷ vật nhuốm máu đồng đội
Trong những năm tháng ấy cũng chính ông Hưởng phải chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống. Ông Hưởng nhớ lại: Trưa ngày 29-3-1965, từng tốp máy bay trinh sát địch xuất hiện quần thảo trên bầu trời. Xung quanh đảo, tàu chiến của địch bao vây vòng trong vòng ngoài. Trước đó, đơn vị nhận được mật lệnh Mỹ sẽ tấn công đảo, toàn bộ chiến sĩ và nhân dân phải sơ tán xuống chiến hào sẵn sàng chiến đấu. Sương mù vừa tan, máy bay địch ào ào xuất kích tấn công đảo từ nhiều hướng. Tên lửa, bom bi, bom khoan, đạn pháo thi nhau cày xới. Do chủ động, quân ta nhanh chóng nổ súng đáp trả. Tấn công từ trưa đến 7 giờ tối không chiếm được đảo địch buộc phải rút quân. Tiếng súng ngưng, chúng tôi bò từ chiến hào lên mà không tin nổi vào mắt mình. Toàn bộ doanh trại, làng chài, trạm ra-đa, trạm khí tượng và các công trình trên đảo đã bị san phẳng. Tốp chiến sĩ thông tin Nghệ, Cử, Thích, Bề, Xuyên hy sinh tại chỗ do bị bom đánh trúng hầm. Anh em đi gom nhặt lại chỉ được một đùm áo bông. Tôi và đồng chí Hoàng Đình Bao đem chia xác anh em làm 5 phần rồi dùng áo bông bọc lại, lấy cánh cửa làm ván mai táng tại bờ cát. Về phía dân quân trên đảo cũng có 5 đồng chí hy sinh trong đó có 3 cô gái.
Tấm vải dù của ông Hưởng từng nhuốm máu đồng đội. Ảnh: Ngọc Hùng
Một kỷ niệm khiến ông Hưởng không nguôi ám ảnh là trận địch tấn công đảo tháng 6-1966. Lúc đó, ông Hưởng là trung đội trưởng đơn vị pháo nòng dài. Giữa trưa, anh em vừa ăn xong thì nhận được lệnh báo động địch dùng máy bay ném bom lên đảo. Anh em trong đơn vị nhanh chóng có mặt tại trận địa. Khi máy bay địch sà xuống, pháo ta ở các trận địa đồng loạt nổ ran. “Máy bay địch cúp đuôi bỏ chạy song chúng đã kịp cắt bom trúng trận địa pháo do tôi phụ trách. Xung quanh ầm ầm rung chuyển, đất cát bay mù mịt. Ngớt tiếng bom, tôi nhao lên khỏi công sự đã thấy ba chiến sĩ của ta ngã gục. Tôi nhào tới, vòng tay qua cổ nâng chiến sĩ Nguyễn Minh Thung dậy băng bó. Nhưng do vết thương quá nặng, Thung nhìn tôi ú ớ vài câu rồi hy sinh. Máu từ miệng, từ vết thương của anh ộc ra ướt hết tấm vải dù tôi đang khoác trên người”, ông Hưởng xúc động nhớ lại.
Khi Bạch Long Vĩ bình yên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Hưởng tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ ở các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Ngày đất nước hòa bình, ông lại tiếp tục tham gia chiến đấu tại Campuchia và biên giới cho đến lúc mái tóc điểm bạc. Mấy mươi năm quân ngũ, nhiều lần đối mặt giữa cái sống và cái chết song người lính già vẫn giữ tấm vải dù năm xưa. Ông bảo, tôi quý tấm vải dù như sinh mệnh bởi nó là vật đã theo cha tôi chiến đấu trên đất bạn Lào. Khi nghe tin con trai chiến đấu trên đảo Bạch Long Vĩ phải lấy vải màn nhuộm sơn ngụy trang nên ông đã gửi ra cho. Đặc biệt tấm vải đó là kỷ vật đã từng nhuốm máu đồng đội.
Để các thế hệ đi sau hiểu những hy sinh, mất mát lớp cha anh đi trước đã trải qua, năm 2014, ông Hưởng đã tặng lại tấm vải dù cùng chiếc còi dùng chỉ huy trong các cuộc chiến đấu trên đảo Bạch Long Vĩ cho Bảo tàng tỉnh. Ngoài hai kỷ vật trên ông còn tặng Bảo tàng tỉnh hơn 20 kỷ vật hình ảnh đã gắn với ông suốt cuộc đời binh nghiệp. Và những kỷ vật vô tri vô giác ngày nào giờ đã trở thành nhân chứng lịch sử chân thực kể lại câu chuyện giữ đảo Bạch Long Vĩ hào hùng của các chiến sĩ Tiểu đoàn 152 năm xưa.
NGUYÊN DÃ