Kén chồng cho con
Đời sống - Ngày đăng : 13:05, 30/04/2016
Tình yêu giữa My và anh chàng quê tận miền Trung xa lơ xa lắc vừa chớm nở đã bị bà Mai cấm cản: “Mẹ là mẹ không đồng ý đâu. Thôi ngay đi nhé”. Bà Mai còn gặp trực tiếp anh chàng kia, thẳng thắn: “Nói thật với cháu, bác chỉ có một đứa con gái duy nhất nên không thể gả chồng xa. Các cụ nói chẳng sai: Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho. Có con mà gả chồng xa, một là mất giỗ hai là mất con”. Chàng trai kia đành lặng lẽ rút lui.
Từ đó, hễ ai đến tìm hiểu Diễm My đều phải qua sự “kiểm duyệt” gắt gao của bà Mai. Vừa xinh đẹp, vừa có công việc ổn định, gia đình lại nền nếp nên tối tối nhà Diễm My nườm nượp khách ra vào. Các chàng trai được giới thiệu, mai mối đến nhà cô làm quen. Thấy chàng trai nào hình thức và nghề nghiệp tạm được là bà Mai dò hỏi đến tận ngọn ngành. Nhưng rồi chàng nào cũng có điểm để bà chê vì bà coi con gái bà đẹp nhất làng, lại có nghề có nghiệp danh giá thì việc gì mà không kén chọn chứ. Anh Bình là sĩ quan hải quân, tính tình hiền lành, ít nói nhưng bà Mai không đồng ý: “Bộ đội đóng quân ở gần thì được chứ đằng này nó đóng quân ở mãi ngoài đảo, một năm về có hai bận. Lấy nó là mệt đấy con ạ, mọi việc trong nhà đến tay mình hết”. Anh Quang là cán bộ huyện, tương lai cũng có triển vọng lên chức nọ chức kia, vậy mà bà Mai cũng tìm được cái để chê. Bà bảo: “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống, mẹ thấy anh trai nó đẻ được thằng con trai bị thiểu năng. Mẹ sợ cái gien ấy lắm, rồi lại khổ một đời con ạ”. Anh Tú là kỹ sư xây dựng, cao ráo, đẹp trai nhưng bà Mai bĩu môi: “Làm cái nghề xây dựng là cứ nay đây mai đó, với lại bố mẹ nó mất cả rồi, mai kia đẻ con đẻ cái thì lấy ai mà bế cháu, lại đến tay mẹ à, không được đâu”. Anh Hùng làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, xem chừng ông Mai cũng ưng cái nghề cứu người cao quý nhưng bà Mai nhất quyết gạt phăng đi chỉ vì lý do: “Mẹ tìm hiểu rồi, mẹ nó ghê gớm lắm, con về làm dâu nhà ấy mẹ chả yên tâm tí nào”…
Cứ thế, hết anh này ra lại đến anh khác vào nhà My tìm hiểu nhưng cô chưa kịp có cảm tình với anh nào thì mẹ cô đã chê chỗ này, phản đối chỗ kia. Quay đi ngoảnh lại, My đã bước qua tuổi ba mươi. Đến lúc này thì bà Mai gần như phát hoảng. Bà tự trách mình: “Chỉ tại cái tính đứng núi này trông núi nọ của mẹ mà thành ra con bị lỡ làng”. Vậy mà khi My yêu một anh đồng nghiệp, nhà ở huyện bên cạnh nhân dịp đi hội thảo, bà Mai vẫn nhất quyết không đồng ý vì anh Đông đã trải qua một đời vợ. My chỉ biết khóc thầm. Cô không biết phải làm thế nào để thuyết phục mẹ. Cô không dám trái lời mẹ bởi hễ cô trái lời bà Mai là bà dọa uống thuốc ngủ tự tử.
Đang lúc ruột gan mẹ con bà Mai rối như tơ vò thì ông Mai lại bị tai biến mạch máu não, nằm viện cả tháng trời. Cả nhà thay nhau chăm sóc ông, ai cũng mệt mỏi, bơ phờ. Người ở bên cạnh ông Mai nhiều nhất lại chính là Đông. Nhiều lần anh thức trắng cả đêm ở bệnh viện để trông nom ông Mai. Bình thường ông Mai vốn rất khó tính, lúc có bệnh trong người lại càng khó tính hơn vậy mà anh Đông chiều được hết. Suốt thời gian nằm viện ông không hề có ý kiến gì về chuyện hôn nhân của My. Bà Mai thì nản lắm rồi, với lại trong lúc ông Mai đang ốm đau, bà chẳng có bụng dạ nào nghĩ đến chuyện “kén chồng” cho con gái nữa...
Ngày ông Mai được ra viện cũng là ngày anh Đông xin phép được cưới My. Bà Mai mỉm cười: “Thôi thì cái duyên cái số, miễn là các con thương yêu nhau”. Đến bây giờ bà Mai mới thấm thía rằng ở đời không có ai hoàn hảo cả.
TRẦN LÀNH