Lâm tặc hoành hành, rừng Krông Pa nguy cơ xoá sổ

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 13:57, 01/05/2016

Tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều cánh rừng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.


Nhiều năm nay, Krông Pa luôn là “điểm nóng” của tỉnh Gia Lai về tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, thời gian gần đây, hàng loạt vụ phá rừng qui mô lớn đã xâm hại nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên rừng của địa phương.

Những ngày này, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Krông Pa lại tiếp tục được “hâm nóng” với vụ phá rừng qui mô lớn diễn ra tại các cánh rừng của xã Ia Rmok, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk. Suốt thời gian dài, lâm tặc làm đường đưa cưa lốc, rơ mooc vào rừng chặt gỗ đưa về điểm tập kết. Mãi đến khi gần trăm hộp gỗ vuông vắn với kích cỡ “khủng” nằm giữa rừng chờ vận chuyển thì lực lượng chức năng mới phát hiện tạm giữ.


Hàng chục hộp gỗ đường kính lớn nằm la liệt trong rừng

Qua khu vực ba buôn của xã Chư Drăng, con đường dốc, đá cheo leo dài hàng chục km chính là con đường độc đạo để đến khu vực rừng này. Ngay trên đỉnh núi, hàng loạt hộp gỗ được xẻ vuông vắn nằm ngổn ngang, la liệt trải dài hàng trăm m2. Hầu hết các hộp gỗ đều có kích cỡ lớn, vuông từ 50cm đến 80cm, dài từ 3,5m đến 5m và nhiều lóng gỗ tròn đường kính trên 60cm. Theo nhận định của phóng viên, tại đây có khoảng 80 hộp gỗ và lóng gỗ tròn và đây có thể là bãi tập kết gỗ của lâm tặc. Lâm tặc sau khi chọn đốn các cây gỗ lớn ở các khu vực rừng xung quanh rồi kéo về tập kết tại điểm cao này để dễ bề vận chuyển. Mặc dù không có một bóng người nhưng nhiều dấu vết để lại như lán trại, dây cáp, khung xe bò vàng, các vật dụng sinh hoạt…minh chứng đây là một vụ phá rừng khá quy mô, có tổ chức và đã diễn ra khá lâu.

Ông Trương Thanh Hà, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa xác nhận, khu vực rừng bị phá trên thuộc địa phận xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, nơi giáp ranh với xã Cư Klông, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk. Đây là địa bàn rộ lên tình trạng phá rừng trái phép ở cả hai tỉnh từ năm 2014 nhưng vụ phá rừng mới này được cho là vụ có khối lượng gỗ bị tàn phá nặng nề nhất. Ông Hà xác nhận thêm: “Chúng tôi đã biết về vụ phá rừng này nhưng vì muốn 'đánh rắn phải đánh dập đầu' nên chúng tôi đã tiến hành mật phục ngày đêm ở rừng tuy nhiên vẫn không bắt được đối tượng nào. Hiện Hạt kiểm lâm vẫn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan điều tra nên tạm thời chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí được”.

Không những là “điểm nóng” về phá rừng lấy gỗ, Krông Pa còn là trọng điểm về phá rừng làm nương rẫy. Trên đường vào bãi tập kết gỗ, chứng kiến nhiều khoảnh rừng ở 2 xã Chư Drăng và Ia Rmok bị đốt phá rộng đến vài ha mà quá đỗi xót xa. Mặt đất ngổn ngang những cây gỗ to nhỏ cháy đen. Theo nhiều người dân sinh sống ở đây, do diện tích đất canh tác trước đây đã bạc màu và thiếu đất sản xuất nên họ đánh liều đốt rừng lấy đất mới trồng cây ngô, cây sắn để mưu sinh.

Để răn đe các đối tượng phá rừng, trung tuần tháng 4 này, Tòa án nhân dân huyện Krông Pa đã đưa 2 đối tượng ra xét xử lưu động về tội Hủy hoại tài nguyên rừng tại xã Krông Năng. Theo đó, vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9-2015, Ka Sor Y Tet (sinh năm 1979) ở buôn Jú, xã Krông Năng sử dụng cưa xăng vào khu vực rừng sản xuất thuộc tiểu khu 1430 của xã Ia Dreh chặt phá, đốt cây rừng lấy đất làm rẫy với tổng diện tích rừng bị phá là 6.380 m 2 gây thiệt hại gần 340 triệu đồng. Đối tượng còn lại là Ksor Lớ (sinh năm 1979) cùng ở buôn Jú, xã Krông Năng tự ý dùng cưa xăng và dao quắm chặt hạ 7.690 m 2 rừng sản xuất thuộc tiểu khu 1430 của xã Ia Dreh quản lý để lấy đất làm rẫy từ tháng 2 đến tháng 5-2015.

Hành vi chặt phá rừng của Ksor Lớ gây thiệt hại về lâm sản trên 54 triệu đồng và gây thiệt hại về môi trường với tổng số tiền trên 160 triệu đồng. Hai đối tượng này cùng bị Tòa án nhân dân huyện Krông Pa tuyên phạt mỗi đối tượng 6 tháng tù giam. Đây là vụ án điểm và là động thái mạnh tay của ngành chức năng khi lần đầu tiên đưa ra xét xử hình sự một vụ phá rừng làm nương rẫy.

Hy vọng rằng, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng tỉnh Gia Lai sẽ mở ra cơ hội mới để các cánh rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Krông Pa cũng như của tỉnh được phát triển bền vững trong tương lai.

Nguyễn Hoài Nam(TTXVN)