Khi cán bộ mất liêm

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 09:11, 02/05/2016

8 bị cáo trong vụ án hình sự "đưa hối lộ, nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì có tới một nửa là cán bộ quản lý thị trường.


Sau nhiều lần bị hoãn, giữa tháng 4, Tòa án Nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử 8 bị cáo trong vụ án hình sự "đưa hối lộ, nhận hối lộ" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gây xôn xao dư luận từ nhiều năm trước. Trong số bị cáo có 4 người nguyên là cán bộ quản lý thị trường.



Các bị cáo tại phiên tòa xét xử


Sự việc bắt đầu từ vụ hợp thức hóa 85 xe mô tô phân khối lớn trên địa bàn tỉnh những năm 2007-2008. Huỳnh Văn Xuân (sinh năm 1970 ở 47/13A đường Lạc Long Quân nối dài, phường 1, quận 11, TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Công Sài Gòn có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, chuyên mua bán, ký gửi các loại xe mô tô phân khối lớn. Trong khoảng thời gian từ năm 2007-2008, công ty của Xuân có 85 xe mô tô phân khối lớn do nước ngoài sản xuất nhưng không có giấy tờ, cần hợp thức hóa. Biết Vũ Thị Huệ (sinh năm 1967 ở 780 Lê Thanh Nghị, phường Hải Tân, TP Hải Dương) quen với nhiều cán bộ quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương nên Xuân nhờ Huệ móc nối với Trần Quốc Huy (sinh năm 1964, hộ khẩu thường trú ở 266 Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương), khi ấy là Đội trưởng Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT tỉnh để hợp thức hóa giấy tờ cho số xe này. Huệ, Xuân và Huy đã cùng lên kế hoạch để Đội QLTT số 3 bắt giữ, tịch thu xe máy không có giấy tờ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tổ chức bán đấu giá rồi xin mua lại những xe này. Với thủ đoạn dùng xe cũ nát làm tang vật bắt giữ thay cho 85 xe mô tô khủng trên, Xuân gửi 10 xe mô tô cũ nát từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Dương để Huệ chia làm nhiều đợt cho Huy tổ chức bắt giữ. Ngày 3-7-2007, 3 xe đầu tiên được hợp thức bằng cách này. Sau đó, từ ngày 31-7-2007 đến 13-4-2008, Huy và Huệ đã dàn dựng tiếp 9 vụ bắt giữ cho 82 xe mô tô còn lại, lập hồ sơ chia làm 32 vụ nhỏ và gộp thành 8 bộ hồ sơ để Đội QLTT số 3 bàn giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ninh Giang làm thủ tục định giá và bán đấu giá tài sản thanh lý cho Xuân.

Trước mỗi lần tổ chức bắt giữ xe, Xuân đều gửi các thông tin về số khung, số máy, dung tích máy, nhãn hiệu, nơi sản xuất của các xe phân khối lớn cần hợp thức để Huệ chuyển cho Huy. Huệ liên lạc trước với Huy để thống nhất ngày, giờ, địa điểm bắt giữ. Sau đó, Huệ đem các xe máy cũ nát mà Xuân gửi ra đến địa điểm ấn định để Huy "tổ chức" cho Đội QLTT số 3 ra bắt, lập hồ sơ. Sau mỗi cuộc như vậy, Huy dùng uy tín của mình để nhờ cấp dưới là Phạm Đình Quang (sinh năm 1973 ở 370 Nguyễn Chế Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, nguyên là Đội phó Đội QLTT số 3), Phạm Đăng Duyên (sinh năm 1980 ở thôn Cẩm Đới, xã Thống Nhất, Gia Lộc, nguyên là Đội phó Đội QLTT số 5), Ngô Văn Tới (sinh năm 1963 ở đội 4, xã Nhật Tân, Gia Lộc, nguyên là Đội phó Đội QLTT số 2, đều thuộc Chi cục QLTT tỉnh) giúp mình hoàn thiện giấy tờ kiểm tra, xử lý hợp pháp. Giá trị của mỗi xe ghi trong biên bản thu giữ chỉ từ 2,85 - 4,55 triệu đồng, trong khi giá trị thực tế của mỗi chiếc xe từ 48 đến trên 600 triệu đồng. Để hợp thức hóa cho số xe trên, Xuân phải chuyển cho Huệ hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó Huệ đưa cho Huy 360 triệu đồng. Do phải nhờ đồng nghiệp hỗ trợ nên Huy đã "lại quả" cho Quang 22 triệu đồng, Duyên 20 triệu đồng và Tới 6 triệu đồng. Hai đối tượng nữa cùng giúp sức cho Huy trong vụ án này là Bùi Mạnh Hùng (sinh năm 1974 ở khu 3, thị trấn Ninh Giang, nguyên là Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ninh Giang) và Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1969 ở thôn Vé, xã Đồng Tâm, Ninh Giang, nguyên là Đội trưởng Đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Chi cục Thuế huyện Ninh Giang). Hùng vì lợi ích cục bộ của địa phương đã thực hiện việc định giá và đấu giá xe trái với quy định (không kiểm tra tài sản và tổ chức đấu giá theo quy định mà chỉ làm việc trên giấy tờ). Thắng được giao nhiệm vụ tăng cường phối hợp với Đội QLTT số 3 tuần tra, kiểm soát, bắt giữ hàng hóa vi phạm trên địa bàn và được Chi cục Thuế huyện Ninh Giang giao biên lai cho để viết thu tiền xử phạt. Tuy nhiên, Thắng không quản lý biên lai mà đưa cho Đội QLTT số 3 nhờ họ viết và thu hộ tiền phạt. Ngoài ra, Thắng còn ký khống vào biên bản bắt giữ xe mô tô với tư cách là lực lượng phối hợp. Sau khi hợp thức hóa, 85 xe mô tô phân khối lớn đã được Xuân bán cho khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Việc làm của các bị cáo đã làm ngân sách nhà nước thất thu hơn 2,3 tỷ đồng. Mãi đến cuối tháng 8-2013, vụ việc mới được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện.
Tại phiên xét xử, Huy quanh co, không thành khẩn khai nhận tội mà chỉ thừa nhận đã nhận hối lộ 120 triệu đồng. Các bị cáo khác đều thành khẩn khai nhận tội và cho rằng bản thân phạm tội là do thiếu hiểu biết pháp luật. Quang, Tới và Duyên cho rằng bản thân các bị cáo không biết việc làm sai trái của Huy. Bị cáo Duyên phân trần: "Tôi cũng như Quang và Tới không hề biết uẩn khúc trong việc làm của Huy. Chỉ vì sợ và tin sếp nên khi Huy bảo ký vào các biên bản được lập sẵn là tôi ký dù không biết nội dung cụ thể ra sao. Huy cũng một vài lần gọi tôi vào phòng để đưa tiền, mỗi lần vài triệu. Huy nói là đội QLTT hỗ trợ gia đình tôi làm nhà, hỗ trợ tiền đi lại nên tôi mới nhận. Tôi không nghĩ sếp của mình lại giết chết anh em như vậy".

Phần lớn bị cáo trong vụ án này đều là đảng viên, cán bộ có chức, có quyền hạn nhất định trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, do không vượt qua được những cám dỗ vật chất tầm thường nên đã phạm tội nghiêm trọng, làm giảm uy tín của Nhà nước với nhân dân. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Huy 14 năm tù về tội nhận hối lộ. Xuân 12 năm tù, Huệ 10 năm tù cùng về tội đưa hối lộ. Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 5 năm 3 tháng tù đến 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là bài học đắt giá cho những kẻ vụ lợi cá nhân, vì lợi ích cục bộ của địa phương mà coi thường luật pháp.

LAN NGUYỄN