Nan giải như nước thải nông thôn

Môi trường - Ngày đăng : 10:06, 02/05/2016

Do chưa có hệ thống xử lý nên hầu hết nước thải sinh hoạt, sản xuất ở khu vực nông thôn được người dân xả trực tiếp ra kênh mương, ao hồ...




Nước ao đen đặc, bốc mùi hôi thối ngày đêm hành hạ người dân thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc)

Tự hại mình

Hiện nay, nước thải sinh hoạt (NTSH) ở khu vực nông thôn đều chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường. Những con kênh, rãnh nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ao hồ ken đặc bởi bèo tây cùng cỏ dại là hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều làng quê trong tỉnh. Tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn ở những khu vực có hoạt động chăn nuôi, làm nghề chế biến nông sản, thực phẩm phát triển mạnh.

Vào những ngày nắng nóng, bất kỳ ai đi trên đường thôn Tống Xá, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) đều nhăn mặt khó chịu bởi mùi hôi thối đặc trưng của chất thải chăn nuôi, NTSH trộn lẫn với nhau bốc lên từ những rãnh nước đen ngòm, dày đặc ruồi, muỗi. Nguyên nhân là toàn bộ NTSH, nước thải từ nghề làm bún, mổ lợn của các hộ đều xả thẳng ra hệ thống cống, rãnh của thôn. Nước thải theo cống chảy ra hệ thống kênh tưới tiêu của thôn còn đổ thẳng ra sông Kinh Thầy, ngay sát cửa hút của trạm cấp nước sạch.

Cũng tại xã Thái Thịnh, nước của con mương ngăn cách giữa thôn Sơn Khê và thôn Tống Xá cũng đen đặc và nổi đầy phân lợn. Theo anh Trần Văn Vương, nhà ở khu chuyển đổi thuộc cánh đồng Điềm Mốc (thôn Sơn Khê), cứ sáng sớm hoặc chiều tối, khi người chăn nuôi dọn, rửa chuồng trại là phân lợn lại được xả xuống con mương này. Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi ở khu chuyển đổi đã xây được hầm biogas, nhưng do dung tích hầm nhỏ nên một lượng lớn chất thải chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra môi trường. Ngoài chất thải chăn nuôi, con mương này còn chứa toàn bộ NTSH của các thôn Tống Buồng, Tống Xá, Sơn Khê khiến bùn dưới mương đặc quánh, nước đen ngòm, sủi bọt bốc mùi vô cùng khó chịu. "Là người nuôi lợn quanh năm nhưng tôi cũng không thể chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ kênh. Năm ngoái, mấy sào mủa của gia đình cũng bị chết gần hết vì tưới nước của con mương này", anh Vương cho biết.

Kênh mương, ao hồ của thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) cũng đã ở trong tình trạng báo động vì ô nhiễm môi trường (ONMT). NTSH của cả thôn đổ thẳng ra kênh tưới của xã hoặc chứa dồn vào một số ao nhỏ trong làng. Nước trong ao đen đặc, đầy bùn đất, bèo tây và cỏ dại. Những đoạn rãnh thoát nước không có nắp đậy bốc mùi hôi thối vô cùng khó chịu. Theo một số người dân trong thôn, tình trạng ONMT trong thôn diễn ra từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để. NTSH cùng với chất thải trong sản xuất bún vẫn được xả lẫn với nhau và đổ dồn ra một số ao hồ, mương máng chung quanh. Bằng mắt thường cũng có thể thấy được tình trạng ô nhiễm đã ở mức báo động. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, sức khỏe người dân trong thôn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ô nhiễm trên diện rộng

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, do ảnh hưởng từ các hoạt động sinh hoạt của người dân, chăn nuôi, nuôi thủy sản, sản xuất làng nghề nên phần lớn nguồn nước mặt tại khu vực nông thôn bị ô nhiễm. Các kết quả quan trắc môi trường nước ao hồ tại khu vực nông thôn trong những năm vừa qua cho thấy: chất lượng nước tại nhiều ao hồ bị ô nhiễm nặng bởi COD, BOD5, NH4+, NO2-, PO43-, Coliform. Trong đó, có chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần như: COD vượt từ 1 - 9,5 lần, BOD5 vượt từ 1 - 8,7 lần, NH4+ vượt từ 1 - 220 lần, NO2- vượt từ 1 - 11 lần... Điển hình là các ao ở các làng nghề chế biến thực phẩm như rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng), bánh đa Hội Yên (Thanh Miện), làng nghề bún Tam Lương, Đông Cận (Gia Lộc), làng nghề bún, bánh Tống Buồng (Kinh Môn)...

Không chỉ nước ao hồ, hệ thống kênh mương tiếp nhận NTSH cũng bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản. Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường nước kênh mương chảy qua các khu dân cư cho thấy mức độ ô nhiễm cũng khá cao như: COD vượt từ 1,01 - 8 lần, BOD5 vượt từ 1,01 - 10,53 lần, NH4+ vượt từ 1,01 - 42 lần, NO2- vượt từ 1,01 - 29,5 lần, PO43- vượt từ 1,01 - 9,53 lần... Điển hình là các kênh Thạch Khôi, kênh đào Tứ Thông và các kênh thoát nước của các thôn Lang Khê, xã An Lâm và thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách); thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (Kim Thành)... Nguyên nhân gây ONMT là do ao hồ tiếp nhận NTSH của các khu dân cư và làng nghề mà chủ yếu là làng nghề chế biến thực phẩm như nấu rượu, làm bún, bánh đa...

NTSH chưa xử lý chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe vì nó chứa một lượng lớn các vi sinh vật gây bệnh. Lượng nước thải này đổ trực tiếp xuống các ao, kênh mương, trong khi những khu vực này ít hoặc không được lưu thông nên khả năng tự xử lý chất thải kém. Những vi sinh vật nguy hại tồn lưu trong ao hồ là nguồn lây bệnh cho chính người dân sống chung quanh.

Hiện nay, vấn đề xử lý NTSH, sản xuất ở nông thôn trước khi xả ra môi trường dường như chưa được các cấp, ngành, địa phương và hộ dân quan tâm. Khi chưa có biện pháp xử lý triệt để, việc nâng cao ý thức của người dân trong kiểm soát chất lượng NTSH, chất thải trong chăn nuôi trước khi xả ra môi trường nhằm giảm thiểu các yếu tố gây ONMT là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, chính quyền và cơ quan chuyên môn cần xây dựng một mô hình xử lý NTSH phù hợp với thực tiễn và quy mô từng thôn nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân nông thôn.

VỊ THỦY