Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng trên lúa xuân cuối vụ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:41, 11/05/2016
Từ lúc lúa xuân cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng năm nay luôn có nắng mưa xen kẽ và ấm nóng. Đây là điều kiện thích hợp để các loài rầy hại lúa phát sinh và gây hại mạnh.
Nông dân phun thuốc trừ rầy cho lúa xuân
Mặt khác, lúa xuân năm nay cấy muộn hơn do thời tiết đầu vụ giá rét kéo dài nên rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ phát sinh nhiều ở lứa 2 (cuối tháng 4 đầu tháng 5) và cao điểm sẽ là lứa 3 (cuối tháng 5 đầu tháng 6). Lúc này lúa xuân đang trong giai đoạn ngậm sữa đến chắc xanh, là giai đoạn mẫn cảm nhất với các loài rầy.
Theo Viện Bảo vệ thực vật, cuối vụ lúa xuân năm nay mật độ rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Do đó, nông dân cần lưu ý và thực hiện tốt một số biện pháp sau:
+ Thăm đồng kiểm tra thường xuyên để phát hiện ổ rầy: Rầy nâu và rầy lưng trắng có đặc tính gây hại theo từng ổ và thường tập trung ở giữa ruộng nhiều hơn. Do đó, nông dân cần lội ra giữa ruộng, vạch gốc lúa để kiểm tra kỹ càng, nên lưu ý với các giống lúa nhiễm rầy như nếp các loại, Q5, lúa lai… Các đám lúa có ổ rầy gây hại sẽ phát triển kém, có triệu chứng vàng dần đến lụi, do bị rầy chích hút dưới gốc cây. Những chỗ lúa quá rậm rạp um tùm sẽ có nhiều rầy lưu trú hơn các chỗ khác.
+ Sử dụng thuốc khi cần thiết và chọn thuốc thích hợp: Rầy nâu và rầy lưng trắng có tính kháng thuốc rất cao, nhất là rầy nâu. Vì thế muốn trừ rầy hiệu quả và ít tốn kém, nông dân cần phun thuốc khi đến ngưỡng gây hại từ 2.000 con/m2 trở lên. Không nên phun thuốc trong ruộng khi không có rầy hoặc rầy xuất hiện với mật độ thưa thớt. Cần chọn lựa các loại thuốc đặc trị để diệt trừ rầy hiệu quả như Chess, Newfatoc, Chatot, Butyl, Anproud, Bassan, Pennaty, Esin… Sau khi phun thuốc 3-5 ngày cần kiểm tra lại ruộng nếu mật độ rầy còn cao phải phun nhắc lại lần 2.
+ Thực hiện tốt các kỹ thuật phun thuốc: Vạch gốc lúa theo lối, dùng vòi thuốc phun trực tiếp vào các gốc có rầy.
Để hạn chế lượng thuốc khi phun và trừ rầy có kết quả cao người phun cần tìm ổ rầy mà diệt. Không nên phun thuốc tràn lan cả ruộng sẽ rất tốn kém và lãng phí.
Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi nếu bị rầy gây hại mạnh cần sử dụng các loại thuốc sinh học như Oshin, Esin... để phun sẽ an toàn cho lúa gạo sau này.
Những diện tích lúa đã chín được khoảng 80% có nhiều rầy nông dân nên chọn biện pháp gặt “chạy rầy” thay bằng phun thuốc. Trước khi phun thuốc nên đưa nước vào ruộng ở mức 3-4 cm để tiêu diệt được nhiều rầy.
KS. TRẦN THỊ LIÊN
(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)