Cảnh sát giao thông khênh cả người lẫn xe, đúng hay sai?
Phản hồi - Ngày đăng : 10:32, 13/05/2016
Có 4 - 5 chiến sĩ CSGT đã khênh cả người lẫn phương tiện vi phạm lên xe chuyên dụng đưa về trụ sở. Xin hỏi việc xử lý như vậy có đúng không?
Hỏi: Trên một số trang tin và mạng xã hội vừa đăng tải clip ghi lại hình ảnh một thanh niên được cho là không đội mũ bảo hiểm (MBH). Khi cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu xuống xe để giải quyết thì người này nhất quyết không xuống, có những lời lẽ thách thức CSGT. Sau đó, có 4 - 5 chiến sĩ CSGT đã khênh cả người lẫn phương tiện vi phạm lên xe chuyên dụng đưa về trụ sở. Xin hỏi việc xử lý như vậy có đúng không?
TRẦN QUỲNH MAI (Tứ Kỳ)
Trả lời: Điều 87, Luật Giao thông đường bộ quy định khi cán bộ, chiến sĩ CSGT tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông nếu phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông thì có quyền dừng phương tiện để kiểm tra.
Đối với trường hợp cụ thể như bạn hỏi, khi lực lượng CSGT đã yêu cầu xuống xe xuất trình giấy tờ nhưng người điều khiển phương tiện vi phạm không chấp hành, cố tình ngồi trên xe không xuống thì ngoài lỗi không đội MBH khi tham gia giao thông, người này còn vi phạm thêm lỗi “Cản trở việc kiểm tra của người thi hành công vụ”. Riêng chỉ với hành vi cản trở người thi hành công vụ đã bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Theo quy trình xử lý, lực lượng CSGT sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm, đồng thời lấy chữ ký của những người làm chứng. Nếu người vi phạm cố tình không chấp hành dù đã được giải thích, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ có thể gọi lực lượng cảnh sát 113 đến hỗ trợ, cưỡng chế người và phương tiện vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để làm rõ.
Đối với tình huống trên, lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ không nhất thiết phải khênh cả người lẫn phương tiện vi phạm lên xe chuyên dụng.