Nhớ mãi lần được gặp Bác

Tin tức - Ngày đăng : 21:59, 19/05/2016

Những kỷ niệm của 55 năm về trước khi vinh dự được gặp Bác Hồ lại ùa về trong ký ức của bà Nguyễn Thị Hồng (76 tuổi ở phường Hải Tân, TP Hải Dương).




Bà Hồng thường kể những câu chuyện về Bác để con cháu học tập và noi theo

Thời khắc không thể nào quên

Sinh ra ở vùng trung du Phú Thọ nhưng cơ duyên lại đưa đẩy bà Hồng đến làm việc tại Trung tâm Nhân giống của Ty Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi, đưa ra những ý tưởng sáng tạo nên bà Hồng luôn đạt thành tích cao trong sản xuất. Bà đã được chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu của trung tâm đi dự Hội nghị hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất do Tỉnh đoàn Tuyên Quang tổ chức vào  tháng 3-1961. Sau khi dự hội nghị, đêm 19-3, bà Hồng và các đại biểu khác nhận được lệnh đi công tác đột xuất. Mọi người trong đoàn đều rất lo lắng vì thông tin đi đến đâu, làm nhiệm vụ gì. Chuyến đi lại được bắt đầu lúc nửa đêm càng khiến mọi người lo lắng. Khi đến địa điểm cách cây đa Tân Trào khoảng 200 m, mọi người mới nhận được thông tin sẽ được đón Bác Hồ tại đây. “Khỏi phải nói cảm xúc sung sướng của mọi người khi đó như thế nào. Trong tôi là những cảm xúc lẫn lộn, vừa hạnh phúc, hồi hộp lại đan xen sự lo lắng. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện kể về Bác nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến việc được gặp Người”, bà Hồng bồi hồi nhớ lại.

Khoảng 3-4 giờ sáng, Bác và các đại biểu đến nơi. Bà Hồng được phân công nhiệm vụ mời Bác dùng hoa quả. Lúc đó, trống ngực đập thình thịch, bà vừa mừng vừa lo vì không biết gặp Bác sẽ nói những điều gì. Bà bưng khay hoa quả vào phòng nơi Bác ngồi rồi nói “Thưa Bác!” sau đó bà lui ra. Mới đi chừng 2-3 bước bà nghe thấy tiếng Bác trầm ấm vang lên: “Cháu đứng lại!” rồi sau đó vẫn chất giọng hiền từ ấy Bác hỏi: “Năm nay cháu bao nhiêu tuổi? Công việc của cháu và thành phần?”. Bà Hồng khẽ trả lời: “Thưa Bác! Năm nay cháu 22 tuổi, cháu làm cán bộ của Ty Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang, thành phần bần nông lớp trên ạ”. Với bà Hồng, chưa có giây phút nào hạnh phúc hơn thế. Bà ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến thần thái của Bác. Điều bà ấn tượng nhất chính là đôi mắt sáng như sao của Người, đôi mắt ấy vừa hiền từ vừa cương nghị. Bác gầy vì lo cho nước, cho dân. Dù là lãnh tụ nhưng Bác lại rất giản dị, gần gũi với đồng bào.

Khi trời tang tảng sáng cũng là lúc các đoàn của bộ đội, công an… được tập hợp ở sân vận động tỉnh Tuyên Quang. Bác bước ra sân với bộ quần áo màu trắng, đi dép cao su và đội một chiếc mũ. Đồng bào thấy Bác vỗ tay reo hò không ngớt. Khi Bác tiến đến bục, không ai bảo ai tất cả đều im phăng phắc, lời Bác vang lên khái quát về tình hình đất nước, ân cần dặn dò các đồng chí cán bộ phải làm thế nào để dân không còn nghèo đói. Ai nấy đều lắng nghe như nuốt trọn từng lời Bác dạy. Bác chỉ nói chuyện khoảng 20 phút rồi phải lên đường rời Tuyên Quang. Mọi người tiếc nuối nhìn theo chiếc xe của Bác cho đến khi khuất hẳn.

Hình ảnh Bác nằm trọn trong tim

Sau cuộc gặp đặc biệt ấy, bà Hồng trở về với công việc thường ngày. Như được tiếp thêm động lực, bà luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Một ngày tháng 9-1969, khi đang trên đường công tác, bà Hồng nhận được tin Bác mất. Lúc đó, bà cảm thấy hụt hẫng, ruột gan thắt lại như mất đi người thân. Nước mắt bà cứ tự nhiên ứa ra, rồi bên tai bà vẫn như văng vẳng đâu đây giọng nói trầm ấm, hiền từ: “Năm nay cháu bao nhiêu tuổi? Công việc của cháu và thành phần?”.

Sau này bà Hồng xây dựng gia đình với một chàng trai Hải Dương. Năm 1970, bà Hồng phải quyết định giữa việc tiếp tục gắn bó với công việc suốt bao năm qua hay về quê chồng để chăm sóc mẹ chồng già yếu. Cuối cùng bà chọn về mảnh đất Nhật Tân (Gia Lộc), quê của chồng để làm tròn chữ hiếu. Mẹ chồng bà ngoài 80 tuổi, đứa con thứ ba của bà mới được vài tháng tuổi, bên cạnh đó bà còn nhận chăm sóc con của người em gái. Một mình bà xoay xở đủ việc, từ đồng áng cho đến chăm sóc gia đình để chồng yên tâm ở lại Tuyên Quang công tác thêm 10 năm nữa rồi mới về Hải Dương. Bà Hồng tích cực tham gia lao động sản xuất. Có thời gian bà làm Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã. Công việc bận rộn, có nhiều khi bát cơm vừa bưng lên miệng chưa kịp ăn lại có người gọi bà đi. Có những đêm khuya có tin báo, bà không quản ngại lập tức đi kiểm tra tình hình của vật nuôi. Nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình của bà mà hiệu quả hoạt động của Ban Chăn nuôi thú y xã Nhật Tân được nâng lên rõ rệt. Bà Hồng chia sẻ: “Vốn dĩ gắn bó với công việc nhân giống ở Ty Nông nghiệp nên tôi không thành thạo những công việc đồng áng như cày bừa. Nhưng nhớ tới lời của Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền”, tôi như được tiếp thêm  nghị lực”. Từ chỗ không biết cày bừa, bà Hồng đã cày những luống thẳng tắp chẳng kém gì nam giới. Nhiều lúc đi làm, bà vừa vác cày, vác bừa, đeo gầu sòng và còn dong trâu. Bên cạnh lao động sản xuất, bà Hồng còn tham gia một số đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ của xã. Sự phấn đấu không ngừng nghỉ được ghi nhận khi bà đã được tặng Huy hiệu “Ba đảm đang” dành cho những phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đến năm 62 tuổi bà mới nghỉ tham gia các hoạt động đoàn thể.

Những lời dạy của Bác đã trở thành động lực để bà Hồng vượt qua những khó khăn, vất vả. Đến bây giờ, nhiều khi bất chợt thấy hình ảnh Người qua những thước phim, bà lại rơi nước mắt vì xúc động. Những câu chuyện giản dị, tấm gương ngời sáng về đạo đức, phong cách của Người trở thành những câu chuyện mà bà Hồng vẫn thường kể cho con cháu để học tập và noi theo.

HUYỀN TRANG