Đừng bỏ qua quyền lợi

Tin tức - Ngày đăng : 02:31, 22/05/2016

5 năm mới có một lần bầu cử, là cơ hội để cử tri được thể hiện chính kiến của mình, tự mình bầu ra người đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của mình.


Thấy con dâu, con trai hôm nào cũng đi làm tới tối mịt mới về, vừa tới nhà lại tất bật chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, tắm rửa cho các con, ăn uống xong lại hò hét lũ trẻ ngồi vào bàn học để ôn thi học kỳ, ông Hải nhắc khéo:

- Biết là anh chị đều bận nhưng cũng phải dành thời gian lên nhà văn hóa xem danh sách, tiểu sử ứng cử viên. Ngày bầu cử đến nơi rồi mà tôi thấy cả hai anh chị chả ai thèm ngó ngàng gì.

- Ôi bố ơi, bọn con còn phải đi làm ăn, chả có thời gian tìm hiểu đâu. Hôm ấy cả nhà ta chỉ cần mình bố đại diện là được. Con thấy ối nhà như vậy mà - anh Hoàng đáp lời.

- Anh đừng có mà nói vớ vẩn. Bầu cử là quyền lợi, cũng là trách nhiệm công dân đấy. Nếu ai cũng nghĩ như các anh các chị thì thế nào...

Lúc này ông Vịnh hàng xóm vừa sang chơi, chứng kiến câu chuyện của bố con ông Hải, ông Vịnh góp lời:

- Ông đừng nóng, cứ bình tĩnh nói cho các cháu nó hiểu. Cánh trẻ bây giờ nhiều đứa như vậy, thường thờ ơ với đời sống chính trị của đất nước chứ chả riêng gì cháu Hoàng đâu.

Nói rồi ông Vịnh quay sang anh Hoàng giải thích:

- Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, là cơ quan đại diện cao nhất cho quyền lợi của nhân dân. 5 năm mới có một lần bầu cử, là cơ hội để cử tri được thể hiện chính kiến của mình, tự mình bầu ra người đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của mình. Ngay đến cả những người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng vẫn được tham gia bầu cử. Ở những nơi có cử tri là người già yếu, khuyết tật không thể đến địa điểm bỏ phiếu được, tổ bầu cử còn phải mang hòm phiếu đến tận nơi cho họ. Các cháu còn mạnh chân khỏe tay, bận gì thì bận cũng nên tự mình đi bầu cháu ạ. Chỉ mất ít phút chứ có lâu la gì.

- Vâng, bác nói thế thì cháu xin nghe ạ. Đúng là từ trước tới giờ vợ chồng cháu mải ăn mải làm nên cứ nghĩ đơn giản. Những lần trước cháu toàn nhờ mẹ cháu bỏ phiếu hộ.

- Ông thấy đấy, ai đời hơn 30 tuổi đầu mà đến giờ nó vẫn chưa một lần thực hiện quyền công dân, chưa từng biết bầu cử là gì. Bà nhà tôi cũng thật là... Nếu lần này tôi chưa về hưu, không trực tiếp đôn đốc chắc chúng vẫn đâu đóng đấy ông ạ - ông Hải thở dài.

- Cũng một phần là do công tác tuyên truyền về bầu cử những kỳ trước chưa triệt để. Năm nay tôi thấy ở đâu cũng rốt ráo lắm. Cái Minh nhà tôi làm trong khu công nghiệp, hôm trước Liên đoàn Lao động huyện về tận nơi tổ chức hẳn một buổi tuyên truyền về bầu cử đấy.

- Chả biết chỗ Minh thế nào chứ cháu thì chưa biết làm sao để về bầu cử kịp đây ạ. Vì hôm ấy cháu phải làm cả ngày - chị Thanh, con dâu ông Hải nói.

- Cháu yên tâm. Nghe nói Ban Quản lý các khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức gặp gỡ tuyên truyền cho giám đốc các doanh nghiệp để nếu công nhân phải làm ca không nghỉ được thì phải tạo điều kiện cho công nhân làm đổi ca trong ngày 22-5 này để thực hiện quyền bầu cử của mình.

-Thế thì may rồi.

- Hôm này bầu cử bận gì thì bận cũng lo sắp xếp thời gian mà đi bỏ phiếu cho sớm, đừng để vì mình mà tổ bầu cử phải đợi dài cổ đấy nhé.

- Vâng, nhất định là như thế ạ.

KIM THANH