Bác Hồ với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Tin tức - Ngày đăng : 05:00, 22/05/2016

Trong sử sách và ký ức của người dân vẫn còn mãi ghi dấu ấn của ngày bầu Quốc hội khóa đầu tiên và hình ảnh Bác Hồ trong sự kiện lịch sử đó.



Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu HĐND TP Hà Nội và khu phố Ba Đình ngày 25-4-1965

Cách đây hơn 70 năm, một sự kiện chưa từng có trên dải đất hình chữ S, hàng triệu cử tri nước Việt Nam độc lập lần đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất: Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến nay, Quốc hội nước ta đã trải qua 13 khóa. Nhưng trong sử sách và ký ức của người dân vẫn còn mãi ghi dấu ấn của ngày bầu Quốc hội khóa đầu tiên và hình ảnh Bác Hồ trong sự kiện lịch sử đó.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài. Chỉ sau một ngày bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “nước Việt Nam đã trở thành một nước độc lập”, từ ngày 3-9-1945, Người đã “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Đó là một chủ trương vô cùng quan trọng, vì nước được độc lập thì dân phải có quyền mà quyền lực ấy phải được thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Song, bối cảnh lịch sử  dân tộc lúc đó muôn vàn khó khăn. Miền Bắc vừa trải qua nạn đói năm Ất Dậu do hậu quả từ chế độ thực dân phong kiến làm hai triệu người chết đói. Ở miền Nam, bọn phản động câu kết với giặc ngoại xâm quấy phá, gây hấn nên quân và dân ta vừa phải củng cố chính quyền, vừa phải chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được. Nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và  Hồ Chủ tịch, cuộc Tổng tuyển cử 6-1-1946 vẫn  được tổ chức trên cả nước. Trước đó một ngày (5-6-1946), trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, Người viết: "Ngày mai dân ta tỏ rõ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu để chống quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.

Ngay từ khóa Quốc hội đầu tiên ấy, Bác Hồ đã rất quan tâm đến việc lựa chọn người ra ứng cử. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Người nói: “Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu”. Cũng tại đây, các tầng lớp cử tri đề nghị Bác được “miễn ra ứng cử”. Nhưng Người đã cảm ơn và nói: “Tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khắc cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”.

Với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên nên có nhiều người không khỏi băn khoăn vì tình hình dân trí thời đó còn thấp do chính sách nô dịch của thực dân và phong kiến dẫn đến hơn 90% số dân mù chữ. Nhưng Bác lại có một niềm tin tuyệt đối vào nhân dân và khẳng định: “Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công!”

Đúng ngày 6-1-1946, như hàng triệu cử tri cả nước, Người đến thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi làm nghĩa vụ công dân.

Như lời khẳng định của Bác Hồ, Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thành công rực rỡ! Vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn và âm mưu phá hoại của các thế lực chống phá, có nơi phải đổ máu, nhưng cử tri trong cả nước đi bầu cử với tỷ lệ rất cao. Bác được 98,4% số phiếu bầu, chứng tỏ lòng tin tuyệt đối của nhân dân vào lãnh tụ.

Tháng 3-1946, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, Người được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Thay mặt các thành viên mới của Chính phủ, Đoàn cố vấn, Ủy ban Kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một loạt sắc lệnh để kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với chức năng và nhiệm vụ mới, đồng thời đề ra những nguyên tắc cơ bản về hoạt động của chính quyền nhân dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Quốc hội từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy đã ba lần đi bầu cử từ Quốc hội khóa I (1946-1960), khóa II (1960-1964) đến khóa III (1964-1971). Nhưng những dấu ấn về cuộc Tổng tuyển cử đầu  tiên cùng những lời dạy bảo của Người về Quốc hội và Nhà nước pháp quyền dân chủ “của dân, do dân, vì dân” thì còn sống mãi. Và Quốc hội ta đã làm tròn sứ mệnh của lịch sử và nhân dân đã giao cho rất vẻ vang như một đôi câu đối Tết Bính Thân trên báo Hải Dương  nhân 70 năm Quốc hội: “Quốc hội tôn trọng Nhân dân, tròn bảy mươi Xuân, nền dân chủ dựng xây, tạo thành lũy thép, vượt qua bao bão táp… Lũy thép mỗi Xuân thêm vững/ Cử tri tin yêu Đại biểu, qua mấy chục Tết, khối liên minh củng cố, xây nên thành đồng, trải biết mấy phong ba... Thành đồng từng Tết càng bền!”.

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG