Suy nghĩ và làm theo Bác khi đi bầu cử

Tin tức - Ngày đăng : 06:23, 22/05/2016

Bác Hồ là biểu tượng toàn vẹn sáng ngời của đạo đức cách mạng, mang phong thái của các bậc hiền triết phương Đông.



Liên đoàn Lao động huyện Nam Sách tổ chức Liên hoan văn nghệ chào mừng cuộc bầu cử

Bác là hình ảnh sống động của một lãnh tụ suốt đời cống hiến cho dân, vì dân và do dân. Không lúc nào Bác tự cho phép mình đứng trên quyền lợi của nhân dân và đòi hỏi cho mình bất cứ một ngoại lệ nào có tính chất đặc quyền, đặc lợi.  Chỉ  xét trong phạm vi của công việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, chúng ta cũng có thể thấy được một cách rõ ràng những phẩm chất cao quý của Người.

Với tư cách là một cử tri, Bác Hồ có dịp tham gia ba lần bầu cử đại biểu Quốc hội: Khóa I (1946 -1960), khóa II (1960 - 1964), khóa III (1964 - 1971).  Dù ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí mọi người về tinh thần và ý thức trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.

Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946), thay mặt các ứng cử viên Bác nói: "Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì  xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta mới giành được độc lập. Ta phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm lá phiếu này... Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu".

Trong lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II (ngày 8-5-1960), trò chuyện thân mật với cử tri Bác nói: "Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào, và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt. Nói thế này mới đúng. Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta... Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà". 

Trong lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III (ngày 26-4-1964), Bác hứa với cử tri: "Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà, phấn đấu cho: Nam Bắc sum họp một nhà. Cho người thấy mặt thì ta vui lòng".

Sự tôn trọng, dân chủ, nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc làm rất nhỏ của công tác bầu cử. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, cận vệ của Bác Hồ, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Công an) kể lại: Chiều 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử HĐND cấp huyện và xã. Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội đặt tại Nhà thuyền (Hồ Tây).

Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý cho mọi người dừng lại để Bác bầu cử trước. Thấy vậy, Người nói thẳng thắn: "Ai đến trước, bầu trước, Bác đến sau, Bác chờ". Sau đó, Người đã gương mẫu chờ đến lượt mình mới lấy lá phiếu và bầu cử. Nghĩa vụ là vậy, còn về "quyền" Bác cũng kiên quyết thực hiện đúng quyền của mình. Bác yêu cầu đưa lý lịch những người ứng cử để Người cân nhắc lựa chọn.

Một nhà báo định chụp ảnh Bác đang bầu cử, Người đã lấy tay che lá phiếu và ngăn lại: "Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!".

Theo lời kể của các đồng chí ở gần Bác, trước khi đi bầu cử Bác không cho ai “gợi ý” cả, Bác nói:
- Ấy, đừng có “lãnh đạo” Bác nhé. Đưa tiểu sử của những người ứng cử đây để Bác xem. Có chú nào dự buổi ứng cử viên trình bày ý kiến với cử tri, nói lại để Bác cân nhắc, Bác tự bầu.

Sau khi bỏ phiếu xong, ra về đến Phủ Chủ tịch, Bác xuống xe quay sang hỏi đồng chí Hoàng Hữu Kháng: “Chú có biết vì sao Nguyễn Hải Thần bị nhân dân khinh ghét không?”.

Năm 1945, mỗi lần Nguyễn Hải Thần đi đâu bọn lính bảo vệ ông ta ngồi trên xe tay lăm lăm súng lưỡi lê tuốt trần và còn đặt khẩu đại liên diễu võ giương oai, trông rất lố lăng.

Nghe Bác hỏi đồng chí Hoàng Hữu Kháng chột dạ và cảm thấy cuộc bảo vệ hôm đó có điều gì sơ suất khiến Bác không hài lòng. Sau này đồng chí bảo vệ tiếp cận ngồi cùng xe Bác nói lại, khi Bác đến nơi bỏ phiếu, nhìn thấy vắng cử tri, Bác không vui. Bác muốn như mọi người dân bình đẳng khi đi thực hiện quyền làm chủ của mình.

Khi nói chuyện về mục đích, ý nghĩa của việc bầu cử Quốc hội và HĐND, Bác nhấn mạnh: "Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và HĐND các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.  Chế độ tuyển cử của chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử. Việc tuyển cử tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân".

Đã nhiều năm nay, các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều nhiệt tình, tự giác thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Đây là lúc mọi cử tri trên những cương vị công tác khác nhau thể hiện ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhằm góp phần tổ chức thành công ngày hội bầu cử của toàn dân 22-5-2016, tô thắm thêm niềm tự hào của dân tộc về quyền tự chủ của mình.

PHẠM NGUYÊN THẢO