Điều trị bệnh đóng dấu lợn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:03, 27/05/2016

Bệnh đóng dấu lợn do một loại vi khuẩn gram dương gây nên, lợn mắc ở mọi lứa, nhưng nhiều nhất là lợn từ 3 tháng tuổi trở lên.



Lợn dưới 25 kg tiêm vaccine tụ dấu với liều 2ml/con

Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, thời tiết nóng, ngột ngạt, làm giảm sức đề kháng của lợn.

Triệu chứng: Khi lợn bị bệnh đóng dấu lợn có triệu chứng điển hình như sốt cao, bỏ ăn hoặc ăn ít, nằm một chỗ, phân táo, các khớp chân bị đau, nóng và sưng lên khiến cho lợn lười đi lại. Kết mạc mắt viêm đỏ ửng, chảy nước mắt, nước mũi. Sau 2 - 3 ngày trên da xuất hiện những dấu đỏ hình vuông, tứ giác, chữ nhật... đặc biệt ở da cổ, lưng, bụng, hông, lấy ngón tay sờ ấn vào dấu đỏ thấy nổi cộm lên và dấu mất đi, nếu bỏ tay ra thì dấu đỏ dần dần xuất hiện trở lại. Cuối kỳ bệnh, da bị hoại tử và bong ra, đầu tai của lợn có thể bị hoại tử.

Nếu lợn mắc bệnh ở thể quá cấp, lợn chết rất nhanh có khi chỉ trong vòng 2 - 3 giờ hoặc từ 12 - 24 giờ. Thân nhiệt đột ngột lên cao, mắt đỏ, điên cuồng, sau rúc đầu vào khe tường hoặc hộc máu ra rồi chết. Các dấu đỏ ở ngoài da chưa kịp xuất hiện, không thấy triệu chứng lâm sàng.

Phòng bệnh:  Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi sạch sẽ, thức ăn, nước uống đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh.

Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi để tiêu diệt mầm  bệnh.

Tiêm vaccine tụ dấu cho lợn khoẻ mạnh từ 2 tháng tuổi trở lên để phòng bệnh tụ huyết trùng và bệnh đóng dấu, lợn dưới 25 kg tiêm với liều 2 ml/con, lợn trên 25 kg tiêm với liều 3 ml/con, sau đó cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

 Điều trị:
Trên thực tế nhiều khi bệnh thể hiện không điển hình hoặc chỉ thể hiện điển hình ở giai đoạn cuối. Để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa việc bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác nên sử dụng kháng sinh điều trị được cả vi khuẩn gram dương và gram âm như Penicilin + Streptomyxin, Ampi - Kana, Pen - Kana... Tiêm bắp ngày 2 lần, tiêm liên tục 2 - 3 ngày.

Dùng thuốc hạ sốt: Analgil hoặc Analgil C.

Dùng thuốc trợ sức, trợ lực và thuốc bổ: Caphein, Sorbitol B12, B complex…

Ngoài ra cần chú ý cung cấp đầy đủ nước uống trong trường hợp lợn không thể đứng hoặc đi được.  


Bác sĩ thú y
HOÀNG THỊ NGUYỆT(Trạm Thú y huyện Nam Sách)