Lay lắt nghề nuôi ba ba thương phẩm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:33, 29/05/2016
Đã có một thời ba ba cho giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh, nhưng mấy năm gần đây nghề nuôi con đặc sản này lại rơi vào cảnh đìu hiu.
Hiện ba ba thương phẩm có giá 300.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi bị lỗ vốn
Hơn 10 năm trở về trước, nhiều hộ ở các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Gia Lộc rủ nhau nuôi ba ba. Vì ở thời điểm đó, giá ba ba cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều hộ không còn mặn mà nuôi như trước. Một số hộ cố gắng cầm cự nuôi tiếp với hy vọng bù lại số vốn đã bỏ ra, nhiều hộ thì thu hẹp hoặc bỏ trống diện tích nuôi vì không còn đủ vốn để tiếp tục đầu tư.
Nếu năm 2000, toàn xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) có hơn 700 hộ nuôi ba ba thì nay chỉ còn gần 400 hộ nuôi. Ông Nguyễn Văn Túy, một trong những hộ còn nuôi ba ba ở thôn Nghĩa Xá cho biết: "Năm 1991, tôi là người đầu tiên trong xã nuôi ba ba. Trước đây, gia đình luôn duy trì hơn 1.000 con ba ba nhưng hiện không dám mở rộng diện tích nuôi vì lo cảnh rớt giá lại xảy ra. Hầu hết gia đình tự sản xuất con giống để nuôi chứ không mua thêm ở bên ngoài nhằm giảm chi phí mua giống".
Theo ông Vũ Ngọc Hinh ở thôn Phụng Viện, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang), năm 1992 giá ba ba tăng mạnh, luôn dao động từ 700.000- 800.000 đồng/kg (đặc biệt là ba ba thương phẩm). Có thời điểm thương lái gọi điện đặt mua ba ba trước nhiều tháng nhưng người dân không có đủ để bán. Vì thấy lợi trước mắt nên nhiều hộ đã ồ ạt mở rộng diện tích nuôi. Có hộ còn tận dụng bể nước sinh hoạt chuyển hẳn sang nuôi ba ba. Tuy nhiên, do diện tích nuôi ba ba lớn nên người nuôi không kiểm soát được hết, ba ba thất thoát nhiều. Ngoài ra, do dịch bệnh, đặc biệt là bệnh vàng bụng, sâu mai xuất hiện nhiều khiến các hộ bị lỗ nặng. Sau đó, các hộ chuyển sang nuôi ba ba gai nhưng do giá giống đắt (từ 400.000 - 500.000 đồng/con 1-1,2 kg) nên ít hộ tái đàn trở lại. Ba ba gai có tỷ lệ sinh sản cao, chất lượng thịt hơn hẳn ba ba ta. Nhận thấy chi phí từ mua con giống quá cao trong khi vốn đầu tư hạn hẹp khiến nhiều hộ bỏ nuôi ba ba chuyển sang nuôi cá truyền thống hoặc làm thuê các nghề như thợ xây, thợ sơn…
Hộ ông Nguyễn Văn Hồng ở ấp Hà Tiên, xã Thái Dương (Bình Giang) có hơn 4 sào ao. Những năm trước, ông thường thả hơn 1.000 con ba ba/lứa, nhưng 3 năm nay gia đình ông chỉ còn nuôi từ 200- 300 con. Ông Hồng cho biết: "Khi mới nuôi ba ba, các thương lái đổ xô tìm đến mua, nhưng khi người dân nuôi nhiều, việc xuất bán khó khăn hơn. Nguyên nhân dẫn đến nghề này mai một chủ yếu do thiếu vốn. Nạn trộm cắp ba ba cũng diễn ra phổ biến, nhiều khi chúng tôi mất trắng. Ngoài ra, do thiếu kiến thức về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh nên ba ba bị mắc bệnh sâu mai, vàng bụng rồi chết".
Thiếu định hướng
Hiện nay, ba ba thương phẩm nuôi có giá 300.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh, người chăn nuôi bị lỗ vốn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ ba ba thịt chỉ trông chờ vào các nhà hàng, khách sạn. Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, do các hộ nuôi ồ ạt mà không chú trọng tới đầu ra nên người nuôi phải chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, do giá con giống bị một số hộ đẩy lên quá cao 150.000 - 300.000 đồng/con 1-1,2 kg dẫn đến giá ba ba thương phẩm tăng, gây khó khăn cho đầu ra.
Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: "Việc các hộ đưa con đặc sản vào nuôi rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi còn tự phát. Đầu ra của ba ba vẫn bị tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do thị trường tiêu thụ không ổn định. Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho ba ba còn hạn chế khiến việc nuôi con đặc sản này bị mai một". Mặc dù giá ba ba vẫn giữ ổn định (hơn tháng nay vẫn 300.000 đồng/kg) vì thị trường khan hàng nhưng người nuôi cần tỉnh táo, không nên nuôi ồ ạt để tránh bị thiệt đơn, thiệt kép.
Để nghề nuôi ba ba không rơi vào cảnh đìu hiu, người nuôi cần tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường. Nên áp dụng theo phương thức tự nhiên, không dùng thức ăn công nghiệp. Cơ quan chức năng cần định hướng sản xuất cũng như điều tiết thị trường. Trong đó phải đặc biệt chú ý đến hợp tác sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cơ quan chức năng cấp huyện cần tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi để nghề nuôi ba ba phát triển bền vững.
ÁI LIÊN