Chủ quan với bệnh điếc nghề nghiệp
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:11, 01/06/2016
Môi trường làm việc nhiều tiếng ồn khiến người lao động có nguy cơ bị điếc
Chưa quan tâm đúng mức
Hơn 10 năm nay, thính giác của anh Nguyễn Văn H. (35 tuổi) ở đường Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) bị giảm sút nghiêm trọng. Hằng ngày, anh thường xuyên tiếp xúc với những tiếng ồn phát ra từ máy cắt, máy dập khuôn, máy khoan… Anh H. cho biết: “Gia đình làm nghề cơ khí từ nhiều đời nay. Mặc dù biết rõ những tác động không tốt với sức khỏe nhưng vì mưu sinh chúng tôi vẫn phải làm. Do ảnh hưởng của tiếng ồn nên ông bà tôi đều phải mang máy trợ thính mới nghe được. Sợ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gia đình vừa chuyển ông bà và các cháu nhỏ sang một ngôi nhà khác”.
Đa số những người lao động mắc bệnh điếc đều biết rất rõ nguyên nhân nhưng vì cuộc sống, họ vẫn phó mặc, thậm chí bất chấp nguy hiểm. Anh Trần Văn Đ. (47 tuổi) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) làm nghề tháo dỡ nhà được 20 năm nay. Đội thợ phá dỡ nhà của anh có từ 20-30 lao động, cả nam và nữ ở nhiều lứa tuổi, bận nhất vào dịp từ tháng 4 đến hết tháng 12. Nhiều việc phải thường xuyên tiếp xúc với tiếng máy khoan, đục, máy cắt bê tông khiến một số lao động bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Có người đã phải nghỉ việc vì thính giác bị giảm sút và được bác sĩ cảnh báo có nguy cơ điếc. Anh Nguyễn Đức C. (33 tuổi) ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) phụ trách tổ khoan, đục bê tông trong đội phá dỡ nhà của anh Đ. được gần 10 năm nay cho biết: “Có một số anh em trong đội phải chuyển nghề vì sức khỏe, nhất là thính giác suy giảm. Ngay bản thân tôi hiện cũng gặp vấn đề về thính giác, phải nói to mới nghe được. Bác sĩ khuyên tôi nên thay đổi công việc khác cho phù hợp nhưng vì đã lớn tuổi, không biết tìm việc gì hơn”.
Từ khoảng 7 giờ đến 17 giờ 30 hằng ngày, làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) luôn ồn ào với nhiều loại máy cưa, cắt, đục đẽo gỗ... Khoảng 86% số hộ trong thôn gắn bó với nghề mộc truyền thống. Đến một số cơ sở sản xuất trong thôn, chúng tôi thấy người lao động không mang bất cứ một thiết bị bảo hộ lao động nào để hạn chế tiếng ồn. Khi trao đổi, trò chuyện, chúng tôi phải nói rất to nhưng cũng không thể át đi tiếng máy móc. Ông Trần Văn Đãng (52 tuổi) đã gắn bó với nghề mộc một thời gian khá dài cho biết: “Thính lực của tôi đã giảm đi rõ rệt so với thời điểm chưa làm mộc. Bây giờ, nhiều khi tôi nghe không rõ, thường bị ù tai, đau đầu, mệt mỏi nhưng tôi cũng không đi khám bệnh vì sợ tốn kém, mất công mất việc”.
Chú ý phát hiện, chữa trị sớm
Ông Nguyễn Văn Hinh, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Những người có nguy cơ mắc bệnh điếc nghề nghiệp cao khi họ làm việc ở môi trường có tiếng ồn từ 85 dB trở lên trong vòng 12 tháng, nhất là những nơi có các máy khoan, cưa, nhà máy sản xuất thép, đóng tàu, hàn xì, nơi có nhiều quạt thông gió hoạt động…
Chủ sử dụng lao động và chính người lao động chưa thực sự quan tâm đến bệnh điếc nghề nghiệp. Theo quy định, những người làm việc trong môi trường có độ ồn cao, bụi… phải được khám bệnh định kỳ. Tuy nhiên, vấn đề này ít được chủ sử dụng lao động quan tâm với lý do “nhiều việc, không có thời gian tổ chức”. Ngay cả bản thân người lao động cũng thờ ơ với chính sức khỏe của mình. Họ chưa có ý thức đòi hỏi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chăm lo sức khỏe cho họ. Anh C. cho biết thêm: “Làm việc trong một thời gian dài nhưng chưa bao giờ tôi được đi khám bệnh. Nhiều lúc mệt mỏi, khả năng nghe, nhìn giảm, chúng tôi chỉ biết tự đi khám, mua thuốc về uống thôi”. Dù làm việc trong môi trường rất ồn nhưng ông Đãng cũng không dùng nút tai, nắp che tai chuyên dụng bởi theo ông nó không thuận tiện khi trao đổi công việc.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến nay tỉnh ta chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng người lao động bị mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Nguyên nhân do thiếu nhân lực và kinh phí để thực hiện, nhiều doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp. Hằng năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều tổ chức tập huấn các kiến thức bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp nhưng chỉ có khoảng 30-35% số doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp lo ngại khi phát hiện ra những trường hợp mắc bệnh điếc nghề nghiệp họ sẽ phải thực hiện các chế độ chi trả bảo hiểm theo quy định.
Cũng theo ông Hinh, để giảm thiểu nguy cơ người lao động mắc bệnh điếc nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần thay thế những máy móc cũ, lạc hậu bằng những máy móc hiện đại, ít phát sinh tiếng ồn hoặc đưa các máy móc, thiết bị phát ra tiếng ồn ra khu biệt lập. Trang bị phương tiện bảo hộ lao động như nút tai, nắp che tai chống ồn cho người lao động. Sắp xếp thời gian làm việc hợp lý với những lao động phải thường xuyên làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn, giảm số giờ tiếp xúc với tiếng ồn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tiếng ồn lớn phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để phát hiện, ngăn ngừa bệnh điếc nghề nghiệp. Khi cách ly sớm với tiếng ồn thì thính lực của người lao động sẽ phục hồi hoàn toàn nếu ở giai đoạn nhẹ và bệnh không tiến triển thêm nếu ở giai đoạn nặng.
TÂM TRANG
Bệnh điếc nghề nghiệp chia ra làm 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu mệt mỏi thính giác, xảy ra vài tuần đến vài tháng sau khi tiếp xúc với tiếng ồn. Người bệnh cảm thấy ù tai, tức ở tai như bị nút tai, có cảm giác nghe kém vào cuối giờ lao động. Toàn thân suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ. Giai đoạn này thường ít được chú ý, nếu được phát hiện sớm, cách ly tiếng ồn thính lực sẽ phục hồi hoàn toàn. Giai đoạn 2 là giai đoạn tiềm tàng kéo dài 5-7 năm, nhiều người cũng chủ quan không biết mình bị bệnh điếc nghề nghiệp vì lúc này vẫn nghe được tiếng nói to ở nơi ồn ào. Đến giai đoạn 3 và 4 là giai đoạn nặng, kéo dài trên 10 năm, người bệnh khó chịu khi nghe, không nghe được tiếng nói thầm, đến giai đoạn điếc rõ rệt thì bệnh nhân bị ù tai thường xuyên, nói chuyện khó khăn, nói to cũng không nghe rõ. |