Những điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng
Tin tức - Ngày đăng : 08:05, 01/06/2016
Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những quyết sách mới, đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp để phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau đây là một số điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
1- Chủ đề Đại hội XII (cũng là tiêu đề Báo cáo chính trị) được xác định là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong các thành tố chủ đề Đại hội XII đều có những điểm mới, nhất là thành tố thứ tư “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Đại hội.
2- Đại hội nhìn lại 30 năm đổi mới
Đại hội XII đánh giá tổng quát: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. So với Đại hội X nhìn lại 20 năm đổi mới, Đại hội XII không chỉ đánh giá tổng quát thành tựu, mà còn đánh giá tổng quát hạn chế, khuyết điểm.
Đại hội XII rút ra ba kết luận quan trọng: (1) Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; (2) Những thành tựu đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; (3) Những thành tựu đó khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như hạn chế, Đại hội rút ra năm bài học. So với bài học rút ra của các Đại hội trước, các bài học Đại hội XII rút ra đều có những điểm mới, đặc biệt là bài học thứ tư về mối quan hệ dân tộc - quốc tế đã nhấn mạnh “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”.
3- Đại hội xác định “bốn trụ cột” phát triển đất nước trong thời kỳ mới
Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày nêu rõ: Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Điểm mới nổi bật là: Văn kiện Đại hội XII không chỉ xác định phát triển kinh tế là trung tâm mà cả phát triển xã hội là trung tâm; không chỉ xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần mà cả xây dựng con người làm nền tảng tinh thần.
4- Chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, được nêu ra từ Đại hội XI của Đảng. Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình này theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc). Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Động lực quan trọng nhất và cũng là điều kiện để đổi mới mô hình tăng trưởng là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Tập trung xây dựng nền công nghiệp và thương hiệu công nghiệp quốc gia với tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn; phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu; có chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất. Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực; có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; xây dựng một số đặc khu kinh tế. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại.
Thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những nhận thức trên đây cần được tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. (còn nữa)
PGS. TS. NGUYỄN VIẾT THÔNG
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương