Ông Khả
Truyện ngắn - Ngày đăng : 13:53, 04/06/2016
Minh họa: VĂN HÀ
Hôm nay là buổi dạy cuối cùng của ông Khả trên giảng đường đại học. Từ ngày mai ông sẽ nghỉ hưu. Thế là kết thúc một đời làm thầy giáo, kết thúc hơn ba mươi năm ông đứng trên bục giảng, thao thao bất tuyệt về những quan điểm triết học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Thế là kết thúc những năm tháng gắn bó với sinh viên, với tuổi trẻ, để được nhìn họ cứ há hốc mồm nghe ông giảng triết như nghe một nhà thông thái. Thế là kết thúc, kết thúc thật rồi. Thời gian sao mà trôi nhanh quá, quay đi ngoảnh lại đã đến lúc về hưu, tuổi già ập đến trên đầu lúc nào không hay. Ông Khả cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng như vừa đánh rơi mất một cái gì quý giá lắm. Trước kia nhiều lúc ông đã từng ao ước được về hưu, nhất là những lúc phải giảng đi giảng lại những kiến thức triết học đơn điệu hay bất chợt nghe được đám sinh viên than phiền về môn triết học. Hóa ra họ sợ triết như trẻ con sợ ma, sợ ngáo ộp vậy. Nhưng hễ cô cậu nào đã từng được nghe ông Khả - Tiến sĩ Lê Đình Khả giảng triết thì chắc chắn họ không còn sợ triết nữa, thậm chí còn thấy thích triết bởi những khái niệm trừu tượng như thế giới quan, phương pháp luận, vật chất, ý thức, lý luận, thực tiễn, trực quan sinh động, tư duy trừu tượng, rồi các hình thái xã hội… tất cả đều được cụ thể hóa và dễ hiểu, dễ vận dụng vào chính cuộc sống của họ. Sinh viên cứ truyền tụng nhau từ khóa này sang khóa khác khiến tên tuổi ông Khả trở nên nổi tiếng. Ôi! Đời người thật là ngắn ngủi, quay đi ngoảnh lại, chẳng mấy mà già, phải về vườn thôi, phải nhường lại cho lớp trẻ thôi. Ông Khả bỗng dưng chép miệng, lắc đầu. Ông bước nhanh về phía trước.
Phía trước, chỉ còn ba trăm mét nữa thôi là nhà ông - ngôi nhà ba tầng khang trang, đẹp đẽ nằm ngay trong khu tập thể dành cho cán bộ giảng viên của trường. Ở đó ông Khả biết chắc chắn là bà Duyên - vợ ông đang nằm gần như bất động trên giường chờ ông về. Ông biết tầng ba ngôi nhà đó có một chiếc xích to đang cùm chân Thiên Nam - con trai út và cũng là con trai duy nhất của ông, của dòng họ Lê Đình ở làng Hạ - vùng quê có đặc sản vải thiều ngọt lịm đến tê người. Ông biết chắc chắn chị Len - chị giúp việc sẽ ra mở cửa cho ông, sẽ cất ô và cất cặp cho ông. Trước kia, hồi mới chuyển lên thành phố bao giờ vợ ông cũng làm việc đó. Ấy là hạnh phúc và cũng là bổn phận của bất kỳ người vợ nào bởi bà ấy quan niệm đã là vợ thì phải biết nâng khăn sửa túi cho chồng. Thế rồi con gái Thiên Nga, Thiên Hà lớn lên, chúng tranh mất cái việc giản dị mà đáng yêu của mẹ chúng. Nhưng từ khi Thiên Nam ra đời, kinh tế khá giả, nhà có điều kiện thuê người giúp việc thì vợ ông, con ông không ai còn ngó ngàng gì đến cái việc cất cặp, cất ô cho ông mỗi khi ông đi làm về nữa. Đó là việc của chị Len. Thiên Nam thì được nuông chiều từ bé nên nó luôn coi mình là trung tâm của cả nhà. Nó đúng là cục vàng của bà Duyên. Bà cưng, bà nựng nó như người ta nâng niu giữ gìn báu vật nên lúc nhỏ trông nó rất cớm, thiếu ánh sáng mặt trời, da cứ xanh bủng xanh beo. Được thể bà càng vuốt ve, chiều chuộng khiến nó sinh hư. Nhiều hôm ông Khả đi làm về phải nhắc nó mới cất tiếng chào "bố" chứ đừng mong đến chuyện nó sẽ cất cặp cho ông. Hễ ông Khả quát nạt hay giơ roi dọa đánh mỗi khi nó hư là bà Duyên lại bênh chằm chặp. Mới ngày nào nó còn đỏ hỏn như con mèo hen vì sinh thiếu tháng thế mà bây giờ đã ba mươi năm rồi. Trải qua bao biến cố thăng trầm, ông muốn Thiên Nam thành người mà nó có thành người cho đâu. Thiên Hà thì một nách nuôi hai con nhỏ. Con bé thật là đáo để, lúc nào cũng nói thẳng và nói thật. Ba đứa con cùng cha cùng mẹ sinh ra mà mỗi đứa một tính một nết, chẳng đứa nào giống tính đứa nào. Thiên Nga thì hay giấu kín mọi chuyện trong lòng, rất ít khi bộc lộ ra. Bây giờ con bé không còn nữa. Cái chết của Thiên Nga thật là đau đớn. Nghĩ đến đó, ông Khả vấp vào bậc hè, điếng cả người.
- Úi cha! - Ông Khả bật kêu lên thành tiếng rồi ngồi thụp xuống. Hóa ra ông đã bước về đến cửa nhà mình rồi mà ông không hay. Ông vội lấy tay xoa xoa mấy đầu ngón chân đang tê buốt. Hôm nay trời nóng, ông Khả không đi giầy như mọi hôm mà ông đi đôi dép quai hậu bằng cao su nên cú vấp làm ông không thể đứng dậy ngay được. Một lúc sau ông cụp ô lại, cắm đầu ô chúc xuống bậc hè làm điểm tựa để đứng lên bấm chuông. Chị Len, đúng là chị Len ra mở cửa, đỡ cặp cho ông. Chị vồn vã như đã chờ ông từ lâu lắm rồi:
- Sao hôm nay ông về muộn thế?
Ông Khả buông mình xuống sa lông, thủng thẳng trả lời:
- À! Ừ! Hôm nay là buổi dạy cuối cùng của tôi. Mai tôi về hưu rồi nên trò chuyện, lưu luyến, chia tay cũng mất thời gian lắm.
- Cháu thấy khối ông giáo sư về hưu vẫn khỏe lắm, vẫn đi dạy hợp đồng ở các trường đại học đấy thôi.
- Thôi! Tôi già rồi, về nhà còn trông nom mẹ con bà ấy, đi dạy nữa người ta lại bảo tham. À! Thế hôm nay bà ấy có ăn được gì không?
- Cháu cho bà ăn một tô cháo đỗ xanh. Bà cứ đòi chờ ông về nhưng muộn quá, cháu ép bà ăn trước. Bà đi ngủ rồi ông ạ.
- Thế thằng Nam có lên cơn nào không?
- Thưa ông! Cậu Nam đập phá, gào thét một hồi nhưng cháu nghe lời ông dặn, cháu cứ mặc kệ.
- Chị lấy cái gì cho nó ăn đi. Tôi mệt. Tôi đi ngủ đây. Lát tôi dậy ăn sau cũng được.
- Vâng ạ! - Chị Len nhanh nhẹn vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho Thiên Nam. Từ ngày có chị giúp việc trong gia đình, mọi thứ lúc nào cũng ngăn nắp, đâu vào đấy. Trước kia ông Khả đã từng thuê mấy người giúp việc nhưng bà Duyên chẳng ưng ai: một người đàn bà đứng tuổi, trạc tuổi bà Duyên thì mắt kém, lại chậm chạp, làm việc gì cũng tỉ mẩn, mất nhiều thời gian làm mọi người trong nhà cứ sốt hết cả ruột. Một cô gái nhà quê mười chín tuổi thì vụng về, hậu đậu, hễ động vào cái gì là làm vỡ cái ấy. Đồ đạc trong nhà ông Khả toàn thứ quý giá, đắt tiền nên bà Duyên xót của lắm. Bà vốn khó tính lại càng khó tính nên cho họ nghỉ việc hết. Đến khi bà Chuyên - chị dâu ông Khả ở quê giới thiệu chị Len - hàng xóm của bà thì bà Duyên ưng ngay. Từ đó chị Len ở với gia đình ông Khả gần hai chục năm rồi. Nhiều lần ông Khả động viên chị về quê tìm một tấm chồng mà gây dựng tổ ấm nhưng chị nhất định không chịu về. Chị thà ở vậy suốt đời chứ không thể bước theo vết chân của mẹ chị được. Chị rất sợ cái cảnh vợ chồng mà mẹ chị đã phải trải qua. Bố chị là một người đàn ông nghiện rượu và có tính vũ phu nên thường xuyên đánh đập mẹ chị thâm tím cả mặt mày. Thế mà ra đường ai hỏi, mẹ chị cũng giấu, bảo là va vào cánh cửa. Bây giờ ông ấy không còn nữa, một mình mẹ chị nuôi các con ăn học thật là cực nhọc. Ở với gia đình ông Khả, được bao nhiêu tiền công chị đều gửi về cho mẹ. Không có chị, ông Khả cũng không biết xoay xở ra sao nữa.
Trước khi về phòng ngủ trưa, ông Khả bước vào phòng bà Duyên. Nhìn vợ nằm thõng thượt trên giường, dáng nặng nề, da nhợt nhạt, chẳng khác nào cái xác không hồn, ông Khả nén tiếng thở dài. Từ ngày bà Duyên bị tai biến mạch máu não lần thứ nhất cách đây bảy năm, bà đã đòi ngủ riêng phòng. Ông Khả chiều theo ý muốn của vợ. Khi ấy ông bà ngoài năm mươi tuổi nên chuyện ly thân cũng không có gì nghiêm trọng. Cách đây hai năm, trải qua những cú sốc tinh thần liên tục nên bà ấy bị tai biến lần thứ hai và bị liệt nửa người. Bác sĩ cảnh báo với ông Khả rằng bà Duyên có thể ra đi bất cứ lúc nào. Thế là hai năm rồi vợ ông cứ nằm yên một chỗ.
Ông Khả lại gần, nhìn rõ gương mặt đã nhiều nếp nhăn của vợ. Ông khẽ kéo chiếc chăn mỏng đắp ngang bụng bà Duyên và đứng lặng nhìn bà đang thở đều đều. Ôi, cái gương mặt này, cái thân hình này bốn mươi năm về trước đâu có sồ sề, đâu có khó coi như bây giờ. Thời gian có sức mạnh tàn phá thật là ghê gớm. Ông Khả lặng lẽ quay ra, để mặc bà Duyên ngủ yên. Ông về phòng mình, ngả lưng xuống giường, nằm vắt tay lên trán. Lần nào cũng thế, cứ vắt tay lên trán là ông Khả lại bị ám ảnh bởi những chuyện ngày xưa?
***
Lê Đình Khả và Lê Văn Vĩnh cùng làng, chơi thân với nhau từ hồi còn mặc quần đùi nhảy sông làng Hạ bơi thi. Hai người cùng thầm yêu trộm nhớ cô hoa khôi xinh đẹp của làng là Thiên Duyên nhưng Vĩnh biết đàn giỏi và hát hay nên đã chiếm được trái tim người đẹp. Hồi ấy con gái toàn để tóc dài nhưng không cô nào có mái tóc dài chấm gót và đen óng ả như mái tóc của Duyên. Da nàng trắng nõn nà, cặp môi hình trái tim lúc nào cũng đỏ mọng, trông đến là thèm. Cả ba cùng đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp. Đang học năm cuối thì nhà trường vận động sinh viên xung phong đi B tình nguyện. Vĩnh rủ Khả viết đơn bằng máu xin đi B nhưng Khả chần chừ không viết bởi Khả biết lựa chọn một là đi du học ở Nga hai là đi vào chỗ chết. Anh trai duy nhất của Khả là Lê Đình Kiên đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, để lại vợ và con gái nhỏ. U Khả vẫn đau đáu một nguyện vọng là phải giữ được người nối dõi tông đường cho dòng họ Lê Đình nên Khả né tránh, không đi B. Còn Vĩnh, Vĩnh không lựa chọn, Vĩnh đã sống hết mình và chẳng có gì phải ân hận. Thế rồi Vĩnh đi, tóc dài môi đỏ của Duyên cũng không đủ sức níu kéo. Sáu tháng sau thì tin Vĩnh hy sinh ở Quảng Trị truyền về làng, hài cốt thì không tìm thấy. Duyên khóc hết nước mắt nhưng cũng chịu gục vào bờ vai của Khả. Thế là nghiễm nhiên Duyên trở thành vợ Khả. Nếu Vĩnh không đi B, nếu Vĩnh còn sống thì chắc gì Khả đã lấy được Duyên. Vì thế bây giờ ngẫm lại ông Khả vẫn cho đó là một việc ác.
Hồi ấy, sau khi anh Kiên hy sinh, chị Chuyên ở với u Khả và nuôi bé Na ăn học. Ba mẹ con bà cháu rau cháo nuôi nhau, có đận mất mùa phải ăn độn khoai, sắn nhưng vợ chồng Khả cũng không giúp được gì. Khi Na đỗ đại học thì chị Chuyên đi bước nữa. Chị lấy anh Thọ thương binh cụt một tay, người cùng làng. Gia đình anh Thọ có tới năm anh em trai, nhà cửa chật chội nên u Khả cắt cho vợ chồng chị Chuyên một nửa đất làm nhà. Biết tin, Duyên hối thúc Khả về quê, họp gia đình, không đồng ý cho chị Chuyên đất với lý do lấy chồng theo phận nhà chồng, chị Chuyên đã lấy anh Thọ thì phải về nhà anh Thọ ở. Bây giờ ông Khả vẫn nhớ như in cái buổi tối họp gia đình ấy. Chị Chuyên nước mắt lưng tròng: “Con chỉ xin với u, với hương hồn nhà con và chú thím cho con mượn khoảnh đất sau vườn cất một gian nhà ở tạm. Sau này có điều kiện chúng con sẽ đi chỗ khác ở”. Khả nhất mực từ chối: “Tôi đã nói không được là không được. Chị làm thế làng nước người ta cười vào mặt gia đình tôi. Dòng họ Lê Đình cũng chẳng ai đồng ý đâu”. Hôm ấy u Khả vừa khóc vừa chắp tay van xin vợ chồng Khả: “U xin các con, để chị con có chỗ nương thân. U coi chị Chuyên như con đẻ của u nên u cho đất cũng có sao đâu”. Khả quay sang nói với chị Chuyên: “Nhưng chị ở vậy đã đành một nhẽ, đằng này chị đi lấy người khác, chị phải tự lo nơi ăn chốn ở chứ không thể rước người đàn ông khác về ở trên đất nhà ta được”. Chị Chuyên nức nở: “Con xin lỗi u…” rồi vùng chạy ra khỏi nhà. Ngoài trời tối đen như mực. Khả không chạy theo chị nhưng Khả biết anh Thọ đang đợi chị ở ngoài cổng. Thế rồi vợ chồng chị Chuyên cũng dựng được túp lều ở tạm bên bờ sông. Sau này mỗi lần gặp lại chị khi nhà có công có việc Khả vẫn cảm thấy ngượng nhưng chị Chuyên cứ hồ hởi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Từ khi chứng kiến con gái thứ hai Thiên Hà cãi nhau với chồng, bà Duyên ngã cầu thang, bệnh lại tái phát nặng thêm. Cuộc cãi vã ấy diễn ra ở ngay phòng khách nhà ông Khả. Chúng tưởng ông bà đang ngủ trưa nên cứ tự nhiên như ở nhà riêng: “Cô nói đi, tối hôm qua cô đi với thằng nào?”. “Tôi đi với thằng nào thì việc gì đến anh. Anh tưởng anh ăn chả thì tôi không dám ăn nem đấy à”. “Á, à, thế thì hai thằng nhỏ chắc gì đã phải con của tôi”. “Anh muốn biết thì đem chúng đi mà xét nghiệm ADN”. “Tôi chẳng cần phải xét nghiệm. Cô đẻ chúng ra thì cô tự nuôi lấy”. “Anh đúng là loại người vô trách nhiệm. Ngày mai ra tòa tôi sẽ nhận nuôi cả hai đứa”… Cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng Thiên Hà sẽ còn tiếp diễn nếu bà Duyên không trượt liền năm bậc cầu thang sau khi bật ra tiếng kêu: “Ối! Ối”. Cộng thêm việc phát hiện cậu con trai út bị nghiện ma túy, bà Duyên nằm bất động một chỗ luôn, không đi lại được nữa.
***
Đêm hôm ấy, bà Duyên trở bệnh, thở khó nhọc. Bà bảo chị Len gọi ông Khả vào phòng. Ông Khả thấy nét mặt của vợ khác hẳn mọi khi, không nhợt nhạt mà cứ đỏ rực lên. Biết là huyết áp của bà lên cao, ông kê gối đỡ bà ngồi dậy. Bà thở hổn hển, giọng đứt quãng. Ông Khả bủn rủn cả người nhưng không dám ngắt lời vợ. “Khi tôi… chết, ông hãy mời… sư thầy… đến tụng kinh… sám hối cho tôi", bà Duyên dồn tất cả sinh lực còn lại trong người để nói ra nguyện vọng cuối cùng ấy. Nói xong bà cấm khẩu luôn. Ông Khả trợn mắt, đứng chết lặng ở đầu giường giây lát rồi hai tay lay vai bà Duyên liên tục: "Bà nói đi, nói đi!”. Nhưng bà Duyên không nói được nữa, đôi mắt bà đờ đẫn. Từ lúc đó bà không ăn được gì ngoài mấy thìa nước cháo mà chị Len cố đổ vào miệng bà nhưng phải chảy ra ngoài và thấm vào chiếc khăn quàng ở cổ bà đến một nửa.
Ngày hôm sau ông Khả nhờ chị Len về quê đón sư thầy ở chùa làng Hạ lên tụng kinh sám hối cho bà Duyên như lời bà trăng trối. Cuộc tụng kinh diễn ra trong ba ngày liền. Sau cuộc tụng kinh ấy ông Khả cứ như người mất hồn, không rằng, không nói, không ra khỏi nhà. Bên tai ông lúc nào cũng văng vẳng tiếng mõ và tiếng chuông gió: “Nam mô a di đà… Nam mô a di đà… Nam mô a di đà... à… à”.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH