Giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho người trẻ

Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 05/06/2016

Thời gian gần đây, ngoài dạy kiến thức cho học sinh, ngành giáo dục cũng quan tâm rèn luyện kỹ năng sống nhằm giúp các em tự tin xử lý các tình huống bất ngờ, phức tạp, sống tốt hơn.




Học sinh lớp 5 tuổi  Trường Mầm non song ngữ Việt Anh trải nghiệm thực tế tại Nông trại Việt Anh

Đến Nông trại giáo dục Việt Anh (đặt tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm), chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị cùng các em học sinh tiểu học. Tại đây, chúng tôi gặp rất nhiều em lớp 5 tuổi của Trường Mầm non song ngữ Việt Anh (TP Hải Dương) đến thử làm nông dân. Các em mặc quần áo màu nâu, đội nón và đi chân đất. Công việc của các em là nhặt trứng vịt, cuốc đất, cho cá ăn, bắt cá, tập đi cầu khỉ… Ngoài ra, các em phải đối mặt với các tình huống như đuối nước, hỏa hoạn và phải tự tìm cách xử lý.

Đôi tay lem nhem bùn đất, em Nguyễn Đăng Dương đang rất thích thú với công việc cuốc đất. Dương cho biết: “Con rất thích công việc ở đây. Con có thể tự làm mọi việc theo ý mình mà không sợ bẩn. Những trò chơi ở đây thích hơn những trò chơi ở trường”.

Nhiều trẻ còn rụt rè, nhút nhát vì sợ bẩn, sợ ngã nhưng khi nhìn thấy các bạn nô đùa đã thích thú cũng hòa nhập theo. Một số tình huống nguy hiểm được đưa ra như các bé sẽ chèo thuyền và thuyền bị lật, các bé ngã xuống ao. Lúc đó, các bé tự biết cách đẩy thuyền ra và leo lên bờ. Tuy nhiên, đó chỉ là tình huống, khuôn viên ao và độ sâu đều nằm trong sự kiểm soát của nông trại. Ngoài ra, trẻ còn trải nghiệm các tình huống đưa thư, đi chợ, đi công viên, siêu thị và bị lạc. Qua trải nghiệm, các bé tự hình thành kỹ năng sống (KNS) về khả năng giao tiếp và xử lý tình huống.

Tại Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương), KNS trở thành môn giáo dục quan trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Phó Ban biên soạn tài liệu KNS Trường THPT Hồng Quang cho biết: Trước thực trạng học sinh đuối nước, có quan hệ tình dục, bỏ nhà đi bụi, ăn cắp, lập băng nhóm đi cướp... ở các nơi ngày càng nhiều, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục, rèn luyện KNS cho học sinh. Qua đó, chúng tôi mong muốn thay đổi nhận thức của học sinh, hướng các em đến những hành động ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn. Từ lớp 10 đến lớp 12 đều được học KNS 2 tiết/tháng vào các giờ sinh hoạt. Thay vì kiểm tra, đánh giá kết quả học 1 tuần, nhà trường đã xây dựng tiết học KNS dựa trên 21 KNS do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Các kỹ năng đối phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, nhận thức, tìm kiếm sự hỗ trợ, khả năng tự tin… đều rất quan trọng với độ tuổi đang trưởng thành. Để cụ thể hóa các hoạt động, Trường THPT Hồng Quang đã tổ chức nhiều sân chơi ngoại khóa, các hoạt động thực tế để học sinh trải nghiệm. Em Nguyễn Phương Nhi, lớp 12G cho biết: “Thông qua các tiết học về KNS, em biết kiềm chế cảm xúc và ứng xử tốt hơn với  gia đình, thầy cô và bạn bè. Em tự tin hơn trong giao tiếp. Việc học KNS cũng giúp học sinh nhận thức tốt hơn về hành động của mình và hạn chế bạo lực học đường”.

 Nhiều năm gần đây, việc rèn luyện KNS cho trẻ không chỉ được nhà trường quan tâm mà còn được các bậc phụ huynh ủng hộ. Chị Hà Thị Liên có con đang học lớp mầm non 5 tuổi Trường Mầm non song ngữ Việt Anh cho biết: “Tôi rất mong nhà trường phối hợp với các trung tâm cho các cháu tham gia trải nghiệm thực tế nhiều hơn nữa. Tôi thấy con tôi sau khi đi trải nghiệm thực tế về, cháu hay kể chuyện về những điều cháu nhìn thấy và thường hỏi những câu rất ngộ nghĩnh. Cháu nhìn sự vật, sự việc cởi mở hơn. Đó là những điều mà trước đây chúng tôi chưa từng thấy ở cháu”.



Giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống góp phần giúp các bạn trẻ tự tin tham gia các hoạt động văn nghệ, hoạt động xã hội

Việc trải nghiệm thực tế có thể làm trẻ bị bẩn hoặc bị ngã, xước chân tay. Lúc đầu, nhiều phụ huynh không tán thành cách làm này. Song nhiều lần thấy con mình thay đổi hành vi và ngày càng thích thú với những trải nghiệm đó nên mọi người cho con tham gia lớp học nhiều hơn. Anh Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tư vấn và phát triển giáo dục Việt Anh (TP Hải Dương) cho biết: “Việc rèn luyện KNS cho trẻ là rất cần thiết. Các bậc phụ huynh ngày càng nhận thức hơn về giáo dục đúng hướng cho con em mình. Chúng tôi luôn quan tâm giảng dạy và rèn luyện các em các kỹ năng như: tự phục vụ, đương đầu với áp lực, sinh tồn và kỹ năng sinh hoạt hằng ngày".

Đánh giá về việc giảng dạy, rèn luyện KNS cho trẻ, ông Đinh Quốc Khánh, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết việc giảng dạy KNS trong trường học là không bắt buộc. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, 4 năm trở lại đây theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS, THPT đều dạy KNS tích hợp với các môn như văn học, lịch sử, giáo dục công dân... Theo đánh giá chung của các trường học, sau khi đưa kiến thức KNS vào giảng dạy, các tiết học sôi nổi, bổ ích hơn. Học sinh nhận thức cao hơn. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có tiết học KNS, vì muốn dạy KNS cần có sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Để góp phần tích cực vào sự thay đổi hành vi, nhận thức của người trẻ, nhất là ở lứa tuổi dậy thì, gia đình và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn trong việc giảng dạy, rèn luyện KNS cho các em.

MINH NGUYỆT

Kỹ năng sống (KNS) là một tập hợp các kỹ năng mà con người có được thông qua giảng dạy hoặc kinh nghiệm trực tiếp được sử dụng để xử lý những vấn đề, câu hỏi thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Ở bất kỳ lứa tuổi nào việc giáo dục, rèn luyện KNS cũng là môn học cần thiết. Hiện nay, người trẻ thiếu KNS khiến cho sự phát triển của họ hạn chế. Nếu ở trong môi trường khép kín, ít giao tiếp, ít gặp những tình huống phức tạp... có thể khiến nhiều người trẻ “tự kỷ".