Vì một hệ động vật hoang dã phong phú và đa dạng

Môi trường - Ngày đăng : 08:09, 05/06/2016

Nạn săn bắn trộm, sự phát triển của công nghiệp, đô thị được mở rộng và tình trạng ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực tới hệ động vật này.



Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) có thành phần chim đa dạng và phong phú hơn nhiều
so với các khu vực khác của đồng bằng sông Hồng


Mặc dù là tỉnh đồng bằng, diện tích đồi núi không lớn, nhưng hệ động vật hoang dã trên địa bàn Hải Dương tương đối phong phú. Tuy nhiên, nạn săn bắn trộm, sự phát triển của công nghiệp, đô thị được mở rộng và tình trạng ô nhiễm môi trường đã tác động tiêu cực tới hệ động vật này.

Nhiều loài quý hiếm

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài "Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học, xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", tỉnh ta hiện có 47 loài thú thuộc 18 họ của 7 bộ, trong đó có 42 loài thú hoang dã và 5 loài thú nuôi. Nhìn chung, thú hoang dã sinh sống trên địa bàn chủ yếu là những loài có kích thước vừa và nhỏ, dễ thích nghi với môi trường sống. Đó là các loài thú thuộc bộ ăn thịt như mèo rừng, cầy gấm, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, chồn bạc má bắc, sóc các loại, cu li loại nhỏ, các loài thuộc bộ dơi, các loài sóc, chuột thuộc bộ gặm nhấm... Các loài có kích thước lớn trong hệ sinh thái rừng tự nhiên còn rất ít hoặc không thấy xuất hiện.

Theo ông Hoàng Đức Lưu, Trưởng Ban Quản lý rừng Hải Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.300 ha rừng tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến và phường Hoàng Tân (Chí Linh). Trong đó, các cánh rừng tự nhiên của thị xã Chí Linh là vùng quan trọng về phân bố thú hoang dã của tỉnh, nhất là những loài thú có giá trị bảo tồn nguồn gien như hoẵng, lợn rừng, cu li, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, cầy gấm, chồn bạc má bắc, các loài sóc... Có 3 loài quý hiếm được xếp vào nhóm sẽ nguy cấp, cấm săn bắn, sử dụng là cu li nhỏ, cầy gấm và mèo rừng. Ngoài các loài thú hoang dã, những khu rừng tự nhiên thuộc các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An (Chí Linh), một số núi đá vôi trên địa bàn thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) còn có nhiều loài bò sát, lưỡng cư có giá trị như tắc kè, rồng đất, rắn ráo thường, ráo trâu, cạp nong, cạp nia, hổ mang bành, hổ chúa... Bên cạnh đó, ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn có các loài bò sát hoang dã có giá trị bảo tồn về khoa học cũng như một số loài thuộc họ rắn hổ và họ rắn lục ở rừng trên núi đá. Nhiều loài bò sát, lưỡng cư thuộc nhóm rất nguy cấp, nghiêm cấm khai thác sử dụng như rắn ráo trâu, rắn hổ chúa, rắn sọc dưa, trăn đất...

Cùng với thú và bò sát, hệ động vật hoang dã của tỉnh còn có sự xuất hiện một số loài chim quý hiếm. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy trên địa bàn tỉnh có 161 loài chim thuộc 44 họ của 14 bộ. Khu rừng Đồng Châu, rừng chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám), vùng đồi núi xã Bắc An và khu vực núi đá vôi của thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) tập trung nhiều loài chim tự nhiên. Đặc biệt, các cánh rừng tự nhiên của thị xã Chí Linh có nhiều loài chim có giá trị bảo tồn nguồn gien như gà lôi trắng, cú lợn lưng nâu, dù dì phương Đông, diều hoa Miến Điện, chích chòe lửa... Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) là nơi tập trung nhiều loài chim nước, chủ yếu là các loài cò, vạc... Theo nghiên cứu, khu vực này có thành phần chim đa dạng và phong phú hơn nhiều so với các khu vực khác của đồng bằng sông Hồng, với khoảng 51 loài, thuộc 12 bộ, 30 họ và 42 giống. Trong đó có nhiều loài chim quý như bồ nông, le le, mòng, két, cú mèo… Đặc biệt, Đảo Cò xuất hiện loài cò ốc, một loài chim quý đã được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam.

Chung tay bảo vệ



Tình trạng săn bắt, nuôi nhốt trái phép vẫn diễn ra khiến hệ động vật hoang dã ngày càng suy kiệt


Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng suy giảm mạnh về số lượng và chất lượng. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp cùng sự bùng nổ đô thị cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng... khiến cho nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã bị thu hẹp. Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh còn lại rất ít (khoảng 2.300 ha), tập trung ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn khiến nhiều loài động vật hoang dã không có nơi sinh sống và dễ dàng bị tiêu diệt. Tình trạng người dân vào rừng bẫy thú, săn bắn vẫn thường xuyên xảy ra cũng khiến cho số lượng các loài động vật hoang dã trong rừng ngày càng suy giảm. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường do phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá vôi trên địa bàn huyện Kinh Môn đã làm biến đổi hoặc mất hoàn toàn môi trường sống tự nhiên của nhiều loài động vật hoang dã. Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến nhiều loài động vật hoang dã suy giảm về số lượng do môi trường sống bị thay đổi.

Thời gian qua, công tác quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin và kinh nghiệm quản lý. Vì vậy, bảo vệ động vật hoang dã cần sự vào cuộc của tất cả các ngành, địa phương và người dân sinh sống nơi có rừng. Theo ông Nguyễn Công Quân, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tuyên truyền tại cửa rừng bằng cách treo biển cấm, tuần tra, canh gác và tuyên truyền trực tiếp tại các hộ nuôi động vật hoang dã là biện pháp để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc nuôi nhốt, bảo vệ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra trực tiếp phương tiện vận chuyển cũng làm giảm tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất. Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới. Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản, mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã cũng góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.

VỊ THỦY