Phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:26, 10/06/2016

Nghề nuôi thủy sản ở xã Hồng Đức (Ninh Giang) mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định.



Do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ ở xã Hồng Ðức đang tập trung phát triển bền vững nghề nuôi cá


Do đó, vài năm trở lại đây ngoài mở rộng quy mô sản xuất, người nuôi còn chú trọng tìm hiểu nhiều giải pháp để có thể phát triển bền vững nghề này.

Là một trong những hộ đầu tiên cải tạo khu đồng Cổ Giải của thôn Đồng Lạc để nuôi thủy sản, anh Nguyễn Văn Đại vẫn không quên những tháng ngày vật lộn với từng tấc đất để có được thành công như hiện nay. Theo anh Đại, trước kia đây là vùng đồng triều trũng, cấy lúa 1 vụ bấp bênh lại còn xa khu dân cư, đường đi bất tiện nên bà con không mặn mà canh tác. Tiếc ruộng bỏ hoang, năm 2006, anh đã thuê lại hơn 3 mẫu đất đầu tư đào ao thả cá theo quy hoạch của xã. Thời gian đầu khó khăn chồng chất vì vốn và kinh nghiệm đều hạn chế nhưng anh vẫn không từ bỏ quyết tâm làm giàu. Sau 10 năm tích lũy kiến thức từ sách báo, học hỏi nhiều nơi và mạnh dạn áp dụng vào thực tế, anh đã có cơ ngơi khang trang trên mảnh đất bỏ hoang này. Với 3 ao được xây dựng kiên cố, mỗi lứa anh thu gần 30 tấn cá, lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Đại cho biết: Mặc dù hiệu quả nuôi cá đã thấy rõ nhưng cũng giống như những loại nông sản khác, giá bán cá bấp bênh, đầu ra chưa thực sự ổn định. Vì vậy, nếu người nuôi không nhạy bén sẽ bị thua lỗ. Để giảm thiểu rủi ro của thị trường, bà con thường nuôi đa tầng, kết hợp nhiều loại cá khác nhau trên một diện tích mặt nước. Dù vậy, cách làm này có hạn chế lớn là nếu không bảo đảm mật độ phù hợp, cá sẽ chậm lớn, dễ nhiễm bệnh. Khắc phục nhược điểm đó, anh đã đào ao theo từng bậc, cùng một ao nhưng độ nông, sâu khác nhau, thích hợp với môi trường sống của từng loại cá. Bên cạnh đó, phải biết cách gối vụ để cá phát triển thuận lợi, đồng thời nắm bắt nhu cầu của thị trường, lựa chọn giống cá hợp lý. Nhờ đó, sản lượng cá của gia đình anh luôn cao hơn so với những gia đình khác và không lứa nào bị lỗ.

Sau khi địa phương hoàn thành dồn điền, đổi thửa, ông Nguyễn Qúy Quốc ở thôn Mai Động đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây ao nổi nuôi cá truyền thống. Vừa mới thu lãi 70 triệu đồng lứa cá đầu, ông Quốc phấn khởi nói: “Nuôi cá bằng ao nổi thuận lợi hơn nhiều so với ao chìm. Đầu tư ao nổi tiết kiệm gần 50% chi phí ban đầu mà lại không lo ngập úng vì có thể tự điều tiết nước. Các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép... tuy phải nuôi dài ngày hơn cá thương phẩm khác nhưng lại an toàn, ít mắc bệnh. Đặc biệt đây là loại cá chịu nhiệt tốt, thời tiết có nóng lạnh thất thường cũng không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cá. Ngoài ra, bà con trong xã cũng học nhau cách ương cá giống, vì vậy mỗi mẫu ao chúng tôi để được 20 triệu đồng mà con giống lại bảo đảm”.

Không giống như các hộ trong xã, gia đình chị Dương Thị Cương lại chọn hướng đi khác để phát triển nghề nuôi cá. Năm 2014, từ hơn 1 mẫu cá truyền thống, chị đã tìm hiểu thị trường và nuôi các giống cá đặc sản là cá trê và rô đồng. Gia đình chỉ có hơn 2,5 mẫu ao nhưng chị lại chia thành 6 ao nhỏ để khi dịch bệnh phát sinh thì có thể dễ dàng xử lý và không sợ lây lan. Chị cũng học hỏi kỹ thuật nuôi cá qua đông để bán với giá cao. Nhờ vậy, mỗi năm chị thu lãi hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn kinh doanh thức ăn cho cá để gia đình vừa có thể sử dụng vừa cung cấp cho các hộ nuôi trong xã. Từ dịch vụ này, chị có thêm hơn 50 triệu đồng/năm.

Theo bà Đoàn Thị Đảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã, so với cấy lúa, nuôi cá không vất vả mà lại hiệu quả hơn nhiều. Nếu cấy lúa, người dân thu lãi chưa đầy 1 triệu đồng/sào thì lợi nhuận từ nuôi cá có thể lên đến 7 triệu đồng/sào. Để nghề nuôi cá phát triển bền vững, tránh tình trạng ồ ạt làm rồi lại đồng loạt bỏ, năm 2012 hội đã thành lập Câu lạc bộ Nuôi thủy sản để các hộ có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Khác với các địa phương khác, các hộ nuôi cá trong xã được tuyên truyền sử dụng nguồn nước giếng khoan có chất lượng bảo đảm nên ít xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa, nước giếng khoan giúp điều hòa nhiệt độ ao, mát vào mùa hè, ấm trong mùa đông, vì vậy cá không bị sốc nhiệt.

Ông Nguyễn Quý Chiều, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2001, xã được phê duyệt chuyển đổi 15 ha ruộng trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi thủy sản. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản của xã đã lên hơn 90 ha. Nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con rất phấn khởi. Nhằm duy trì và phát triển nghề nuôi cá ổn định, lâu dài, xã định hướng cho bà con trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng và từng  hộ, tiếp cận và ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Người nuôi cần kiểm soát được sản lượng, chất lượng cá cũng như nắm bắt được nhu cầu của thị trường để hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro trong quá trình sản xuất.

PV